Bánh chưng - món ăn cổ truyền ngày Tết nhưng người mắc bệnh mãn tính không nên ăn

31/01/2022 20:22

Kinhte&Xahoi Bánh chưng là một món ngon bổ dưỡng không thể thiếu trong ngày Tết Nguyên Đán nhưng nhiều người mắc các bệnh mãn tính không nên ăn nhiều kẻo gây ảnh hưởng tới sức khỏe.

Mỗi khi Tết đến xuân về, người Việt dù có đi đâu cũng không bao giờ thiếu bánh chưng, bánh tét trong mâm cỗ Tết cổ truyền.

Dù giàu hay nghèo nhà nào cũng có dăm ba cặp bánh để cúng gia tiên. Có thể nói, bánh chưng bánh giầy trong tâm thức người Việt là truyền thống "uống nước nhớ nguồn". là món ăn đặc trưng của dân tộc trong những ngày đầu năm mới.

Bên ngoài của chiếc bánh chưng là lá dong gói có sẵn trong tự nhiên, bên trong được chế biến từ gạo nếp, đậu xanh, hành, thịt heo,... đều là những nguyên liệu nấu ăn truyền thống của dân tộc.

Cả gia đình quây quần gói bánh chưng

Được phối hợp tổng hòa nhiều mùi vị như thơm dẻo của gạo nếp, ngọt bùi của đậu xanh, vị béo ngậy của thịt mỡ và mùi thơm đặc trưng của tiêu, hành, lá dong. Đây là sự kết hợp tương đồng rất khoa học và sáng tạo phù hợp nhu cầu dinh dưỡng nhiều lứa tuổi.

Tuy nhiên, đối với nhiều người béo phì, mắc bệnh mãn tính không nên ăn quá nhiều bánh chưng trong những ngày Tết.

Bánh chưng vốn đã có lượng calo cao, có sẵn mỡ, khi rán lại ngấm thêm nhiều dầu mỡ nên dễ làm tăng cân và không tốt cho các bệnh nhân cao huyết áp, rối loạn mỡ máu, bệnh thận, người bị bệnh lý dạ dày...

Thông thường, một chiếc bánh chưng vuông cỡ vừa được chia làm 8 miếng. Mỗi miếng sẽ có trọng lượng khoảng 114g, cung cấp 309 kcal, tương đương với một bát cơm đầy có kèm thức ăn.

Hơn nữa, bánh chưng còn chứa hàm lượng đường cao, khiến mỡ tích tụ trong cơ thể nhiều hơn bình thường. Vì vậy, những người béo phì hoặc đang ăn kiêng để giảm cân thì không nên ăn bánh chưng trong ngày Tết. Trái lại, bánh chưng sẽ thích hợp với người gầy, người muốn tăng cân, suy dinh dưỡng.

Bánh chưng là món ăn chứa nhiều chất dinh dưỡng, có hàm lượng đường cao. Ăn quá nhiều bánh chưng sẽ vô tình làm tăng lượng đường trong cơ thể. Vì vậy, người mắc bệnh tiểu đường không nên ăn quá nhiều bánh chưng để tránh gây tổn hại đến sức khỏe.

Do có lượng chất béo cao nên ăn bánh chưng quá nhiều sẽ khiến lượng cholesterol trong cơ thể tăng cao, dễ gây ra bệnh mỡ máu cao, ảnh hưởng tới tim mạch.

Hơn nữa, lượng đường sucrose trong bánh chưng cũng làm tăng huyết áp, có lẽ là do đường làm tăng sản xuất adrenaline gây co mạch và ứ muối dẫn đến tăng huyết áp. Đó chính là lý do nhưng người mắc bệnh cao huyết áp và bệnh tim mạch nên hạn chế ăn bánh chưng trong những ngày Tết.

Ảnh minh hoạ

Bánh chưng chứa gạo nếp và đỗ xanh, những thực phẩm không tốt cho người đau dạ dày, vì 2 nguyên liệu này dễ khiến người bệnh bị đầy bụng, khó chịu, ợ chua, khó tiêu,… Vì vậy, người có tiền sử bị đau dạ dày không nên ăn quá nhiều đồ nếp cũng như bánh chưng để tránh gặp phải những tình trạng khó chịu kể trên.

Tuy cung cấp năng lượng rất lớn do có đủ 3 nhóm thực phẩm gồm gạo nếp (nhóm bột đường); đỗ xanh, thịt lợn (nhóm chất đạm, nhóm chất béo)… nhưng tỉ lệ dinh dưỡng trong bánh chưng vẫn chưa cân đối. Vì vậy, khi ăn bánh chưng nên bổ sung thêm rau, củ quả để cung cấp đủ vitamin và khoáng chất cho cơ thể, tránh bị tăng cân.

Bánh chưng được làm từ gạo nếp, khó tiêu, không nên ăn vào buổi tối để tránh khiến bụng bị khó chịu, gây ảnh hưởng tới chất lượng giấc ngủ. Hơn nữa, ăn bánh chưng vào buổi tối cũng sẽ khiến chất béo không được tiêu thụ hiệu quả, gây tích mỡ bụng.

Dưa hành muối ăn kèm sẽ thúc đẩy quá trình tiêu hóa bánh chưng diễn ra nhanh chóng hơn, từ đó tốt cho hệ tiêu hóa và tránh tăng cân. Tuy nhiên, những người mắc bệnh cao huyết áp và tim mạch không nên ăn bánh chưng kèm dưa hành muối, vì dưa hành muối có chứa lượng muối cao, không tốt cho sức khỏe.

 Phương Thu - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/banh-chung-mon-an-co-truyen-ngay-tet-nhung-nguoi-mac-benh-man-tinh-khong-nen-an-189211.html