Bao giờ Công ty Thuận Lợi mới có sổ hồng cho khách hàng tại dự án Cầu Đò

24/04/2020 12:38

Kinhte&Xahoi Sau nhiều lần thất hứa trong việc cấp giấy chứng nhận chủ quyền đất cho khách hàng, mới đây nhất, Công ty Cổ phần Đầu tư Thuận Lợi (Công ty Thuận Lợi) lại tiếp tục gửi văn bản xin gia hạn thời gian cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho khách hàng thuộc dự án Khu dân cư Cầu Đò (Mega City) tại xã An Điền, Thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương.

Bán đất nhiều năm không ra được sổ

Trong văn bản do ông Nguyễn Thuận, Tổng giám đốc công ty Thuận Lợi gửi tới khách hàng viện dẫn lý do Khu dân cư Cầu Đò do UBND tỉnh Bình Dương có chủ trương tiếp tục thực hiện dự án xây dựng mới Cầu Đò 2 qua sông Thị Tính, theo đó hướng tuyến Cầu Đò 2 sẽ kết nối với đường N13 thuộc dự án Khu dân cư Cầu Đò. Việc xây dựng mới dẫn đến phải điều chỉnh Quy hoạch cục bộ dự án. Lý do khác được Công ty Thuận Lợi viện dẫn việc chồng lấn ranh giữa dự án Khu dân cư Cầu Đò và dự án kè sông Thị Tính. Đối với dự án Khu dân cư Mỹ Phước 4- Khu B lý do được đưa ra do điều chỉnh, cập nhật hành lang bảo vệ cầu Bà Phủ 1 và cầu Bà Phủ 2.

Khách hàng như ngồi trên đống lửa khi chủ đầu tư lại tiếp tục thất hứa.

Tại văn bản này Công ty Thuận Lợi  đề nghị gia hạn thời gian cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở cho khách hàng thuộc dự án Khu dân cư Mỹ Phước 4 – Khu B. Tại dự án Khu dân cư Cầu Đò và Khu dân cư Mỹ Phước 4 – Khu B Công ty Thuận Lợi đều xin gia hạn đến hết Quý I/2021.

Theo tìm hiểu của phóng viên,  bên cạnh việc xin khất làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho khách hàng, Công ty Thuận Lợi cũng đồng thời tiến hành thế chấp một số sổ hồng của các lô đất có diện tích lớn tại dự án (mỗi lô gồm nhiều nền ) cho ngân hàng và cá nhân để vay tiền.

Như vậy, dư luận có quyền đặt ra hàng loạt câu hỏi về việc công ty Thuận Lợi có đang lừa dối khách hàng tại dự án KDC Cầu Đò hay không ? Một mặt công ty này gửi văn bản xin gia hạn việc cấp sổ đỏ với lý do vướng pháp lý liên quan đến cơ quan chức năng, mặt khác công ty này lại đem cầm cố tài sản thế chấp là những lô đất cho các cá nhân tổ chức để tiếp tục thu thêm một khoản tiền lớn tại dự án.

Có dấu hiệu của tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”

Trả lời về vấn đề này, Luật sư Lâm Hiền Phước, Đoàn luật sư TP HCM có ý kiến cho rằng, căn cứ theo Khoản 4 Điều 22 Luật kinh doanh bất động sản năm 2014 thì chủ đầu tư có trách nhiệm giao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và hồ sơ có liên quan cho người mua theo thỏa thuận trong hợp đồng. Việc chủ đầu tư gửi văn bản đến khách hàng xin gia hạn cấp sổ đỏ, khách hàng có quyền đồng ý hoặc không đồng ý việc gia hạn. Trường hợp không đồng ý, mà chủ đầu tư không bàn giao sổ đổ theo đúng thỏa thuận thì căn cứ vào quy định tại Hợp đồng, người mua có quyền yêu cầu hủy hợp đồng hoặc yêu cầu công ty chịu phạt vi phạm (nếu có quy định) hoặc yêu cầu bồi thường thiệt hại (nếu có). Trong trường hợp các bên không thể thỏa thuận được với nhau thì có quyền khởi kiện tại Tòa án đề nghị giải quyết.

Ngoài ra để ngăn chặn tình trạng chủ đầu tư chậm làm sổ đỏ cho người mua nhà, Điều 31 nghị định 91/2019 NĐ-CP ngày 05/01/2020 nêu rõ tổ chức thực hiện dự án kinh doanh bất động sản không nộp hồ sơ để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận (sổ đỏ, sổ hồng) cho người mua, thuê mua nhà, công trình xây dựng, người nhận chuyển quyền sử dụng đất hoặc không cung cấp, cung cấp không đầy đủ giấy tờ cho người mua, thuê mua nhà… thì có thể sẽ bị xử phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 1 tỷ đồng tùy thuộc vào thời gian chậm làm thủ tục và số lượng người mua bị chậm làm thủ tục.

Về việc thế chấp quyền sử dụng đất, Luật sư Lâm Hiền Phước, Đoàn luật sư TP HCM cho biết : Theo quy định tại Điều 147 Luật Nhà ở năm 2014, chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở được thế chấp tại ngân hàng và tổ chức tín dụng dự án hoặc nhà ở xây dựng trong dự án tại tổ chức tín dụng để vay vốn cho việc đầu tư dự án hoặc xây dựng nhà ở đó. Tuy nhiên, trước khi bán cho khách hàng, chủ đầu tư phải thực hiện thủ tục giải chấp. Trong trường hợp này, Chủ đầu tư đã bán cho khách hàng nhưng lại tiếp tục mang tài sản đi thế chấp là vi phạm quy định của pháp luật vì nếu chủ dự án không có đủ khả năng thanh toán chi trả khoản nợ thế chấp thì khách hàng xem như có nguy cơ cao mất trắng tài sản của mình. Ngoài ra trong trường hợp này chủ đầu tư có thể phải đối mặt với tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174 Bộ Luật hình sự 2015 sửa đổi 2017 đối với hành vi thế chấp tài sản đã bán cho khách hàng hoặc một tài sản bán cho nhiều người.

 Địa ốc Thuận Lợi ngang nhiêm chiếm đất công rồi bán cho khách hàng

Trong một diễn biến khác, mới đây, bà Lê Thị Kim Liên, Phó CT UBND TX. Bến Cát (Bình Dương) vừa có báo cáo số 225/BC-UBND gửi UBND tỉnh Bình Dương liên quan đến công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Thuận Lợi ngang nhiên chiếm hơn 7.500m2 đất công tại phường Mỹ Phước mà báo chí đã phản ánh trước đó.

Phần diện tích đất công ích rộng hơn 7.000m2 thuộc thửa đất số 1441, tờ bản đồ số 59 tại phường Mỹ Phước được Sở TN-MT tỉnh Bình Dương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CQ1054 cho UBND phường Mỹ Phước quản lý. Điều đáng nói, mặc dù không phải đất của mình nhưng địa ốc Thuận Lợi vẫn tự ý san lấp nền, xây dựng cơ sở hạ tầng giữa thanh thiên bạch nhật nhưng lãnh đạo TX. Bến Cát không hề hay biết.

Về vấn đề này, UBND TX. Bến Cát kiến nghị tỉnh Bình Dương buộc công ty địa ốc Thuận Lợi nộp lại số tiền thu lợi bất chính có được (chiếm đất công phân lô bán nền cho khách hàng) với số tiền hơn 6 tỷ đồng. Buộc công ty Thuận Lợi tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng chiếm dụng hơn 7.500m2 của UBND phường Mỹ Phước, buộc không phục lại toàn bộ tình trạng khu đất trước khi vi phạm. UBND TX. Bến Cát phạt hành chính 8 triệu đồng vì hành vi tự chuyển nhượng đất khi chưa đủ điều kiện theo luật đất đai 2013 và 110 triệu đồng vì hành vi tổ chức thi công xây dựng lấn chiếm diện tích đất đang được quản lý sử dụng của nhà nước.


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Vẫn phải tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch

Hôm qua, 23-4 là ngày đầu tiên 28 quận, huyện, thị xã của Hà Nội (trừ 2 huyện Mê Linh, Thường Tín) nới lỏng cách ly xã hội, thực hiện trở lại các yêu cầu giãn cách xã hội quy định tại Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới cho thấy, đường phố khá đông đúc; hầu hết người dân vẫn duy trì đeo khẩu trang. Tuy nhiên, tình trạng một số nơi còn tập trung đông người, không giữ khoảng cách an toàn... đặt ra yêu cầu phải tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định giãn cách xã hội để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới.

Bảo vệ thành quả, giữ thế chủ động chống dịch Covid-19

Từ 0h ngày 23-4, Hà Nội chính thức ngừng thực hiện cách ly xã hội, trừ hai huyện Mê Linh và huyện Thường Tín. Kết quả này có được là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thành phố, với những chiến lược phù hợp, phản ứng kịp thời, quyết liệt chống “giặc vô hình” Covid-19 kéo dài gần 40 ngày qua, kể từ ca mắc đầu tiên vào ngày 6-3 trên địa bàn Hà Nội. Nhiệm vụ bây giờ của mỗi người dân Thủ đô, đó là phải bảo vệ thành quả, giữ thế chủ động chống dịch Covid-19.

http://thuonghieuvaphapluat.vn/bao-gio-cong-ty-thuan-loi-moi-cap-so-hong-cho-khach-hang-tai-du-an-cau-do-d31416.html