“Binh chủng” đắc lực chống "giặc" Covid-19

17/04/2020 10:50

Kinhte&Xahoi Nhớ lại những năm tháng chiến tranh, hệ thống truyền thanh cơ sở là "binh chủng" đắc lực, hỗ trợ rất tốt cho công tác thông tin, tuyên truyền và đặc biệt ăn sâu vào tâm trí người Việt với câu nói "Đồng bào chú ý, đồng bào chú ý…". Nay trong thời bình, "binh chủng" này một lần nữa phát huy hiệu quả, trở thành “vũ khí” đắc lực chống lại "giặc" Covid-19 khi mỗi ngày đưa thông tin về phòng, chống dịch lan tỏa đến từng đường làng, ngõ xóm, tổ dân phố, thấm tới mỗi gia đình...

Cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ phường Trúc Bạch (quận Ba Đình) dùng loa di động để tuyên truyền về phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Nguyễn Quang

Những “mõ làng” thời hiện đại

Mới hơn 6h sáng, khi phố xá vẫn chìm trong tĩnh lặng, sương sớm bảng lảng phủ lên không gian một làn áo mỏng như muốn níu chút lạnh cuối mùa của đợt rét nàng Bân, anh Nguyễn Vũ Hiệp, thành viên Đội phát thanh viên lưu động phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy) đã lặng lẽ dắt xe ra khỏi nhà. Hơn 7h sáng, tiếng loa truyền thanh rộn rã theo những vòng quay bánh xe, chúng tôi cùng anh Hiệp và 3 thành viên trong đội theo vào từng ngõ ngách.

Đã hơn 3 tháng nay, kể từ khi dịch Covid-19 lan rộng, lịch làm việc của anh Hiệp và đội cũng khá “căng”. Mỗi ngày 3 lượt, đều đặn vào 7h sáng, 11h trưa và 5h chiều, tiếng loa truyền thanh được “phủ sóng” khắp 18  tổ dân phố. “Nhiều hôm đang đi tuyên truyền gặp mưa to, cả đội phải dừng xe để che loa, rồi tiếp tục đội mưa đạp xe đi hết cung đường. Vui nhất là có những lần gặp hình ảnh các bác lớn tuổi lặng lẽ đứng “đợi” để nghe tiếng loa; nhiều bác còn cẩn thận hỏi lại từng nội dung chưa nắm rõ. Hay có chuyện loa phát ở phường này nhưng người dân phường giáp ranh lại điện thoại đến thông báo về các trường hợp nghi nhiễm… ” - anh Hiệp kể lại.

Với bà Phan Thị Dương, phường Tương Mai (quận Hoàng Mai), thời gian này, tiếng loa truyền thanh đã gắn bó như một người bạn. Vốn là người không có thói quen sử dụng điện thoại thông minh nên ngoài kênh trên báo, đài, giờ đây bà còn có thể cập nhật tin tức thường xuyên qua tiếng loa len lỏi trong từng con ngõ nhỏ. "Nghe loa nhiều thành “nghiện”, hôm nào loa phường phát muộn so với mọi ngày, tôi lại thấy bồn chồn như thiếu cái gì", bà Dương tâm sự.

Có được hiệu quả tuyệt vời đó, không thể không nhắc đến các cựu chiến binh đang thầm lặng tham gia công việc của những "mõ làng" thời hiện đại. Nhớ lại những kỷ niệm vui trong công việc làm “mõ”, ông Ngô Thanh Tô, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Tương Mai kể: Sau khi có chủ trương cách ly xã hội được vài ngày, bỗng nhiều người lại ra đường, đến các khu vườn hoa, công viên… tập thể dục. Lực lượng cựu chiến binh, bảo vệ dân phố đến gặp từng người nhắc nhở nhưng ai nấy đều lờ đi. Ông Tô liền nghĩ ra cách dùng micro, gọi loa để tuyên truyền. "Tiếng loa vừa cất lên, những người đang tập thể dục đều vội vã ra về khiến chúng tôi cảm thấy rất phấn khởi", ông Tô chia sẻ.

Hình ảnh người đàn ông tóc đã bạc màu, hằng ngày chở chiếc loa thùng đi khắp ngõ ngách để tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch Covid-19 khiến người dân khu dân cư Kim Lũ 2, phường Đại Kim (quận Hoàng Mai) cảm động. Đó là Bí thư Chi bộ khu dân cư Kim Lũ 2 Nguyễn Cao Thăng, kiêm Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường. Mỗi ngày, 6h sáng ông đã rong ruổi cùng các thành viên của 4 tổ công tác cơ động, tại 16 điểm chốt trực của phường để làm nhiệm vụ. Lúc thì cùng làm việc trên xe ô tô của phường phát loa tuyên truyền kèm kiểm tra, nhắc nhở người dân chấp hành quy định; khi ông lại dùng xe máy chở loa thùng để đưa chỉ thị, quy định của thành phố thấm đến từng người dân.

Với thông điệp “Mỗi tổ chức Đoàn là một thành lũy…”, từ 1 tháng qua, Đoàn Thanh niên huyện Quốc Oai đã năng nổ hoạt động, tuyên truyền tới từng ngõ xóm bằng loa di động. Điển hình phải kể đến Đoàn Thanh niên xã Tuyết Nghĩa khi mỗi ngày có 3 nhóm với 3 ca chia đều trong ngày dùng xe máy chở loa di động phát thông tin. "Có những thôn, xóm, nhiều người không xem tin tức trên truyền hình nên không nắm được số liệu chính xác về dịch. Vì vậy, mỗi khi loa phát thanh di động đi đến đâu, người dân đều chăm chú nghe. Nhờ đó, đã xóa bỏ được mọi nghi ngờ về thông tin trái chiều" - anh Dương Minh Văn, Bí thư Đoàn xã Tuyết Nghĩa khẳng định.

Đài Truyền thanh xã Song Phượng (huyện Đan Phượng) tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Minh Tâm

Hiệu quả từ những tiếng loa 

Góp sức cùng hệ thống loa truyền thanh không dây và loa phát thanh di động, một hình thức truyền thanh rất hiệu quả được UBND phường Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng) sử dụng là phát các bài tuyên truyền về dịch Covid-19 tại các quảng trường và các bảng điện tử LED trong thang máy tại các khu chung cư. Ông Trần Nam Sơn, Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Tuy cho biết, nhờ cách làm này, ở bất cứ đâu người dân cũng được nghe những thông tin về phòng dịch. 

Đánh giá cao hiệu quả của hệ thống loa truyền thanh trên địa bàn, ông Nguyễn Quang Thắng, Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu cho biết: Với hàng trăm ca nghi nhiễm và phải cách ly trên địa bàn phường, nếu chỉ dựa vào lực lượng cán bộ phường sẽ không thể “kham” nổi. Chính nhờ hệ thống loa phát thanh, chỉ sau vài ngày, hơn 100 trường hợp liên quan đến ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai và thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh (huyện Mê Linh) đã chủ động liên lạc với chính quyền, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác rà soát, test nhanh và phân loại ca nghi nhiễm... nên đã hạn chế tối đa tình trạng lây nhiễm chéo trong cộng đồng.         

Bà Nguyễn Thu Trang, Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin quận Cầu Giấy cho biết, hiện trên địa bàn quận có 81 cụm loa ở 8 phường. Từ khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, quận đã chỉ đạo tăng thời lượng phát thanh mỗi lần 15-30 phút để người dân hiểu rõ các chỉ thị của Chính phủ và thành phố. Đặc biệt, quận duy trì hệ thống loa phát thanh di động bằng xe đạp đi khắp các ngõ, ngách. "Mưa dầm thấm lâu", ý thức phòng dịch của người già, trẻ nhỏ... đều thay đổi tích cực. 

Còn theo bà Nguyễn Duy Thị Minh Thu, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thông tin thể thao huyện Quốc Oai, toàn huyện có 21 trạm đài cơ sở, với tổng số 1.358 loa truyền thanh. Ngoài tiếp sóng đài cấp trên, các đài cơ sở đều xây dựng chương trình truyền thanh của xã, thông tin đầy đủ về dịch Covid-19. Trong đó, riêng Đài Truyền thanh huyện từ tháng 2 đến nay đã phát hơn 400 tin bài, 52 lượt văn bản chỉ đạo của thành phố và huyện. Qua đó, nhiều gương người tốt việc tốt, tinh thần tương thân tương ái đã lan tỏa trong giai đoạn phòng, chống dịch.

Theo ông Vũ Mạnh Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông và thi đua khen thưởng - Bộ Y tế, truyền thông về dịch Covid-19 trong thời gian qua đã được triển khai ở các cấp độ, các phương tiện truyền thông và các cách thức truyền thông khác nhau. Cụ thể, từ các cơ quan báo chí, mạng xã hội, tin nhắn SMS đến loa phường - vốn là hình thức tuyên truyền đã nhiều lần được cân nhắc tiếp tục sử dụng hay loại bỏ - cũng vào cuộc hết sức tích cực.

Như những làn sóng hợp nên sức mạnh của thế trận toàn dân, hệ thống loa truyền thanh và những phát thanh viên cơ sở đang cần mẫn từng ngày góp sức đẩy lùi đại dịch Covid-19...

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Bí thư Thành ủy Hà Nội: Không để một mét đất nào bỏ hoang

Chiều 16/4, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ chủ trì hội nghị “Đối thoại với doanh nghiệp” để tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, ứng phó với dịch bệnh COVID-19, phục hồi kinh tế Thủ đô với sự tham dự của trên 65 đơn vị đại diện các Hiệp hội doanh nghiệp với sự tham gia của nhiều công ty, tập đoàn lớn...

Link bài gốc http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Phong-su-Ky-su/964776/binh-chung-dac-luc-chong-giac-covid-19