Bộ GTVT nghiên cứu xây mới đường sắt TP HCM - Cần Thơ

27/10/2019 08:37

Kinhte&Xahoi Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể vừa thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội việc thực hiện chính sách phát triển GTVT đường sắt.

 

Bộ GTVT dự tính nếu có tuyến đường sắt tốc độ cao sẽ đáp ứng tối thiểu 5-8% thị phần vận tải hành khách và 5-6% thị phần vận tải hàng hóa (Hình minh họa)

Bộ GTVT cho biết theo chiến lược và phát triển quy hoạch đường sắt, từ nay đến năm 2020 sẽ tập trung đầu tư nâng cấp, cải tạo các tuyến đường sắt hiện có, trong đó ưu tiên nâng cấp tuyến đường sắt Bắc - Nam để đạt tốc độ 50-60 km/h với tàu hàng và 80-90 km/h với tàu khách.

Bên cạnh đó, nâng cấp, cải tạo các nhà ga đường sắt trọng điểm, các nhà ga có lượng hành khách lớn, từng bước xóa bỏ các điểm giao cắt đồng mức giữa đường bộ và đường sắt.

Giai đoạn này, Bộ cũng sẽ nghiên cứu xây mới tuyến đường sắt tốc độ cao, đường đôi khổ 1.435 mm, điện khí hóa trên trục Bắc - Nam. Trong đó chuẩn bị các điều kiện cần thiết để từng bước ưu tiên xây dựng trước những đoạn tuyến có nhu cầu vận tải lớn như đoạn Hà Nội - Vinh, Nha Trang - TP HCM. Nghiên cứu phương án xây dựng mới các tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Đồng Đăng, Biên Hòa - Vũng Tàu, TP HCM - Cần Thơ… phù hợp với quy hoạch và khả năng huy động vốn.

Giai đoạn từ 2020 đến 2030, ngoài khai thác đường sắt hiện hữu, Bộ sẽ bắt tay vào xây mới tuyến đường sắt tốc độ cao, trước mắt khai thác tốc độ chạy tàu từ 160-200 km/h, sau đó có thể đáp ứng khai thác tốc độ cao tốc 350 km/h trong tương lai. Sau năm 2050, đặt mục tiêu hoàn thành toàn tuyến đường sắt đôi tốc độ cao khổ 1.435 mm trên trục Bắc - Nam và triển khai tổ chức khai thác tốc độ cao tốc 350 km/h.

Bên cạnh đó, sẽ hiện đại hóa mạng lưới đường sắt hiện hữu, đáp ứng chủ yếu về nhu cầu vận tải hành khách địa phương và hàng hóa. Hoàn thành việc xây dựng đường sắt Tây Nguyên, đường sắt xuyên Á, đường sắt kết nối các khu công nghiệp, cảng biển lớn. Bộ GTVT dự tính nếu có tuyến đường sắt tốc độ cao sẽ đáp ứng tối thiểu 5-8% thị phần vận tải hành khách và 5-6% thị phần vận tải hàng hóa.
 
Tại TP HCM, Bộ GTVT cho biết sẽ xây dựng 8 tuyến xuyên tâm và vành khuyên nối các trung tâm chính của TP, chủ yếu đi ngầm trong nội đô với chiều dài khoảng 173 km. Bên cạnh đó, TP HCM sẽ xây dựng 3 tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt một ray (Tramway hoặc Monorail) với chiều dài khoảng 57 km.

Theo số liệu báo cáo của UBND TP Hà Nội và TP HCM, nguồn lực đầu tư cho các dự án đường sắt đô thị trên địa bàn giai đoạn vừa qua là 29.994 tỉ đồng. Trong đó, Hà Nội là 12.750 tỷ đồng để chuẩn bị đầu tư và thực hiện đầu tư đối với hai dự án (tuyến số 1 và tuyến số 3) và TP HCM là 17.244 tỷ đồng để chuẩn bị đầu tư và thực hiện đầu tư đối với hai dự án (tuyến số 1, tuyến số 2).

Về thực lực ngành đường sắt, Bộ GTVT cho rằng hiện Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã tự chủ tự chế tạo phương tiện vận tải đường sắt đáp ứng nhiệm vụ sửa chữa, bảo dưỡng đầu máy, toa xe đáp ứng yêu cầu.

Đã làm chủ công nghệ chế tạo giá chuyển toa xe khách tốc độ 120 km/h, công nghệ ray hàn liền, công nghệ chế tạo tà vẹt bê tông dự ứng lực. Từ năm 2010 đến 2017 đã chế tạo được 90 toa xe khách thế hệ mới, 550 toa xe hàng với tỉ lệ nội địa hóa từ 20-40%.


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đường dây ác quỷ buôn người vào nước Anh

Chúng mang trong mình sự tinh vi và tàn bạo giống như các băng đảng ma túy khét tiếng trên thế giới, kiếm được hàng triệu USD bằng cách vận chuyển “hàng hóa” bí mật đến Vương quốc Anh. Tuy nhiên, món hàng của chúng không phải là “cái chết trắng”, mà là con người.

Tích cực thu hồi tài sản phạm pháp của Phan Sào Nam tại Singapore

Đoàn công tác liên ngành được thành lập, đi Singapore giải quyết các yêu cầu Tương trợ Tư pháp của Việt Nam về thu hồi tài sản do phạm tội mà có trong vụ án Phan Sào Nam; đi Lào để giải quyết yêu cầu thu thập chứng cứ liên quan đến hành vi Trần Bắc Hà gửi tiền tại Lào và Campuchia; đi Slovenia để giải quyết vụ chiếm đoạt tài sản tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiền Phong.

Nguồn: Pháp luật Plus