Bí ẩn tháp Bà Ponagar Nha Trang

03/07/2018 09:53

Kinhte&Xahoi Tháp Bà Ponagar Nha Trang được coi là danh thắng bậc nhất của Nha Trang – Khánh Hoà, đây là một quần thể đền thờ tiêu biểu của nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc dân tộc Chăm.

Nha Trang vùng ven biển miền Trung là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật và du lịch của tỉnh Khánh Hòa. Nét đẹp nổi bật thu hút du khách ở bờ biển dài là cát trắng mịn, nước biển xanh trong, những rặng san hô tự nhiên và nhiều danh thắng nổi tiếng. Bên cạnh đó Nha Trang còn biết đến là một thành phố có bề dày lịch sử của những nền văn hóa cổ với những di tích còn tồn tại mãi với thời gian.

Tháp Bà Ponagar là dấu tích còn sót lại của một nền văn minh cổ xưa, tháp được vua Chămpa xây dựng vào những năm (813-817) khi đạo Hindu ở Chămpa hưng thịnh, do sự bào mòn của thời gian, ngày nay tháp đã bị hư hại khá nhiều. Tên gọi tháp Bà Ponagar là tên gọi tháp lớn nhất cao khoảng 23 mét nhưng thường được dùng để gọi chung cả công trình kiến trúc cổ này.

Quần thể di tích tháp Bà cấu trúc gồm 3 phần hợp thành, phần thấp nhất là ngôi tháp cổng nằm ngang với mặt đất có các bậc thang bằng đá hoa cương dẫn lên tầng thứ hai, do thời gian rêu phong và con người tàn phá theo năm tháng nên tầng tháp này hiện nay chỉ còn phế tích.

Tháp Bà Ponagar nhìn từ ngoài vào.

Bước lên trụ đá là tầng giữa, nơi đây hiện chỉ còn hai dãy trụ đá chính bằng gạch nung hình bát giác, mỗi bên 5 trụ có đường kính hơn 1 mét và cao hơn 5 mét. Ở hai bên các dãy trụ lớn có 12 trụ nhỏ và thấp hơn, tất cả lại nằm trên một nền bằng gạch cao hơn 1 mét. Theo kiến trúc xây dựng với các trụ đá cao to thì trước kia đây vốn là một tòa nhà rộng lớn có mái ngói là nơi trung tâm tín ngưỡng để tổ chức lễ hội dâng cúng thần linh của người Chăm. Nối tiếp là các bậc thang lên tầng trên cùng của các tháp. Lên tầng cuối cùng có hai dãy tháp được bao quanh bởi bốn bức tường đá ở các phía Đông, Tây, Nam, Bắc nhưng hiện nay chỉ còn lưu lại 2 bức tường phía Tây và Nam mà thôi.

Dãy tháp phía trước có 3 ngôi, và dãy phía sau vốn có dấu vết của 3 ngôi tháp khác. Cả 4 tháp còn lại được xây dựng theo kiến trúc tháp của người Chăm, gạch là loại được nung cứng có màu vàng được xây rất khít mạch, không nhìn thấy chất kết dính. Hai ngôi tháp lớn, một cao 18 mét, một cao gần 23 mét cũng chính là tháp Ponagar thờ nữ thần Ponagar (tiếng Chăm có nghĩa là Mẹ xứ sở), tất cả đều được xây bằng gạch nung. Tháp lớn có 4 tầng, mỗi tầng đều có họa tiết hình cánh cổng, tượng thần linh và hình thú bằng đá. Cả 4 tháp nhỏ được bố trí đều đặn ở 4 góc, tạo những đường nét hết sức độc đáo. Trải qua bao thăm trầm cùng thời gian và nhiều thế hệ con người, sự tàn phá của nắng gió và chiến tranh làm những ngôi tháp cổ thêm rêu phong kỳ bí vẫn là dấu ấn sâu sắc cho sự tồn tại của một nền văn minh cổ trên dãy đất miền Trung của tổ quốc.

 

Thiếu nữ Chăm xinh xắn trong vũ điệu Aspara.

Du khách đến đây đều có chung một thắc mắc là ở thời đại cổ xưa từ thế kỉ 8 đến thế kỷ 13 làm cách nào mà người Chăm đưa những viên gạch nung kích cỡ to như thế chồng khít lên nhau, làm thế nào để kết dính các viên gạch nung lại với nhau mà độ bền chắc của chúng đến ngày nay vẫn là một đề tài nghiên cứu của nhiều nhà khoa học. Đó cũng chính là nét độc đáo bí ẩn hấp dẫn những du khách yêu thích sự tò mò, khám phá những di tích khảo cổ.

Du khách tham quan tháp Bà Ponagar.

Mặc dù thời gian đã làm toàn bộ khu di tích trở nên cũ kĩ rêu phong nhưng vẫn thể hiện là một công trình nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc độc đáo của người Chăm cổ. Những trụ đá cao to, tòa tháp rêu phong cổ kính với những tượng đá bạc màu theo năm tháng sẽ mãi tồn tại như một lời nhắn nhủ rằng dù ở thời đại nào, tín ngưỡng tâm linh cũng là một phần không thể thiếu trong cuộc sống con người.

Hàng năm, vào ngày 21 đến 23/3 (âm lịch), Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa Nha Trang tổ chức Lễ hội Tháp Bà với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng nhằm tôn vinh và duy trì những nét đặc sắc của văn hóa Chăm. Đặc biệt, trong ngày này, nhân dân Nha Trang không quên dâng lên Thánh mẫu Ponagar những bông hoa đẹp nhất để biết ơn người.

 

Theo KD & PL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM