Trước đó, Bộ GD&ĐT thông báo kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 sẽ được tổ chức trong 4 ngày 27, 28, 29 và 30/6, sớm hơn so với năm 2022. Trong đó, ngày 27/6, thí sinh sẽ làm thủ tục dự thi. Hai ngày thi chính thức là 28 và 29/6. 30/6 là ngày thi dự phòng.
Ảnh minh họa
Đề thi tốt nghiệp THPT 2023 về cơ bản vẫn giữ ổn định như năm 2022. Thí sinh sẽ làm bài thi các môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, tổ hợp môn Khoa học tự nhiên (Hóa học, Vật lý, Sinh học) hoặc tổ hợp môn Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Công dân).
Trong đó, 75% câu hỏi sẽ ở mức độ nhận biết, thông hiểu, các em học kỹ kiến thức cơ bản THPT, đặc biệt là kiến thức lớp 12 là có thể làm tốt. Đây cũng là cơ sở tốt nhất để xét tốt nghiệp.
25% câu hỏi còn lại là vận dụng và vận dụng cao nhằm phân loại học sinh, làm cơ sở xét tuyển đại học.
Theo dự thảo công tác tuyển sinh trình độ đại học Bộ GD&ĐT công bố ngày 2/3, một số mốc thời gian thí sinh cần lưu ý như sau:
Từ ngày 30/5 đến 17h ngày 20/6: Thí sinh, các Sở GD&ĐT và các điểm tiếp nhận rà soát kết quả điểm học tập cấp THPT (học bạ) trên hệ thống.
Từ ngày 1/7 đến ngày 4/7: Tổ chức chạy thử thực hành việc đăng ký xét tuyển, nộp lệ phí dịch vụ tuyển sinh (lệ phí xét tuyển) trên hệ thống.
Từ ngày 5/7 đến ngày 25/7, tất cả thí sinh đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển không giới hạn trên hệ thống của Bộ GD&ĐT. Thí sinh có 11 ngày để nộp lệ phí xét tuyển (26/7-5/8).
Ngày 20/7, Bộ GD&ĐT công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào khối ngành đào tạo giáo viên, khối ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề.
Trước 17h ngày 25/7, các cơ sở đào tạo hoàn thành cập nhật kết quả sơ tuyển, kết quả thi đánh giá năng lực chuyên biệt, độc lập, chứng chỉ ngoại ngữ (nếu có) kết quả thi các môn năng khiếu.
17h ngày 22/7, các trường hoàn thành việc điều chỉnh, công bố mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển trên hệ thống và trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo đối với ngành đào tạo giáo viên và sức khỏe (nếu có).
Thí sinh nhận kết quả (điểm chuẩn) ngày 14/8 và xác nhận nhập học đợt 1 trước 17h ngày 30/8.
Ngọc Minh - TTTĐ