Bộ Tài chính đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước

26/06/2024 09:04

Kinhte&Xahoi Bộ Tài chính vừa có công văn số 6506/BTC-CST gửi các Bộ, ngành, các cơ quan liên quan xin ý kiến về việc tiếp tục giảm lệ phí trước bạ (LPTB) đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước vào thời điểm từ 1/8/2024 cho đến hết ngày 31/01/2025.

Đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước

ánh giá việc thực hiện giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước thời gian qua, Bộ Tài chính cho biết, sau dịch Covid – 19, nền kinh tế vẫn chưa thực sự được “vận hành” một cách bình thường.

Để hỗ trợ phát triển kinh tế, kể từ năm 2020 đến 2023, Bộ Tài chính đã xây dựng, trình Chính phủ, trình Quốc hội ban hành nhiều chính sách giảm, giãn, hoãn nhiều loại thuế, phí và tiền thuê đất cho người dân và doanh nghiệp; trong đó, riêng mức thu LPTB được ban hành quy định giảm phí tại 03 Nghị định.

Tuy nhiên, kể từ ngày 01/1/2024, mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được thực hiện theo Nghị định số 10/2022/NĐ-CP ngày 15/01/2022 của Chính phủ, theo đó mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước bằng mức thu LPTB đối ô tô cùng loại.

Ảnh minh họa. (Nguồn: VnEconomy)

Bộ Tài chính cho biết, tại Việt Nam, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước đã bước đầu khẳng định vai trò, vị trí đối với thị trường ô tô trong nước và đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về lượng và chất, đóng góp hàng tỷ USD vào NSNN.

Tính đến hết năm 2022, cả nước có hơn 40 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô với tổng công suất của các nhà máy ô tô tại Việt Nam theo thiết kế khoảng 755.000 xe/năm, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 35%, doanh nghiệp trong nước chiếm khoảng 65%, đáp ứng khoảng 70% nhu cầu xe dưới 9 chỗ trong nước. Đến năm 2025, dự kiến nhu cầu thị trường trong nước đạt khoảng 800 đến 900 nghìn xe/năm.

Thực tế thị trường ô tô các tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024, doanh số toàn thị trường ô tô 3 tháng đầu năm 2024 (bao gồm cả xe du lịch và xe thương mại) sụt giảm đáng kể.

Theo báo cáo bán hàng của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số bán hàng các doanh nghiệp thuộc VAMA đạt 58.165 xe, giảm 17% so với cùng kỳ năm 2023.

Để góp phần kích thích tiêu dùng, hỗ trợ tài chính cho người dân, doanh nghiệp, tạo đà để phục hồi tăng trưởng cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước trước bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, thách thức, Bộ Tài chính cho rằng, việc tiếp tục thực hiện giảm mức thu LPTB đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước là một trong những giải pháp cần thiết.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính trình Chính phủ tiếp tục giảm 50% mức thu LPTB kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31/1/2025.

Từ ngày 1/2/2025 trở đi mức thu LPTB tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 10/2022/NĐ-CP ngày 15/01/2022 của Chính phủ.

Sẽ tác động mạnh tới việc cân đối ngân sách

 Đánh giá tác động đối với thu NSNN, theo tính toán của Bộ Tài chính, tại thời điểm năm 2020 và năm 2022, theo đánh giá, số giảm thu NSNN về LPTB khoảng 5.238 tỷ đồng, số tăng thu NSNN về thuế TTĐB, thuế GTGT khoảng 5.200 tỷ đồng.

Việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước vào giai đoạn hiện nay thì việc tăng thu từ thuế TTĐB và thuế GTGT có thể sẽ không đủ để bù đắp cho việc giảm LPTB. Dự kiến, việc giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có thể làm giảm thu NSNN về LPTB bình quân khoảng 867 tỷ đồng/tháng (tương đương mức giảm theo Nghị định số 41/2023/NĐ-CP).

Ngoài ra, việc giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có thể tác động đến cân đối thu NSNN của các địa phương. Theo quy định của Luật NSNN, khoản thu LPTB thuộc ngân sách địa phương.

Việc giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô, sản xuất lắp ráp trong nước khả năng sẽ làm tăng số lượng xe ô tô tiêu thụ và đăng ký nên số thu từ LPTB, thuế TTĐB, thuế GTGT có thể tăng.

Tuy nhiên, số thu thực tế từ thuế TTĐB và thuế GTGT chỉ tập trung ở 8 địa phương nơi có các công ty sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, còn các địa phương khác đều giảm thu ngân sách địa phương từ chính sách này. Do đó, địa phương đã có yêu cầu ngân sách trung ương cấp bù khoản hụt thu này để đảm bảo cân đối ngân sách địa phương.

Lê Hải - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chính thức trình Quốc hội tăng mức lương cơ sở lên 2,34 triệu đồng/tháng

Chiều 25/6, Quốc hội đã nghe Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra về các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 01/7/2024. Trong đó có việc thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng hiện nay lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%).

link bài gốc https://phapluatplus.vn/bo-tai-chinh-de-xuat-giam-50-le-phi-truoc-ba-cho-o-to-san-xuat-lap-rap-trong-nuoc-200486.html