Bệnh đậu mùa khỉ đã lan ra 78 quốc gia

28/07/2022 16:00

Kinhte&Xahoi Ngày 27/7, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo đã ghi nhận hơn 18 nghìn ca bệnh đậu mùa khỉ tại 78 quốc gia, phần lớn ở Châu Âu.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo đã ghi nhận hơn 18 nghìn ca bệnh đậu mùa khỉ tại 78 quốc gia trên thế giới

Trước đó, ngày 23/7, WHO đã tuyên bố đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu với cấp độ cảnh báo cao nhất.

Theo WHO, đến nay, 98% số ca mắc đậu mùa khỉ được ghi nhận ở các nước ngoài Châu Phi, nơi coi là bệnh lưu hành. Bệnh chủ yếu xuất hiện ở nhóm nam giới có quan hệ đồng tính.

"Đợt bùng phát lần này có thể ngăn chặn được và cách tốt nhất là giảm nguy cơ phơi nhiễm, đồng nghĩa với mỗi người cần thực hiện những lựa chọn an toàn cho bản thân và người khác", Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus khuyến cáo.

WHO cũng khuyến nghị tiêm phòng cho các nhóm có nguy cơ cao, bao gồm nhân viên y tế, nam giới có quan hệ đồng tính với nhiều bạn tình.

WHO khuyến nghị tiêm phòng cho các nhóm có nguy cơ cao

WHO cũng cảnh báo phải mất vài tuần sau khi tiêm phòng mũi thứ hai để vaccine phát huy đầy đủ hiệu quả bảo vệ. Vì vậy, mọi người cần tiếp tục phòng tránh cho tới thời điểm vaccine thực sự hiệu quả.

Trong đợt bùng phát lần này, khoảng 10% bệnh nhân phải nhập viện và 5 người tử vong đều ở Châu Phi.

Bệnh đậu mùa khỉ vốn không nhận được nhiều sự chú ý trên toàn cầu vì từ nhiều thập kỷ qua do chỉ lưu hành ở Châu Phi. Tuy nhiên, đến tháng 5 năm nay, các ca bệnh lần đầu được ghi nhận ngoài châu lục này.

Các bệnh nhân có các triệu chứng từ nhẹ đến vừa, trong đó có sốt, choáng váng, nổi mẩn mưng mủ trên da và có thể khỏi bệnh sau vài tuần.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, hiện toàn thế giới có sẵn khoảng 16 triệu liều vaccine đã được cấp phép nhưng đều ở dạng đóng gói theo lô lớn và sẽ mất vài tháng để chia nhỏ ra các lọ.

WHO ước tính cần từ 5-10 triệu liều vaccine để tiêm cho tất cả các nhóm có nguy cơ cao; Đồng thời kêu gọi các nước đang dự trữ vaccine chia sẻ với các nước khác trong lúc nguồn cung còn hạn hẹp.

WHO ước tính cần từ 5-10 triệu liều vaccine bệnh đậu mùa khỉ để tiêm cho tất cả các nhóm có nguy cơ cao

Tại Mỹ, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) đã nâng mức cảnh báo về dịch bệnh đậu mùa khỉ.

CDC khuyến cáo du khách nên "thực hành các biện pháp phòng ngừa nâng cao" để tránh mắc và lây lan căn bệnh này. Mọi người nên tránh tiếp xúc gần với những người bị bệnh, bao gồm cả những người bị phát ban trên da hoặc bộ phận sinh dục và với động vật hoang dã, đặc biệt là các loài gặm nhấm (chuột, sóc) và các loài linh trưởng.

Du khách cũng nên tránh tiếp xúc với các đồ vật mà người bệnh sử dụng, các dụng cụ liên quan đến động vật bị nhiễm bệnh; Tránh sử dụng hoặc chế biến thịt từ động vật hoang dã.

“Nếu bạn bị ốm và có thể mắc bệnh đậu mùa khỉ, hãy trì hoãn việc đi lại bằng phương tiện giao thông công cộng cho đến khi được chuyên gia chăm sóc sức khỏe hoặc các bác sĩ y tế công cộng xác nhận", CDC thông báo.

Nguy cơ mắc bệnh đậu mùa ở khỉ nói chung vẫn thấp đối với công chúng nhưng CDC khuyên mọi người nên tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức nếu phát hiện các nốt ban không rõ nguyên nhân ở bất cứ đâu trên cơ thể. Những phát ban này thường tiến triển qua nhiều giai đoạn, ban đầu trông giống như những mảng da đổi màu, sau đó nổi lên những nốt mụn nước và cuối cùng phát triển thành mụn lớn, chứa mủ.

Các triệu chứng khác của bệnh đậu mùa khỉ bao gồm sốt, ớn lạnh, nhức đầu, đau cơ và sưng hạch bạch huyết (Tranh minh họa)

Ngược lại, người dân cần tránh tiếp xúc với những người khác nếu nghi ngờ mình có thể bị bệnh đậu mùa khỉ. Nếu có thể, bệnh nhân hãy gọi điện trước trước khi đến cơ sở chăm sóc sức khỏe hoặc thông báo cho nhân viên y tế trước khi đến thăm khám; Đồng thời, thông báo cho bác sĩ biết nếu gần đây bạn đã tiếp xúc với một người nào đó đã được xác nhận hay có khả năng bị nhiễm bệnh đậu mùa ở khỉ hoặc đã đi du lịch đến một quốc gia có virus lưu hành.

Theo CDC, nhiều người mắc bệnh đậu mùa khỉ phát triển bệnh nhẹ và khỏi trong khoảng 2-3 tuần nhưng một số nhóm có nguy cơ bị bệnh tiến triển nặng. Nhóm này bao gồm những cá nhân có hệ thống miễn dịch suy giảm; Trẻ em từ 8 tuổi trở xuống; Người mang thai và cho con bú; Những người bị nhiễm trùng hoặc các tình trạng bệnh khác có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng nặng...

 Hoàng Châu - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tạo điều kiện để cựu chiến binh phát huy vai trò trong phát triển kinh tế, xây dựng chính quyền

Đó là một trong những chỉ đạo của Ủy viên trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến tại Hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TƯ ngày 8/1/2002 của Bộ Chính trị (khóa IX) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác cựu chiến binh Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới”, diễn ra sáng nay (28/7).

Xử phạt không phân loại rác: Cần làm rõ lộ trình để quy định đi vào cuộc sống

Hiện thời gian bắt đầu xử phạt hành vi không phân loại rác tại nguồn đã được đại diện Tổng Cục môi trường xác nhận chưa áp dụng từ ngày 25/8 tới đây nhưng chưa có thời gian chính thức cụ thể. Trong khi Nghị định 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường có hiệu lực từ 25/8/2022 sớm muộn cũng phải thực hiện, nếu không làm rõ lộ trình ngay từ thời điểm này cho người dân cũng như địa phương, rất có thể một chế tài cần thiết và quan trọng để bảo vệ môi trường có nguy cơ “nằm trên giấy”.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/benh-dau-mua-khi-da-lan-ra-78-quoc-gia-202119.html