Quang cảnh kỳ họp.

Dự kỳ họp có các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà; các đồng chí trong Ban Thường vụ Thành ủy, lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, đại diện các sở, ban, ngành thành phố.

Giám đốc Sở Nội Vụ Vũ Thu Hà phát biểu.

Bổ sung giáo viên cho năm học 2022-2023

Với 100% đại biểu có mặt tán thành, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua nghị quyết về điều chỉnh tổng biên chế hành chính sự nghiệp năm 2022 và phân bổ biên chế giáo viên năm học 2022- 2023 trên địa bàn thành phố.

Theo Tờ trình của UBND thành phố, năm học 2021-2022, tổng số viên chức ngành giáo dục của thành phố Hà Nội còn thiếu so với định mức cần do Bộ GD&ĐT quy định là 7.134 biên chế. Năm học 2022-2023, do thành lập trường mới, tăng lớp, tăng học sinh, số viên chức ngành giáo dục còn thiếu so với định mức là 3.131. Như vậy năm học 2022-2023, thành phố thiếu 10.265 biên chế viên chức, trong đó số giáo viên thiếu của bậc tiểu học là 3.436 người, bậc THCS là 3.135 người, bậc THTP là 1.311 người. Tổng số viên chức giáo viên được bổ sung là 2.361 biên chế, gồm: Giáo viên tiểu học là 600 người, giáo viên THCS là 1.309, giáo viên THPT là 452.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải phát biểu tại kỳ họp.

Trên cơ sở tờ trình của UBND thành phố, Báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế, HĐND thành phố đã quyết nghị điều chỉnh tổng biên chế sự nghiệp thành phố Hà Nội năm 2022. Cụ thể, tổng biên chế là 116.420, trong đó bao gồm: Số biên chế viên chức theo Nghị quyết số 32/NQ-HDND ngày 10-12-2021 của HĐND thành phố gồm 114.059 biên chế; bổ sung 2.361 biên chế theo Quyết định số 72-QĐ/TƯ ngày 18-7-2022 của Bộ Chính trị và Công văn số 3887/BNV-TCBC ngày 12-8-2022 của Bộ Nội vụ; giao bổ sung 2.361 biên chế giáo viên năm học 2022-2023 cho Sở Giáo dục và Đào tạo và UBND quận, huyện, thị xã. Trong đó, giáo viên THPT 452 biên chế; giáo viên THCS 1.309 biên chế; giáo viên tiểu học 600 biên chế. Biên chế được giao bổ sung thực hiện từ tháng 9-2022.

Tại kỳ họp, HĐND thành phố cũng đã thông qua quy định một số nội dung chi và mức chi thuộc thẩm quyền.

Tiếp đó, HĐND thành phố đã báo cáo kết quả 5 tổ thảo luận diễn ra vào sáng 12-9 vào 4 nội dung: Đề án phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn thành phố Hà Nội; Nghị quyết về phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố; Cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025, Kế hoạch đầu tư công năm 2022 và định hướng kế hoạch đầu tư công năm 2023 của thành phố; Phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án sử dụng vốn đầu tư công của thành phố.  

Các đồng chí Thường trực HĐND thành phố Hà Nội chủ trì kỳ họp.

Các tổ đại biểu HĐND thành phố đã thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, chất lượng qua 50 lượt đại biểu phát biểu, thể hiện tâm huyết, trách nhiệm, trí tuệ của đại biểu HĐND. Đại biểu đánh giá cao báo cáo, tờ trình của UBND thành phố cũng như nội dung thẩm tra của các Ban HĐND thành phố.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu tại kỳ họp

Tại kỳ họp, sau khi nghe Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải và Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền tiếp thu, giải trình các ý kiến của 5 tổ thảo luận, 100% đại biểu có mặt đã biểu quyết thông qua 4 nội dung: Đề án phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn thành phố Hà Nội; nghị quyết về phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố; cập nhật, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025, kế hoạch đầu tư công năm 2022 và định hướng kế hoạch đầu tư công năm 2023 của thành phố; phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án sử dụng vốn đầu tư công của thành phố.  

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Thế Cương phát biểu tại kỳ họp

Tiếp đó, HĐND thành phố cũng đã thông qua 2 nghị quyết về quy định mức học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn thành phố Hà Nội năm học 2022-2023 và quy định cơ chế hỗ trợ học phí đối với một số đối tượng trẻ em mầm non và học sinh phổ thông của thành phố Hà Nội năm học 2022-2023.

Các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết kỳ họp.

Cuối buổi chiều, 100% đại biểu có mặt đã tán thành thông qua nghị quyết về quy định mức hỗ trợ, động viên đối với công chức, viên chức, lao động hợp đồng lĩnh vực y tế tại các cơ quan, đơn vị công lập trực thuộc thành phố.

Sau một ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, kỳ họp thứ chín, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI đã hoàn thành nội dung, chương trình đề ra và bế mạc kỳ họp.

Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu bế mạc kỳ họp

Phát biểu bế mạc, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, với tinh thần trách nhiệm cao trước cử tri và nhân dân, trên cơ sở các báo cáo, tờ trình của UBND thành phố, báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND thành phố, các vị đại biểu đã tập trung nghiên cứu, thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, tâm huyết, trách nhiệm và chất lượng.

Thường trực HĐND, UBND, các Ban HĐND và các cơ quan chuyên môn của thành phố đã tổng hợp, tiếp thu, giải trình đầy đủ, nghiêm túc các ý kiến của đại biểu để HĐND thành phố xem xét, biểu quyết thông qua với tỷ lệ thống nhất cao, trong đó có nhiều nội dung rất quan trọng, tác động sâu rộng đến phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn thành phố, như: Phân cấp quản lý nhà nước và ủy quyền trên địa bàn thành phố; Nghị quyết về Kế hoạch đầu tư công và phê duyệt chủ trương, điều chỉnh chủ trương một số dự án đầu tư công của thành phố; Nghị quyết về mức hỗ trợ trong lĩnh vực y tế và hỗ trợ mức thu học phí năm học 2022-2023... và các nội dung quan trọng khác.

“Những nội dung được thông qua tại kỳ họp này là cơ sở pháp lý để kịp thời giải quyết các vấn đề an sinh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng của thành phố”, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh.

Cũng theo Chủ tịch HĐND thành phố, ngay sau kỳ họp, HĐND thành phố đề nghị UBND thành phố, các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, tập trung tổ chức triển khai khẩn trương, quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đảm bảo các nghị quyết của HĐND thành phố đi vào cuộc sống và đạt hiệu quả thiết thực.

Đối với các cơ chế, chính sách được HĐND thành phố thông qua tại kỳ họp, nhất là các cơ chế, chính sách thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo, Chủ tịch HĐND thành phố cho biết, đây là những cơ chế, chính sách rất quan trọng, mang ý nghĩa thiết thực, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và cuộc sống của nhân dân Thủ đô. Vì thế, đề nghị UBND thành phố tập trung, khẩn trương tổ chức triển khai, thực hiện; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách đảm bảo kịp thời, công khai, minh bạch, đúng đối tượng và đúng quy định. Đồng thời, đề nghị Thường trực HĐND, các Ban HĐND, các Tổ đại biểu và các đại biểu HĐND thành phố tiếp tục tăng cường giám sát việc triển khai thực hiện các nghị quyết và báo cáo HĐND thành phố theo quy định.

 Việt Tuấn - Hiền Chi - Ảnh: Viết Thành - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thủ tướng yêu cầu quy định chặt chẽ hơn việc cấp phép kinh doanh karaoke, quán bar

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, những vụ cháy nghiêm trọng, thương tâm vừa qua là cảnh báo và cho thấy tình hình là khẩn cấp, đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ, tư duy, cách tiếp cận mới cho công tác phòng ngừa, ứng phó với các sự cố, tai nạn, hỏa hoạn, để bảo đảm an toàn tài sản và nhất là tính mạng con người.

Nguồn: Hà Nội mới http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Chinh-tri/1041853/hdnd-thanh-pho-ha-noi-thong-qua-nhieu-nghi-quyet-phuc-vu-an-sinh-xa-hoi