Giáo viên dạy bơi vô trách nhiệm
Đã một tuần trôi qua nhưng 2 vụ học sinh đuối nước tại bể bơi trường học (xảy ra ở Hà Nội và Nghệ An) đã gây ra nỗi xót xa cho nhiều người. Theo đó, Cơ quan cảnh sát điều tra - Công an quận Hà Đông đã khởi tố vụ án, tạm giữ hình sự đối với Trần Lâm Thắng (24 tuổi, giáo viên môn bơi lội) của trường phổ thông Quốc tế Việt Nam về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo như thông tin ban đầu vào khoảng 13h20p ngày 22/8, giáo viên này đã tập trung học sinh lớp 9A1 chuẩn bị cho tiết học bơi. Sau khi cho 11 học sinh khởi động khoảng 10 phút, giáo viên Thắng yêu cầu nhóm học sinh này vào bể bơi để thực hành bơi lội. Vào đây, giáo viên Thắng đã không phổ biến, hướng dẫn chi tiết mà ngồi ở ghế đầu bể bơi, mặc cho các em học sinh tự do xuống bể bơi thực hành.
Thay vì hướng dẫn học sinh học bơi, quan sát, theo dõi các em, nam giáo viên này chỉ ngồi một vị trí và sử dụng điện thoại di động. Kết thúc buổi học bơi, giáo viên giải tán lớp học, không phát hiện học sinh bị nạn. Đến hơn 14h, anh Hà Văn Xuân - nhân viên vệ sinh bể bơi phát hiện nam sinh nằm bất động dưới đáy bể, khu vực mực nước sâu 1,55m. Sự vô trách nhiệm của giáo viên Trần Lâm Thắng đã khiến nam sinh lớp 9 đuối nước thương tâm.
Bể bơi nơi xảy ra sự việc. Ảnh: Quốc Huy
Cũng trong ngày 22/8, khoảng 15h, một nhóm học sinh rủ nhu đến bể bơi của trường THPT Nguyễn Trường Tộ, TP Vinh, tỉnh Nghệ An để tắm. Trong lúc tắm, mọi người không thấy em N.T.B đâu nên lặn xuống tìm và phát hiện nam sinh này nằm dưới đáy bể bơi. Ngay lập tức, sự việc được thông báo đến bảo vệ và nhà trường.
Sau đó, em B được đưa đến Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Đến khoảng 18h30 cùng ngày, em B được chuyển sang Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An để tiếp tục cấp cứu. Tuy nhiên, em B không qua khỏi và tử vong vào tối 23/8.
Từ 2 sự việc trên cho thấy, cần quy định rõ trách nhiệm của người dạy bơi cũng như nhà trường – nơi xảy ra sự việc. Và, muốn bảo đảm an toàn tại bể bơi thì việc tuyển dụng giáo viên dạy bơi rất quan trọng, phải vừa là người có chuyên môn vừa là người có trách nhiệm với sinh mạng của học sinh.
Chú trọng khâu tuyển dụng giáo viên
Trong trường học, việc để xảy ra học sinh chết đuối trong bể bơi là điều vô cùng thương tâm và không ai mong muốn xảy ra; Để lại niềm đau xót, mất mát và cũng là nỗi ám ảnh cho gia đình, người thân nạn nhân và toàn thể giáo viên, học sinh nhà trường. Vì vậy, nhà trường và các cá nhân liên quan cần có trách nhiệm khi để xảy ra vụ việc đáng tiếc này.
Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho biết, lỗi trước hết thuộc về giáo viên dạy bơi để xảy ra tai nạn. Theo quy định của nhà trường, giáo viên dạy bơi phải bao quát lớp, quản lý học sinh trước, trong và sau tiết học.
Bên cạnh đó, giáo viên phải điểm danh học sinh khi vào giờ học và điểm danh lại sau khi kết thúc giờ học bơi. Vì vậy, việc giáo viên dạy bơi thiếu trách nhiệm làm cho học sinh chết đuối đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Luật sư Diệp Năng Bình.
Căn cứ theo điểm a Khoản 1 Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, người phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Còn về phía nhà trường, theo Luật sư Bình, căn cứ theo Điều 597 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra, nhà trường phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được nhà trường giao. Nếu nhà trường đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, căn cứ theo Điều 591 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm, nhà trường phải bồi thường thiệt hại bao gồm: Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm; Chi phí hợp lý cho việc mai táng; Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng; Thiệt hại khác do luật quy định, và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại.
Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; Nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở.
“Sau vụ việc này, nhà trường cần chỉ đạo chặt chẽ hơn trong khâu tuyển dụng giáo viên, quản lý và sử dụng bể bơi một cách hiệu quả. Tăng cường giám sát, kiểm tra chất lượng bể bơi và hệ thống cứu hộ để tránh những vụ việc thương tâm khác xảy ra. Tính mạng con người phải luôn được đề cao” - Trưởng văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật nhận định.
Hoa Tiên - Pháp luật Plus