Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) chất vấn
Trả lời chất vấn với nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã giải trình về giải pháp kiểm soát sự biến động giá của một số mặt hàng nông sản, thủy sản, thức ăn chăn nuôi, vật tư nông nghiệp.
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) về việc thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách phát triển thủy sản và mục tiêu hiện đại hóa tàu cá, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, trong triển khai thực hiện nghị định này, các cấp, ngành còn một số bất cập, chưa lường trước được hết các tình huống xảy ra, chưa chú ý tới cách vận hành hệ thống để thực thi chương trình lớn và có ý nghĩa.
Bộ trưởng cho rằng, cần đánh giá nhiều chiều, tổ chức lại ngành hàng, huấn luyện đội tàu, ngư dân, hệ thống quản lý thủy sản ở các địa phương, nâng cao hiệu quả khâu thẩm định bình xét đối tượng ngư dân được tham gia, hưởng lợi ích từ chương trình…
Bộ trưởng cũng nêu rõ, ngành thủy sản có số lượng ngư dân lớn nhưng còn manh mún, nhỏ lẻ, tự phát. Do đó, Bộ đã xây dựng Chiến lược phát triển thủy sản bền vững với định hướng giảm khai thác, tăng nuôi trồng. Suy giảm tài nguyên thủy sản là câu chuyện toàn cầu do trữ lượng và ngư trường đang dần thu hẹp, cơ sở hạ tầng nghề cá còn chưa được đầu tư xứng đáng. Bộ cũng đang quy hoạch lại hệ thống cảng cá theo hướng tích hợp để nâng cao hiệu quả trong việc phát triển ngành này.
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu.
Phát biểu làm rõ một số chất vấn của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, nhiều năm qua, công tác phối hợp giữa Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã được triển khai rất hiệu quả. Đặc biệt là từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ mới đến nay, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hai ngành đã xây dựng một chương trình phối hợp toàn khóa, kế hoạch hàng năm, chế độ giao ban định kỳ hàng quý và có cơ chế xử lý sự cố đột xuất, góp phần giải quyết nhiều vấn đề bức xúc.
Tuy nhiên, theo tư lệnh ngành Công thương, để chuyển từ một nền nông nghiệp truyền thống chuyển sang nền nông nghiệp hàng hóa sản xuất với tư duy kinh tế thị trường là cả một câu chuyện lớn đòi hỏi phải có sự nỗ lực rất cao. Đây là hướng đi tất yếu song "những gì mà chúng ta đã làm được trong thời gian vừa qua chưa thấm tháp gì", Bộ trưởng Diên nói.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, nền nông nghiệp Việt Nam tuy đã có chuyển động theo hướng kinh tế thị trường nhưng vẫn mang tính tự cung, tự túc, tự cấp, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Nhiều sản phẩm chất lượng chưa đạt được tiêu chuẩn của thị trường, kể cả thị trường trong nước chứ chưa nói đến xuất khẩu.
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về vấn đề nông sản của Việt Nam có thể trở thành hàng hóa bán ra thế giới được không và nếu bán thì phải làm thế nào? Từ góc độ của ngành Công thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định: Nông sản của chúng ta hoàn toàn có thể trở thành hàng hóa bán ra thị trường thế giới. Việt Nam hiện là thành viên của 17 hiệp định thương mại tự do với trên 65 quốc gia, vùng lãnh thổ và người tiêu dùng lên tới khoảng gần 7 tỷ người.
"Nếu nói về nguyên tắc, thị trường chúng ta rất rộng mở. Sản phẩm nông sản của chúng ta đã từng vào được thị trường rất khó tính như Mỹ, Nhật Bản và các nước phát triển. Người sản xuất, vùng trồng, vùng nuôi đã quán triệt tinh thần là bán ra cái mà thị trường cần chứ không phải bán cái mà mình có. Như vậy, tiêu chí sản xuất này đã đáp ứng được nhu cầu theo tín hiệu thị", Bộ trưởng cho biết.
Cùng với đó, thời gian qua dưới sự chỉ đạo Chính phủ, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp rất tốt để nâng cao sản lượng, chất lượng hàng hóa; khuyến cáo các địa phương quy hoạch vùng trồng, vùng nuôi và tổ chức lại sản xuất theo yêu cầu của thị trường; Làm tốt việc cung cấp thông tin thị trường, định hướng sản xuất; Sử dụng hiệu quả lực lượng cán bộ thương vụ Việt Nam và ngoài nước để hàng tháng, hàng quý thường xuyên cung cấp thông tin thị trường của các nước, khuyến cáo vùng trồng vùng nuôi, khuyến cáo người sản xuất và doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng sản xuất theo những tín hiệu này.
Thời gian tới, để hàng hóa nông sản Việt Nam xuất khẩu nhiều hơn ra thế giới, Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết ngành sẽ tiếp tục phối hợp với ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng như các ngành chức năng liên quan để làm tốt việc thông tin thị trường, qua đó định hướng sản xuất; Đẩy mạnh đàm phán để đưa các sản phẩm của Việt Nam vào thị trường các nước, khai thác lợi thế của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết.
Bên cạnh đó, Bộ Công thương phối hợp với các bộ, ngành liên quan tháo gỡ các thủ tục hành chính để hàng hóa nông sản Việt Nam xuất khẩu thuận lợi hơn, giảm chi phí; Đẩy mạnh thương mại điện tử, vừa phát triển thương mại truyền thống, thị trường trong nước, song vẫn đầu tư phát triển mạnh thị trường ngoài nước và thương mại điện tử.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, triển khai thực hiện đề án xuất khẩu theo đường chính ngạch mà Bộ Công Thương được giao chủ trì, đến nay, Bộ đã hoàn tất việc xây dựng dự thảo đề án và xin ý kiến của một số bộ, ngành, địa phương. Ngoài ra, ông Diên cũng đề nghị các địa phương thực hiện tốt việc quy hoạch vùng trồng, vùng nuôi, tổ chức sản xuất đạt chuẩn và theo tín hiệu thị trường; xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Anh Đức - TTTĐ