Bộ GD&ĐT yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá môn Ngữ văn

21/07/2022 22:01

Kinhte&Xahoi Ngày 21/7, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ kí công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH yêu cầu các Sở GDĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên (sau đây gọi là nhà trường) đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông.

Ảnh minh họa

Theo đó, Bộ GD&ĐT chỉ đạo các nhà trường đổi mới cách dạy và cách học môn Ngữ văn theo hướng tăng cường hơn nữa việc phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh trong quá trình học tập môn Ngữ văn; Dành nhiều thời gian cho các hoạt động thực hành, vận dụng, trình bày, thảo luận để rèn luyện kĩ năng đọc, viết, nói, nghe và cảm thụ thẩm mĩ theo yêu cầu, mức độ với từng lớp học, cấp học.

Trong quá trình dạy học, giáo viên cần giao nhiệm vụ học tập rõ ràng, phù họp với khả năng của học sinh; nêu cụ thể các yêu cầu về sản phẩm mà học sinh phải hoàn thành; Chú trọng kiểm tra, đánh giá, hỗ trợ, động viên học sinh thực hiện nhiệm vụ học tập.

Các nhà trường xây dựng kế hoạch bài dạy và tổ chức dạy học môn Ngữ văn theo hướng tăng cường rèn luyện cho học sinh phương pháp đọc, viết, nói và nghe; thực hành, trải nghiệm tiếp nhận và vận dụng kiến thức tiếng Việt, văn học thông qua các hoạt động học ở trong và ngoài lớp học.

Đối với dạy đọc, xác định rõ mục đích giúp học sinh biết cách đọc và tự đọc hiểu được văn bản; thông qua đó hình thành phẩm chất, nhân cách học sinh. Coi ngữ liệu là phương tiện và việc tìm hiểu ngữ liệu là cách thức đê hình thành, phát triển năng lực đọc hiểu văn bản.

Bên cạnh việc giúp học sinh hiểu được nội dung và hình thức của văn bản, cần chú ý trang bị cho học sinh công cụ, cách thức để đọc hiểu các văn bản cùng thể loại hoặc loại hình với văn bản được học.

Giáo viên có thể đưa ra những gợi ý, chỉ dẫn để giúp học sinh đọc nhưng không lấy việc phân tích, bình giảng của mình đế áp đặt hay thay thế cho những suy nghĩ của học sinh; tránh đọc chép và yêu cầu học sinh ghi nhớ kiên thức một cách máy móc; Gắn dạy đọc với các hoạt động dạy viết, nói, nghe, thực hành tiếng Việt và các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp phù hợp với từng lớp học, cấp học.

Đối với dạy viết, chú trọng yêu cầu học sinh hình thành ý tưởng, biết cách trình bày ý tưởng một cách mạch lạc, sáng tạo, có sức thuyết phục để qua đó rèn luyện tư duy và cách viết các kiểu văn bản; Tập trung vào yêu cầu hướng dẫn học sinh thực hiện các bước tạo lập văn bản. Ở mỗi bước, giáo viên có thể sử dụng, khai thác ngữ liệu minh họa một cách hợp lý giúp học sinh hiểu được đặc điểm hình thức, ngôn ngữ, phương thức biểu đạt của từng kiểu văn bản; Từ đó, giúp học sinh hình thành kĩ năng viết của mình. Đổi mới cách đánh giá học sinh trong môn Ngữ văn.

Không chỉ thay đổi phương pháp dạy và học, việc đánh giá học sinh trong môn Ngữ văn cần đảm bảo nguyên tắc phát huy được những mặt tích cực của cá tính, trí tưởng tượng, năng lực ngôn ngữ, năng lực văn học, năng lực tư duy hình tượng và tư duy logic của học sinh.

Giáo viên tập trung thiết kế và sử dụng các câu hỏi, bài tập yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức đã học và kĩ năng đọc, viết, nói, nghe vào bối cảnh và ngữ liệu mới; Tạo cơ hội để học sinh khám phá những tri thức mới, đề xuất ý tưởng và tạo ra sản phẩm mới; Gợi mở những liên tưởng, tưởng tượng, huy động được vốn sống vào quá trình đọc, viết, nói, nghe.

Trong đánh giá kết quả học tập cuối học kì, cuối năm học, cuối cấp học, tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết để đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn.

Bộ GD&ĐT khuyến khích việc xây dựng và sử dụng các đề mở trong kiểm tra, đánh giá để phát huy cao nhất khả năng sáng tạo của học sinh. Xây dựng bộ công cụ đánh giá để hạn chế tính chủ quan, cảm tính của người chấm. Khi nhận xét, đánh giá các sản phẩm của học sinh, giáo viên cần tôn trọng và khuyến khích cách nghĩ, cách cảm riêng của học sinh trên nguyên tắc không vi phạm những chuẩn mực đạo đức, văn hóa và pháp luật.

 Ngọc Minh - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nhận thức đúng, đầy đủ về vai trò và tầm quan trọng của kinh tế tập thể

Chiều 21/7, tại Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã trình bày chuyên đề "Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới".

Nâng cao kỹ năng nghiệp vụ tuyên truyền chính sách, pháp luật về bảo vệ biên giới

Chiều 21/7, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn chính sách, pháp luật về bảo vệ biên giới của Tổ quốc nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức, hiểu biết về chính sách pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các phóng viên, biên tập viên báo, đài Trung ương và địa phương.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/bo-gddt-yeu-cau-doi-moi-phuong-phap-day-hoc-kiem-tra-danh-gia-mon-ngu-van-201562.html