Bệnh viện Bạch Mai và những thời khắc không quên

26/04/2020 12:24

Kinhte&Xahoi Chính thức được dỡ bỏ lệnh phong tỏa từ ngày 12-4, nhưng đến nay Bệnh viện Bạch Mai vẫn đang thận trọng triển khai các biện pháp phòng chống, kiểm soát dịch Covid-19 và chỉ thực sự hoạt động bình thường trở lại vào đầu tháng 5-2020.

Khoảnh khắc Bệnh viện Bạch Mai được dỡ bỏ lệnh phong tỏa

Đó là minh chứng cho thấy bệnh viện đang phải trải qua một trong những giai đoạn khó khăn nhất từ trước đến nay. Thậm chí nói như cách mà GS.TS Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ với Tổng Biên tập Báo An ninh Thủ đô Nguyễn Thanh Bình: “Ngay trong lịch sử hơn 100 năm, những giai đoạn chiến tranh ác liệt, Bệnh viện Bạch Mai cũng chưa bao giờ phải đóng cửa toàn bộ như giai đoạn vừa qua”.

Thế nhưng “đóng cửa” không có nghĩa là ngừng hoạt động, trong khó khăn bởi dịch bệnh, tập thể cán bộ nhân viên bệnh viện vẫn vững tin để vượt qua một cách mạnh mẽ. Nhiều y bác sĩ thực sự là những tâm gương tỏa sáng trên tuyến đầu chống dịch. Và quan trọng hơn là hàng trăm, hàng nghìn bệnh nhân nặng vẫn được chăm sóc, điều trị, cứu sống một cách thần kỳ.

Nhìn lại giai đoạn 14 ngày thực hiện “nội bất xuất, ngoại bất nhập” để kiểm soát ổ dịch Covid-19, Bệnh viện Bạch Mai có không ít câu chuyện cảm động. Đó là trường hợp nữ nhân viên điều dưỡng dù mang thai tháng cuối vẫn tình nguyện ở lại cách ly để hỗ trợ chống dịch, rồi sinh con ngay trong thời gian cách ly, đặt tên con là Hạ Vy (với mong muốn hạ gục cô vy - Covid-19).

Càng không thể không nhắc đến việc Khoa Cấp cứu A9 đã cứu sống ngoạn mục nhiều ca bệnh rất nặng từ tuyến dưới chuyển lên ngay trong thời gian bệnh viện bị phong tỏa. Nổi bật là trường hợp sản phụ Hoàng Thị Tân (30 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) vào cấp cứu tại đây ngày 3-4, đã 2 lần ngừng tim trong quá trình cấp cứu do sốc mất máu, rối loạn đông máu nặng, suy đa tạng sau phẫu thuật cắt tử cung. Thế nhưng các bác sĩ vẫn không từ bỏ hy vọng, nỗ lực đến cùng để giành giật sự sống cho bệnh nhân. Để rồi sau 21 ngày điều trị tích cực, chiều 24-4, nữ bệnh nhân này được xuất viện trong niềm hạnh phúc vô bờ của người thân cũng như chính các y bác sĩ.

Hình ảnh các thầy thuốc ép tim cho bệnh nhân dưới trời mưa sẽ mãi đi vào lòng người Việt Nam. Khoảnh khắc được gặp nhau, hai vợ chồng mừng mừng, tủi tủi, chỉ biết cầm tay nhau khóc trong niềm vui khôn xiết sẽ gây xúc động cho hàng triệu trái tim. Dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường. Song, có một điều chắc chắn là y bác sĩ Việt Nam, nhất là các cơ sở y tế trên tuyến đầu chống dịch đã và đang sẵn sàng đương đầu để đánh gục đại dịch này, bảo vệ sức khỏe nhân dân và góp phần vào thành công chung của cả nước. 


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tự hào bác sỹ Công an Thủ đô ở tuyến đầu chống dịch

Mùng 6 Tết Canh Tý là ngày làm việc đầu tiên trong năm mới của Thiếu tá, bác sỹ Nguyễn Thị Thu Hiền - Phó Giám đốc Bệnh viện CATP Hà Nội. Thế nhưng đó không phải buổi gặp mặt đầu xuân như thông lệ mà là một cuộc họp gấp với các đơn vị của CATP để triển khai công tác phòng chống một loại dịch bệnh mới, thời điểm đó được định vị tên gọi là “virus Corona” đang bùng phát ở Vũ Hán, Trung Quốc.

Hà Nội gương mẫu, tiên phong khôi phục và phát triển kinh tế sau đại dịch

Phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 đang là bài toán đau đầu cho nhiều quốc gia trên thế giới và Việt Nam. Tại Hà Nội, quý I/2020, tăng trưởng kinh tế vẫn được duy trì song các ngành, lĩnh vực sản xuất đều sụt giảm. Để đạt được mức tăng trưởng 7,5% cho cả năm cần rất nhiều nỗ lực thì mới có thể hoàn thành... Không ngại khó, cả hệ thống chính trị toàn thành phố đang tích cực vào cuộc, chủ động tìm giải pháp phục hồi kinh tế - xã hội.

Link bài gốc https://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/benh-vien-bach-mai-va-nhung-thoi-khac-khong-quen/851878.antd