Bộ đội Cụ Hồ: Có lệnh là đi, đã đi là phải chiến thắng

22/12/2021 09:13

Kinhte&Xahoi Trong các đợt bùng phát dịch COVID-19 ở Việt Nam, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ trên cả 3 lực lượng: Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ đã xung phong ra tuyến đầu chống dịch, cứu dân, chung sức cùng cả nước sớm chiến thắng đại dịch COVID-19. Cuộc chiến thời bình của Bộ đội Cụ Hồ trên tuyến đầu chống dịch, cứu dân vẫn tiếp tục trong trạng thái mới. Cán bộ, chiến sĩ luôn trong tư thế sẵn sàng, chủ động, có lệnh là đi, đã đi là phải chiến thắng...

Tham gia “chiến đấu” trên nhiều mặt trận

2021 là một năm đầy thử thách đối với Quân đội, đặc biệt là lực lượng trực tiếp tham gia hỗ trợ phòng chống dịch tại các địa phương. Coi đây là một trận chiến thực sự với loại “giặc” vô hình, nguy hiểm, nên ngay từ những ngày đầu, Bộ Quốc phòng và các đơn vị đã chú trọng tổ chức tốt các hoạt động giáo dục, tuyên truyền, động viên, khích lệ tinh thần cán bộ, chiến sĩ, để toàn quân vừa nhận thức được sự nguy hiểm của đại dịch, vừa đề cao trách nhiệm, sẵn sàng cùng cả nước tham gia phòng chống dịch.

Tại Lễ phát động Phong trào thi đua đặc biệt với chủ đề “Quân đội cùng cả nước chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19”, do Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tổ chức, Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị nhấn mạnh: Các cơ quan, đơn vị trong toàn quân tiếp tục sâu sát bám nắm tình hình cơ sở và diễn biến của dịch, nhất là các địa bàn trọng điểm để kịp thời tham mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ ở khu vực phía Nam, lãnh đạo, chỉ huy và ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp chỉ đạo hiệu quả công tác phòng chống dịch.

Việc quyết tâm huy động lực lượng hỏa tốc tham gia chống dịch cũng được Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định rõ qua chỉ đạo: “Chúng ta đã trải qua cuộc trường chinh trong lịch sử để bảo vệ Tổ quốc. Và hôm nay, chúng ta đang đứng trước một cuộc trường chinh mới chống đại dịch COVID-19. Chúng ta phải quyết thắng. Điều đó đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ cần nhanh chóng xác định quyết tâm mới, trách nhiệm mới để chung tay đẩy lùi dịch bệnh”.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cùng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các tỉnh phía Nam.

Khi dịch bùng phát tại TP Hồ Chí Minh, tiếp đến là một số tỉnh phía Nam, việc hỗ trợ các địa phương trở thành nhiệm vụ hết sức nặng nề đối với quân đội, do phải huy động quân số tham gia lớn, đảm nhiệm nhiều công việc quan trọng. Ngoài lực lượng, phương tiện có thể được chuyên chở bằng máy bay vào phía Nam, một số trang bị, phương tiện phải cơ động bằng đường bộ.

Để rút ngắn thời gian cơ động, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã yêu cầu các đơn vị bố trí 3 lái xe đảm nhiệm một phương tiện để có thể luân phiên lái, thay nhau nghỉ nhưng xe không nghỉ. Nhiều trang bị được nghiên cứu thiết kế, chế tạo, sản xuất từ đòi hỏi của thực tiễn phòng chống dịch; sản xuất xong, đưa ngay vào sử dụng ở tâm dịch, tiêu biểu như các xe labo xét nghiệm.

Các lực lượng quân đội đã triển khai chủ yếu trên 3 mặt trận: Y tế; trung tâm cách ly, hoạt động hỗ trợ an sinh xã hội cho nhân dân; bảo đảm an ninh trật tự.

Đợt dịch thứ tư, lực lượng quân đội tham gia hỗ trợ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam phòng chống dịch. Bộ Quốc phòng đã kịp thời điều động, tăng cường lực lượng, trang thiết bị, phương tiện cao nhất, tốt nhất, hiện đại nhất hỗ trợ cho các địa phương.

Lúc cao điểm nhất trên toàn quốc đã huy động hơn 230.000 bộ đội thường trực và dân quân tự vệ; sử dụng hơn 6.100 chuyến ô tô, 56 toa tàu hỏa, 156 chuyến máy bay và nhiều chuyến tàu thủy, vận chuyển gần 25.500 tấn hàng hóa phục vụ phòng chống dịch, trong đó có hơn 4.000 tấn vật chất hậu cần, hàng nhu yếu phẩm, nông sản, lương thực, thực phẩm... để hỗ trợ nhân dân các địa phương.

Riêng lực lượng quân y đã tăng cường hơn 9.700 người của 34 đầu mối đơn vị, 55 xe cứu thương, hàng chục xe và máy xét nghiệm; triển khai 13 cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 với 6.500 giường bệnh; thành lập 660 tổ quân y cơ động, 510 tổ tiêm vaccine, hơn 1.100 tổ lấy mẫu xét nghiệm; chủ động dự báo, phối hợp sản xuất, đáp ứng nhu cầu oxy y tế để điều trị bệnh nhân.

Căn cứ vào sự điều phối của địa phương, một lực lượng lớn của quân đội đã tham gia lấy mẫu xét nghiệm; tiêm vaccine; phối hợp vận chuyển, chuyển tuyến bệnh nhân khi có yêu cầu. Ngoài ra, có hàng chục nghìn cán bộ, chiến sĩ tham gia thực hiện các nhiệm vụ, như: Vận chuyển lương thực, thực phẩm, đi chợ giúp dân, lo hậu sự cho người tử vong vì COVID-19...

Có những y, bác sĩ lên đường vào tâm dịch trong điều kiện gia đình còn nhiều khó khăn như con nhỏ, cha mẹ già yếu. Có cán bộ, chiến sĩ đang trong tâm dịch thì nhận tin người thân qua đời. Song vượt lên hoàn cảnh, tất cả vẫn vững tâm trụ lại ở tuyến đầu, chung sức cùng cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng kiên cường chống dịch.

Cùng với thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch, Bộ Quốc phòng luôn chủ động nắm chắc tình hình, phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương và lực lượng chức năng liên quan, kiểm soát tốt tuyến biên giới đất liền, trên biển, ngăn chặn hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép; thường xuyên duy trì gần 2.000 tổ, chốt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở với khoảng 13.000 cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng.

Hàng ngày, hàng giờ căng sức trên tuyến đầu

Với phương châm lấy y tế là trụ cột để lo cho dân thích ứng, chung sống an toàn với COVID-19, thì hệ thống y tế nói chung, lực lượng quân y nói riêng vẫn phải hằng ngày, hằng giờ căng sức trên tuyến đầu. Sau khi lực lượng chi viện cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam phòng chống dịch trở về đơn vị, Thượng tướng Võ Minh Lương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng tiếp tục chỉ đạo các đơn vị phải thường xuyên chủ động nắm bắt, dự báo chính xác tình hình, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống, rà soát, bổ sung, điều chỉnh kịp thời các kế hoạch, chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng cơ động thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Thực hiện chỉ đạo của thủ trưởng Bộ Quốc phòng, tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, các đơn vị vẫn đang duy trì hơn 2.400 cán bộ, chiến sĩ quân y, triển khai 170 tổ quân y cơ động, 7 cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 hỗ trợ các địa phương phòng chống dịch.

Cán bộ, học viên Học viện Quân y tiếp tục xuất quân vào các tỉnh phía Nam phòng, chống dịch COVID-19.

Đại úy, bác sĩ Phạm Đình Duy, phụ trách Phân khoa điều trị COVID-19, Bệnh viện Quân y 7A tâm sự: “Từ khi TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam từng bước trở lại trạng thái bình thường mới, lưu lượng bệnh nhân COVID-19 vào Bệnh viện Quân y 7A điều trị có xu hướng tăng cao.

Phân khoa của chúng tôi luôn kín giường bệnh. Đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng viên luôn trong tình trạng làm việc quá tải. Những người bị lây nhiễm SARS-CoV-2 từ bệnh nhân được điều trị tại chỗ, sau khi âm tính lại tiếp tục thực hiện nhiệm vụ. Chúng tôi đã quen với áp lực nên cố gắng làm hết sức mình để tăng hiệu quả điều trị, giảm đến mức thấp nhất bệnh nhân tử vong...”.

Trước đó, tháng 3/2021, Bộ Quốc phòng đã tổ chức diễn tập phòng chống dịch COVID-19 trên quy mô lớn. Trong đó, diễn tập vận hành cơ chế được triển khai từ Ban chỉ đạo Bộ Quốc phòng đến Ban Chỉ đạo phòng chống dịch của tất cả các sư đoàn, bộ chỉ huy quân sự các tỉnh và tương đương nhằm thống nhất trình tự, nội dung, phương pháp chỉ huy, điều hành phòng chống dịch COVID-19 ở các cấp độ từ thấp đến cao.

Nội dung diễn tập gồm 5 vấn đề huấn luyện, tương đương với 5 cấp độ: Cấp độ 1, có trường hợp dịch COVID-19 xâm nhập vào trong nước; cấp độ 2, dịch COVID-19 lây nhiễm thứ phát; cấp độ 3, dịch lây lan trên 20 đến 1.000 người mắc; cấp độ 4, dịch lây lan trong cộng đồng với trên 1.000 đến 3.000 người mắc; cấp độ 5, dịch COVID-19 lây lan trong cộng đồng với trên 3.000 đến 30.000 người mắc, lây lan vào một số đơn vị quân đội.

Diễn tập tổ chức thực hành huấn luyện ở cả hai cấp: Bộ Quốc phòng và các quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng, học viện, nhà trường...

Từ cấp độ 4, 5, các đơn vị đã thực hành các nội dung, như: Dồn ghép chỗ ở để tiếp nhận, cách ly công dân từ nước có dịch về; thiết lập các bệnh viện dã chiến truyền nhiễm, thực hành thu dung, điều trị các ca mắc bệnh; tiêu tẩy, khử trùng các khu vực; sử dụng máy bay trực thăng vận chuyển tiếp ứng trang bị, vật chất phòng chống dịch cho một số khu vực biên giới...

Chính từ sự chuẩn bị chu đáo, diễn tập thuần thục nên khi có tình huống, quân đội đã chủ động đi trước một bước, nhanh chóng thực hiện nhiệm vụ ngay khi có mệnh lệnh. Điển hình như khi đợt dịch thứ tư trở nên phức tạp tại Bắc Ninh, Bắc Giang, cuối chiều 18/5/2021, Học viện Quân y nhận mệnh lệnh từ Thủ trưởng Bộ Quốc phòng triển khai lực lượng vào tâm dịch.

Ngay lập tức, học viện tập hợp lực lượng thực thi nhiệm vụ. Chỉ chưa đầy hai giờ đồng hồ, đội hình của học viện đã rời Hà Nội hướng về điểm nóng COVID-19 lúc bấy giờ. Cũng thời điểm này, Tổng cục Hậu cần huy động lực lượng ngay trong đêm có mặt tại hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang.

Chỉ qua một đêm, sáng 19/5, hai bệnh viện dã chiến truyền nhiễm quy mô 600 giường và hai trung tâm xét nghiệm dã chiến COVID-19 với tổng công suất xét nghiệm hơn 2.000 mẫu/ngày do lực lượng quân đội đảm nhiệm được đưa vào hoạt động. Toàn bộ trang thiết bị phục vụ công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 đều do các đơn vị tự bảo đảm.

Ghi nhận thành tích trong công tác phòng chống dịch của các cơ quan, đơn vị, đến nay, toàn quân có hơn 34.780 tập thể, cá nhân được khen thưởng, với hàng trăm huân chương các loại, 249 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, gần 3.700 bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, hơn 30.700 bằng khen, giấy khen của các bộ, ban, ngành và các cơ quan, đơn vị, địa phương. Trong đợt dịch lần thứ tư, hiện có 327 tập thể, cá nhân thuộc quân đội đã hoàn thiện thủ tục đề nghị tặng huân chương và bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. 

 Lam Hạnh - Pháp luật Plus 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/bo-doi-cu-ho-co-lenh-la-di-da-di-la-phai-chien-thang-d173296.html