Bình Dương đưa ra giải pháp dài hơi để phục hồi kinh tế

13/08/2021 11:11

Kinhte&Xahoi Chiều 12/8, ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, chủ trì cuộc họp để nghe báo cáo kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) và phục hồi sản xuất kinh doanh những tháng cuối năm 2021.

Đẩy mạnh quá trình phục hồi sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp.

Kiên định với "mục tiêu kép"

Theo nhận định của UBND tỉnh, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 sẽ tiếp tục ảnh hưởng mạnh mẽ đến mọi mặt đời sống KT-XH của tỉnh. Theo đó, dự báo tình hình KT-XH tỉnh sẽ tiếp tục đối mặt với một số khó khăn, thách thức trong thời gian tới. Tại cuộc họp, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất 2 kịch bản phát triển KT-XH của tỉnh trong những tháng cuối năm 2021.

Trường hợp dịch bệnh được kiểm soát trong tháng 10/2021 (đạt mục tiêu tiêm ngừa trên 95% dân số để tiệm cận miễn dịch cộng đồng và dịch bệnh tại các tỉnh trong được kiểm soát tốt), tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp được phục hồi nhanh chóng. Theo kịch bản này, chỉ số sản xuất công nghiệp được phục hồi ở mức trên 8%, xuất khẩu được duy trì tăng trên 26%, tổng mức đầu tư xã hội đạt trên 14%... dự kiến tốc độ tăng trưởng GRDP sẽ đạt khoảng 7% thấp hơn kế hoạch tỉnh đã đề ra (8,5 – 8,7%).

Kịch bản đến tháng 12 dịch bệnh mới được kiểm soát, chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ phục hồi ở mức trên 7,8%, xuất khẩu được duy trì tăng khoảng 12%, tổng mức đầu tư xã hội đạt trên 12,3%... tốc độ tăng trưởng GRDP dự kiến chỉ đạt khoảng 6,4%, thấp hơn kế hoạch đề ra.

Mặc dù dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, Bình Dương vẫn kiên định với "mục tiêu kép", huy động cả hệ thống chính trị để dập dịch hiệu quả, đồng thời tập trung duy trì phát triển KT-XH và phục hồi sản xuất kinh doanh những tháng cuối năm 2021.

Trên cơ sở đóng góp của các đại biểu, UBND tỉnh thống nhất không điều chỉnh kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. "Điều này đồng nghĩa với việc chấp nhận khả năng cao phải đánh đổi với việc không hoàn thành nhiều mục tiêu kế hoạch năm 2021, để giữ quyết tâm cao nhất nhằm huy động sức mạnh tổng lực của toàn bộ hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp đồng lòng phấn đấu để thực hiện từng chỉ tiêu, lĩnh vực ở mức cao nhất trong điều kiện khó khăn", ông Mai Bá Trước - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết.

5 giải pháp trọng tâm

Trên tinh thần phấn đấu thực hiện từng chỉ tiêu, lĩnh vực ở mức cao nhất, trước mắt Bình Dương tận dụng tối đa thời gian và nguồn lực để chống dịch theo phương châm 4 tại chỗ với tinh thần chủ động, quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo. Thần tốc hơn nữa trong tiêm vắc xin, phấn đấu đến hết tháng 8/2021 đạt tỷ lệ tiêm chủng mũi 1 trên 85% cho các đối tượng. Đồng thời nghiên cứu chính sách hỗ trợ cho các lao động tại các doanh nghiệp thực hiện sản xuất "3 tại chỗ" nhằm giảm gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, bảo vệ vững chắc "vùng xanh" và từng bước "xanh hóa" một số địa bàn khả thi. Tập trung tiêm vắc xin, trước mắt ưu tiên công nhân lao động của các doanh nghiệp đảm bảo an toàn phòng dịch và có nhu cầu sản xuất sớm, sản xuất hàng hóa quan trọng có giá trị cao góp phần cung cấp cho các chuỗi cung ứng.

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh khẳng định, đến ngày 15/8 các huyện phía Bắc "vùng xanh" sẽ trở về trạng thái bình thường mới. Nỗ lực để sau 30/8 các địa phương "vùng đỏ" sẽ xanh hóa và trở lại trở lại trạng thái bình thường mới.

Những tín hiệu vui trong bước đầu triển khai kế hoạch xây dựng "vùng xanh" trên bản đồ Covid-19 tạo nền tảng quan trọng để tỉnh sớm đạt mục tiêu trở về trạng thái bình thường mới từ ngày 01/9.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Hùng Dũng nhận định, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là tập trung cho công tác phòng, chống dịch, khi dịch bệnh được kiểm soát kinh tế sẽ từng bước phục hồi. Cần chuẩn bị cho các tình huống rủi ro để chủ động xử lý. Về kế hoạch phương án phục hồi kinh tế, phải mạnh dạn ban hành và triển khai, trong quá trình làm nếu khó khăn đến đâu sẽ tìm giải pháp khắc phục đến đó, vì từng doanh nghiệp có khó khăn riêng. “Chúng ta không thể chờ để xây dựng một kế hoạch hoàn hảo nếu không va vấp thực tế", ông Mai Hùng Dũng nói.

Theo đó, 05 giải pháp dài hơi được Bình Dương chủ động xây dựng để phục hồi kinh tế trong những tháng còn lại của năm 2021 đó là tập trung khơi thông dòng vốn đầu tư phát triển. Đẩy mạnh tiến độ triển khai các dự án đầu tư công để sớm đưa dòng tiền vào lưu thông, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng các công trình kết cấu hạ tầng lớn, quan trọng, phát huy tối đa công suất thiết kế, hiệu quả KT-XH.

Song song đó, cần tạo đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm các thủ tục hành chính không thật sự cần thiết, tạo mọi điều kiện thuận lợi, thông thoáng tối đa trong khuôn khổ pháp luật cho mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất, nhập khẩu của các doanh nghiệp để kịp thời hỗ trợ khắc phục thiệt hại do dịch gây ra trong thời gian xảy ra dịch bệnh. Tập trung triển khai các giải pháp phục hồi sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp ngay khi Chính phủ thông qua Chương trình phục hồi kinh tế đang được kỳ vọng sẽ là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp thúc đẩy nhanh quá trình phục hồi, ổn định sản xuất kinh doanh.

Thực hiện tốt công tác an sinh xã hội. Triệt để triển khai thực hiện Nghị quyết số 68 của Chính phủ và các chế độ, chính sách hỗ trợ đối với lực lượng tuyến đầu tham gia công tác phòng, chống dịch đảm bảo hiệu quả, kịp thời và đúng đối tượng. Theo dõi tình hình doanh nghiệp, thị trường lao động để kịp thời có giải pháp hỗ trợ tạo việc làm mới cho lực lượng lao động nhập cư, xây dựng chuẩn nghèo đa chiều tỉnh giai đoạn 2021-2025 để có các công cụ pháp lý hỗ trợ tối đa cho các đối tượng yếu thế trên địa bàn tỉnh…

Đẩy mạnh quá trình phục hồi sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp: Xây dựng chính sách hỗ trợ hiệu quả hơn cho các doanh nghiệp áp dụng tốt phương án "3 tại chỗ" bằng tiền mặt, nhân lực và vật lực, kiến thức, kinh nghiệm trong công tác xét nghiệm, sàng lọc, phòng, chống dịch bệnh cũng như điều trị cho các công nhân nhiễm bệnh. Nghiên cứu điều chỉnh phương án "1 cung đường, 2 địa điểm" theo hướng phù hợp hơn, thông thoáng hơn để khuyến khích áp dụng cho các doanh nghiệp không thể thực hiện phương án "3 tại chỗ.

Giải pháp cuối cùng là tăng cường công tác tuyên truyền, kịp thời cung cấp thông tin chính thống, công khai, minh bạch, khách quan để ổn định tâm lý, củng cố niềm tin, tạo đồng thuận xã hội, đẩy mạnh tuyên truyền các giải pháp của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương trong việc chủ động, đồng bộ, quyết liệt phòng, chống, ứng phó với diễn biến của dịch và tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, sức khỏe và đời sống của nhân dân.

Phát biểu kết luận cuộc họp, ông Võ Văn Minh nhấn mạnh, những tháng còn lại của năm 2021 vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi các cấp, các ngành, địa phương phải nỗ lực, phấn đấu nhiều hơn nữa để đạt cao nhất các mục tiêu đã đề ra.

Chủ tịch UBND tỉn hoàn toàn thống nhất với kế hoạch, giải pháp phục hồi kinh tế được đề xuất. Chủ tịch tỉnh yêu cầu các ngành, các cấp khẩn trương xây dựng kế hoạch, phương án , cụ thể hóa các chỉ thị, kế hoạch của UBND tỉnh tại từng địa phương, từng đơn vị phụ trách, bám sát chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh để triển khai thực hiện.

Duy Trường - Di Linh - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Người dân TP HCM đồng lòng mở rộng “vùng xanh”

Để khống chế đợt dịch thứ tư đang bùng phát, chính quyền và nhân dân TP HCM đã áp dụng rất nhiều biện pháp. Từ việc tuyên truyền nâng cao ý thức người dân đến việc tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện chỉ thị 16 của Chính phủ trong giãn cách xã hội để phòng chống dịch. Trong đó, xây dựng "vùng xanh" đang là một biện pháp, một mô hình hiệu quả trong công tác phòng chống dịch của cả nước nói chung và của TP HCM nói riêng.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/kinh-te-cong-nghe/binh-duong-dua-ra-giai-phap-dai-hoi-de-phuc-hoi-kinh-te-d163345.html