Bảo vệ trẻ em thế nào trước những tác động của ngành công nghiệp thuốc lá?

23/05/2024 10:45

Kinhte&Xahoi Ngày thế giới không thuốc lá 2024 là diễn đàn để giới trẻ trên toàn thế giới yêu cầu ngành công nghiệp thuốc lá ngừng việc nhắm tới các em bằng các sản phẩm có hại cho sức khỏe, kêu gọi chính phủ các nước áp dụng các chính sách bảo vệ các em khỏi các hành vi lôi kéo sử dụng thuốc lá...

Ảnh minh họa.

Năm 2024, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chọn thông điệp “Bảo vệ trẻ em trước những tác động của ngành công nghiệp thuốc lá” làm chủ đề cho Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, trên toàn cầu, ước tính có khoảng 19 triệu thanh thiếu niên từ 13–15 tuổi (13 triệu bé trai và 6 triệu bé gái) hiện đang hút thuốc lá, trong đó có khoảng 5 triệu thanh thiếu niên hút thuốc lá sống ở khu vực Đông Nam Á.

Khảo sát ở hầu hết các quốc gia đều cho thấy tỷ lệ trẻ em 13–15 tuổi đang sử dụng các sản phẩm thuốc lá, đặc biệt là các sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng cao.

Tổ chức Y tế thế giới nhận định, có mối liên quan rõ ràng giữa việc gia tăng tỷ lệ sử dụng các sản phẩm thuốc lá trong giới trẻ với việc tiếp cận giới trẻ thông qua quảng cáo, tiếp thị, đặc biệt trên các nền tảng kỹ thuật số và thông qua việc sử dụng lao động trẻ em trong việc mua bán, trồng cây thuốc lá.

"Ngày thế giới không thuốc lá 2024 là diễn đàn để giới trẻ trên toàn thế giới yêu cầu ngành công nghiệp thuốc lá ngừng việc nhắm tới các em bằng các sản phẩm có hại cho sức khỏe, kêu gọi chính phủ các nước áp dụng các chính sách bảo vệ các em khỏi các hành vi lôi kéo sử dụng thuốc lá, bao gồm cả việc tiếp thị không ngừng các sản phẩm nguy hiểm cho sức khoẻ thông qua mạng xã hội và các nền tảng phát trực tuyến", Tổ chức Y tế Thế giới nhấn mạnh.

Tại Việt Nam, Báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật phòng, chống tác hại thuốc lá cho thấy, đối với thuốc lá điếu thông thường, tỷ lệ sử dụng ở nam giới trưởng thành giảm trung bình 0,5% mỗi năm, từ 47,4% năm 2010 xuống còn 38,9% năm 2023. Tỷ lệ này ở thanh thiếu niên cũng giảm, ở nhóm từ 13-15 tuổi giảm từ 2,5% xuống còn 1,9% năm 2022.

Đây là những kết quả rất đáng khích lệ đối với công tác phòng, chống tác hại thuốc lá.

Tuy vậy, những nỗ lực, thành tựu này có nguy cơ bị phá bỏ bởi thuốc lá mới: thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng.

Hiện nay, trên thị trường lại xuất hiện các sản phẩm như Thuốc lá điện tử, thuốc lá không đốt nóng, thuốc lá hút Shisha và được mua bán, quảng cáo nhiều trên mạng xã hội và chủ yếu nhằm vào giới trẻ.

Theo kết quả điều tra về sử dụng thuốc lá mới đối với nhóm học sinh THCS và THPT ở 11 tỉnh, thành phố ở Việt Nam: tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở nhóm 13-17 tuổi tăng từ 2,6% năm 2019 lên 8,1% năm 2023; ở nhóm 13-15 tuổi tăng từ 3,5% năm 2022 lên 8% năm 2023.

Không khó để bắt gặp hình ảnh học sinh hút thuốc ở cổng trường, đặc biệt ở địa bàn thành phố, thị trấn.

Ở Việt Nam, các bệnh liên quan đến thuốc lá là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu với khoảng 40.000 ca tử vong mỗi năm, tức là hơn 100 người chết vì liên quan đến thuốc lá mỗi ngày.

Thực trạng trên buộc chúng ta phải nhận thức sâu sắc hơn về tác hại của thuốc lá đến mọi thành phần, lứa tuổi trong xã hội và kiên trì, kiên quyết hơn trong hành động phòng, chống tác hại thuốc lá.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, Ngày Thế giới không thuốc lá năm 2024 là "diễn đàn để giới trẻ trên toàn thế giới yêu cầu ngành công nghiệp thuốc lá ngừng việc nhắm tới trẻ em, thanh thiếu niên bằng những sản phẩm có hại cho sức khỏe.

Đồng thời kêu gọi chính phủ các nước thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại thuốc lá mạnh mẽ, bảo vệ các em khỏi tác động của việc quảng cáo thuốc lá, bao gồm cả việc tiếp thị qua mạng xã hội và các nền tảng kỹ thuật số".

Thanh Hà - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Combo du lịch giá rẻ: Đến hẹn lại… lừa

Cứ mỗi khi hè đến, nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng tăng cao là tình trạng lừa đảo dưới hình thức giả mạo công ty du lịch, phòng vé bán combo (một gói gồm nhiều sản phẩm) du lịch giá rẻ... lại xuất hiện.

link bài gốc https://phapluatplus.vn/bao-ve-tre-em-the-nao-truoc-nhung-tac-dong-cua-nganh-cong-nghiep-thuoc-la-199313.html