Bất ngờ hoãn phiên tòa xử vụ gian lận thi cử ở Sơn La

16/09/2019 15:10

Kinhte&Xahoi HĐXX quyết định hoãn phiên toà vì vắng mặt nhiều người làm chứng và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án gian lận thi cử ở Sơn La.

Theo dự kiến, sáng ngày 16/9, TAND tỉnh Sơn La xét xử sơ thẩm vụ án gian lận điểm thi THPT quốc gia 2018 xảy ra ở tỉnh Sơn La.

8 bị cáo đưa ra xét xử gồm: Trần Xuân Yến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La; Nguyễn Thị Hồng Nga, Chuyên viên phòng khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục; Lò Văn Huynh, Trưởng phòng khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục; Đặng Hữu Thủy, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tô Hiệu, TP Sơn La, tỉnh Sơn La; Cầm Thị Bun Sọn, Phó Trưởng phòng Chính trị - Tư tưởng, Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La; Đinh Hải Sơn, Cán bộ Phòng Bảo vệ chính trị nội bộ (PA03) Công an tỉnh Sơn La, bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo điểm b khoản 2 Điều 356 Bộ luật hình sự năm 2015, có khung hình phạt từ 5-10 năm tù giam.

Bị cáo Trần Xuân Yến - nguyên phó giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La.

Các bị can Nguyễn Thanh Nhàn, Phó Trưởng phòng khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục; Đỗ Khắc Hưng, Cán bộ Phòng Bảo vệ chính trị nội bộ (PA03) Công an tỉnh Sơn La, bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo khoản 1 Điều 356 Bộ luật hình sự năm 2015, có khung hình phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm, hoặc tù từ 01 – 05 năm.

Đây được xem là vụ án được dư luận hết sức quan tâm, được biết, đây cũng là vụ đầu tiên trong các vụ án gian lận thi cử kỳ thi THPT quốc gia năm trước bị đưa ra xét xử.

Phiên tòa được xét xử công khai và dự kiến kéo dài 5 ngày. Hội đồng xét xử gồm 5 người do thẩm phán Quản Hữu Chiến là chủ tọa. Đại diện cơ quan giữ quyền công tố tại tòa là 2 kiểm sát viên Lê Thị Thu Hà và Nguyễn Văn Thành.

Bị cáo Lò Văn Huynh tại phiên tòa.

Tuy nhiên, trong phần làm thủ tục sáng nay, các luật sư cho rằng trong Quyết định đưa vụ án ra xét xử, TAND tỉnh Sơn la đã triệu tập đủ những người liên quan và nhân chứng. Tuy nhiên, số người có mặt tại tòa là rất ít, và việc triệu tập người làm chứng là hết sức cần thiết để làm rõ tình tiết của các bị cáo.

Luật sư của bị cáo Trần Xuân Yến (nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La) đề nghị tiếp tục triệu tập ông Hoàng Tiến Đức, Chánh thanh tra Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La.

Phía đại diện VKS cũng có ý kiến, sự vắng mặt của nhiều người dù đã được triệu tập sẽ làm khó cho công tác xét xử. Vì vậy, vị đại diện VKS đề nghị hoãn phiên tòa để vụ án được xét xử khách quan.
 
Sau ít phút hội ý kín, HĐXX quyết định hoãn phiên tòa. Phiên tòa sẽ mở lại vào ngày 15/10/2019.

Bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga được áp giải tới phiên tòa.

rước đó, HĐXX triệu tập 48 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, phần lớn trong số đó là các phụ huynh có con được nâng điểm.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Thư ký tòa trong phần làm thủ tục ban đầu, chỉ có 4 người được triệu tập có mặt, 22 người có đơn xin xét xử vắng mặt, những người còn lại vắng mặt không lý do.

Đáng chú ý, trong số 43 người làm chứng (gồm cả lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La) chỉ có 12 người có mặt, 15 người có đơn xin xét xử vắng mặt. Ngoài ra có 10 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo.

Theo cáo trạng, Trần Xuân Yến là tổ trưởng tổ xử lý bài thi trắc nghiệm, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của các thành viên và chịu trách nhiệm về kết quả chấm thi trắc nghiệm. Tuy nhiên, bị can Yến đã làm trái với nhiệm vụ được giao, nhận thông tin của 13 thí sinh chuyển cho Nguyễn Thị Hồng Nga để sửa bài thi nâng điểm cho các thí sinh.

Quá trình điều tra, bị can Nguyễn Thị Hồng Nga khai đã nhận hơn 1 tỉ đồng để nâng điểm cho 4 thí sinh; Cầm Thị Bun Sọn khai đã nhận 440 triệu đồng để nâng điểm cho 1 thí sinh…

Trước khi phiên tòa diễn ra, dư luận thắc mắc một số bị can trong vụ án đã tự giác nộp lại số tiền thu lợi bất chính, tuy nhiên các cơ quan tố tụng chưa làm rõ ai là người đưa tiền và chưa xác định tội đưa, nhận hối lộ. Nhiều người dân tại Sơn La quan tâm và kỳ vọng một số "điểm mờ" của vụ án sẽ được làm rõ trong quá trình tranh tụng tại phiên tòa.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tôi phát hiện ra một giải đất kỳ bí!

Gần đây, trước dư luận nóng lên về đường Hồ Chí Minh đoạn tránh Chư Sê (tỉnh Gia Lai) có mức đầu tư gần 250 tỷ đồng vừa làm xong đã nứt toác. Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, mưa đã gây ra hiện tượng nền đường ngậm nước, phát sinh hư hỏng nền, mặt đường.

Nguồn: Pháp luật Plus