Bầu Đức “chạy sô” hai điểm nóng trong một ngày

28/06/2020 17:58

Kinhte&Xahoi Chủ tịch HAGL Đoàn Nguyên Đức khẳng định, HAGL Agrico sẽ không phát triển chăn nuôi mà tập trung vào cây ăn trái. HAGL và chắc chắn sẽ mua lại cổ phần của HAGL Agrico từ Công ty Chứng khoán Ngân hàng Agribank.

Ngày 26/06 khi một loạt các ngân hàng, doanh nghiệp lớn đều tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 và ra những quyết sách quan trọng. 

Nhìn vào nội dung họp đại hội là có thể nhận ra bức tranh chung của cộng đồng doanh nghiệp sau đại dịch Covid-19.

Bầu Đức “chạy sô” hai điểm nóng trong một ngày

Bầu Đức “chạy sô” ở hai điểm nóng

Cũng trong sáng 26/6 tại TP. Pleiku (Gia Lai), CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thương niên 2020 với những tín hiệu khả quan cho năm 2020.

Theo đó, HAGL Agrico đặt mục tiêu doanh thu tăng 2,3 lần lên 4.307 tỷ đồng, lãi trước thuế 566 tỷ đồng. 

Cho đến nay, cây chuối vẫn là cây trồng chủ lực của HAGL Agrico với diện tích 18.305 ha, trong khi tổng diện tích cây ăn trái khoảng 24.000 ha. 

Theo ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức), Chủ tịch HĐQT của công ty, HAGL Agrico sẽ không phát triển chăn nuôi mà tập trung vào cây ăn trái. 

Về áp lực trả nợ, năm 2020 ban lãnh đạo phụ thuộc vào tình hình thực tế để ứng phó, nếu cần phải đầu tư mở rộng và áp lực lãi vay không nhiều Công ty sẽ ưu tiên đầu tư mới. 
Chiều cùng ngày, CTCP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) tổ chức đại hội cổ đông và thông qua kế hoạch doanh thu 5.082 tỷ đồng, tăng 2,5 lần so với năm 2019. Trong đó, doanh thu từ mảng trái cây dự kiến 4.672 tỷ đồng, chuối tiếp tục là sản phảm chủ lực với doanh thu kế hoạch 4.187 tỷ đồng.

Trả lời câu hỏi của cổ đông, Chủ tịch HAGL Đoàn Nguyên Đức khẳng định việc nâng tỷ lệ sở hữu của HAGL tại HAGL Agrico (hiện tại đang là 49%) nằm trong tầm kiểm soát của HAGL và chắc chắn sẽ mua lại cổ phần của HAGL Agrico từ Công ty Chứng khoán Ngân hàng Agribank. 

Vietcombank: Lợi nhuận còn phụ thuộc vào diễn biến dịch bệnh

Đầu tiên phải kể đến Vietcombank, do ảnh hưởng của Covid-19, HĐQT và BKS Vietcombank tự nguyên xin giảm mức thù lao năm 2020 với mức giảm 20% so với năm 2019. 

Năm 2020, ngân hàng đặt mục tiêu tăng tổng tài sản 7% so với năm 2019 lên trên 1,3 triệu tỷ đồng; dư nợ tín dụng tăng trưởng khoảng 10%, huy động vốn tăng 8%. Ngân hàng không đưa ra con số lợi nhuận cụ thể mà đề xuất cổ đông giao cho HĐQT thực hiện phù hợp với diễn biến dịch bệnh Covid-19 cũng như chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.

Đặc biệt Vietcombank đặt chỉ tiêu về nợ xấu năm nay ở mức tối đa là 1,5% trên tổng dư nợ. Con số này cao hơn gần gấp đôi so với thực hiện năm 2019 (0,78%) do lo ngại tác động từ ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19.

Vinamilk lấn sân sang lĩnh vực mới

Vinamilk là công ty duy nhất tổ chức ĐHCĐ theo hình thức trực tuyến. Điểm nổi bật tại Đại hội cổ đông của Vinamilk là HĐQT xin bổ sung nhiều ngành nghề kinh doanh mới, gồm cả dịch vụ ăn uống và quán cà phê, giải khát.

Đáng chú ý, Vinamilk đang triển khai dự án mở chuỗi cửa hàng bán lẻ cà phê, đồ uống và một số thức ăn kèm với thương hiệu Hi-Café.

Mô hình cà phê này đã được công ty thử nghiệm trong năm 2019. Trong năm 2020 và các năm kế tiếp, Vinamilk dự kiến sẽ phát triển mở rộng chuỗi cửa hàng này tại nhiều địa điểm khác nhau và trực tiếp triển khai vận hành hoạt động kinh doanh.

Vinamilk cũng vừa ký thoả thuận ghi nhớ liên quan đến việc thành lập liên doanh trong lĩnh vực nước giải khát- kem với Tập đoàn Kido (KDC). Trong đó, tỷ lệ vốn góp của VNM là 51%, còn KDC là 49%. Liên doanh sẽ sản xuất kinh doanh nước giải khát, (bao gồm các loại nước có lợi cho sức khoẻ, trà, trà sữa… không bao gồm các loại có gas), sản xuất và kinh doanh các loại kem và thực phẩm đông lạnh với thương hiệu Vibev.

Năm 2020, Vinamilk đặt kế hoạch doanh thu 59.600 tỷ, tăng 5,7%; lợi nhuận sau thuế tương ứng 10.690 tỷ đồng, tăng 1% so với năm 2019.

ACV: Điều chỉnh kế hoạch vì Covid-19

Tại ĐHĐCĐ của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Ban lãnh đạo ACV thừa nhận đại dịch Covid-19 không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, mà còn ảnh hưởng đến toàn bộ chiến lược, kế hoạch đầu tư phát triển trung hạn đến 2025 khi dòng tiền tích lũy hàng năm sụt giảm. 

Tổng giám đốc ACV Vũ Thế Phiệt cho biết kế hoạch 2020 được lập ra hồi tháng 5 khi dự tính sẽ mở cửa hàng không quốc tế vào tháng 8-9. Tuy nhiên, điều này không khả thi do các nước bắt đầu xuất hiện làn sóng dịch thứ 2. Ông Phiệt cho biết năm 2020 ACV cố gắng không lỗ nhưng cũng là thách thức rất lớn trong thời gian tới.

Chủ tịch ACV Lại Xuân Thanh cho biết tình hình dịch bệnh còn phụ thuộc nhiều nước nên đến tháng 9 mới có thể xem xét mở lại đường bay quốc tế. Dù vậy, ACV cũng xây dựng các phương án cho trường hợp đến cuối năm 2020 mới mở lại.

ACV đặt kế hoạch kinh doanh năm 2020 với tổng doanh thu 11.317 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế ước đạt 2.007 tỷ đồng, bằng 1/5 so với năm 2019.

Petrolimex: Kế hoạch kinh doanh dè dặt 

Trước sự cạnh tranh ngày các khốc liệt và dự kiến chi phí vận tải đường biển tăng mạnh do quy định về việc sử dụng nhiên liệu hàng hải mới của Tổ chức Hàng hải thế giới, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đặt kế hoạch sản lượng xăng dầu xuất bán 11,47 triệu m3,tấn, bằng 83% thực hiện năm 2019, doanh thu hợp nhất đạt 122.000 tỷ, bằng 64% thực hiện 2019, lợi nhuận hợp nhất trước thuế 1.570 tỷ đồng, bằng 28% thực hiện 2019. 

TGĐ Phạm Đức Thắng cho biết, Petrolimex đang nhận được chỉ đạo của Uỷ ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp giảm vốn tại PLX từ 75% xuống 51% nhưng vẫn đang chờ chỉ đạo từ Uỷ ban và Chính phủ.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tân trang 'cô bé' bằng thuốc: Tiền mất, tật mang

Hiện chưa có bất cứ loại thuốc nào làm se khít “vùng kín” được Bộ Y tế cho phép lưu hành sử dụng. Việc tự ý sử dụng những loại thuốc này được rao bán trên mạng xã hội có thể gây ra những hậu quả không mong muốn như khô, dị ứng, viêm nhiễm vùng kín hay thậm chí bị… teo đi.

Theo Infonet/ Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/doanh-nghiep-doanh-nhan/bau-duc-chay-so-hai-diem-nong-trong-mot-ngay-d128180.html