Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo: Đến năm 2026, cả nước cần bổ sung 107.000 giáo viên

27/10/2022 17:31

Kinhte&Xahoi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết như vậy khi trao đổi làm rõ các ý kiến đại biểu Quốc hội về vấn đề thiếu giáo viên và giáo viên bỏ việc, tại phiên thảo luận của Quốc hội chiều 27/10.

Giảm 10% biên chế viên chức gây khó khăn cho ngành Giáo dục

 Liên quan đến lĩnh vực giáo dục đào tạo, đại biểu Trần Thị Thanh Hương (đoàn An Giang) đề nghị Chính phủ và các Bộ, ngành sớm quan tâm xem xét việc tinh giản biên chế trong ngành Giáo dục cho phù hợp hơn.

Đại biểu Trần Thị Thanh Hương

Theo đại biểu, cùng với các ngành, các cấp, ngành Giáo dục cũng thực hiện lộ trình giảm 10% biên chế mỗi năm. Tuy nhiên, đối với ngành Giáo dục, đặc biệt đối với giáo dục phổ thông thì hầu hết các trường đều có đặc thù nhất định, xác định rõ định mức giáo viên đối với từng cấp học. Chính vì vậy, việc thực hiện giảm 10% biên chế viên chức hàng năm đối với hệ thống giáo dục phổ thông gây ra tình trạng bất hợp lý và khó khăn cho ngành này.

Đại biểu kiến nghị Chính phủ xem xét, chỉ đạo việc đảm bảo lực lượng lao động trong ngành Giáo dục theo định mức quy định với tinh thần có học sinh, có lớp học thì phải có đủ giáo viên.

Ngoài ra, đại biểu Trần Thị Thanh Hương cũng đề xuất điều chỉnh quy định đóng bảo hiểm y tế theo hướng có lợi nhất cho học sinh và hộ gia đình. Bà Hương cho biết, việc cho phép các trường trung cấp đủ điều kiện tiếp tục tổ chức dạy học văn hóa, hệ giáo dục thường xuyên cấp THPT hiện nay có những khó khăn, bất cập này vẫn chưa được giải quyết tháo gỡ.

Từ đó, kiến nghị Chính phủ sớm có chỉ đạo thống nhất về vấn đề này theo hướng tiếp tục cho phép tổ chức dạy văn hóa trong các trường trung cấp, cao đẳng theo đúng quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho mọi người có thêm cơ hội để học tập suốt đời, đáp ứng nhu cầu thực tiễn hiện nay tại các địa phương.

Giáo viên nghỉ việc là hiện tượng không bình thường

 Liên quan tới cán bộ, công chức nghỉ việc, phát biểu ý kiến thảo luận sang nay, đại biểu Nguyễn Trường Giang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, số lượng giáo viên hiện nay rất hùng hậu, với hơn 1,2 triệu/1,7 triệu tổng số viên chức cả nước. Con số 14.000 giáo viên, chủ yếu là giáo viên mầm non, phổ thông, rời khỏi khu vực công trong 2,5 năm qua, chiếm tỉ lệ 1,2%, tương đương trong 200 giáo viên thì có 1 người rời khỏi khu vực công.

"Chúng ta đang thực hiện khuyến khích xã hội hóa nên việc giáo viên rời khỏi khu vực công sang tư là rất bình thường. Quan trọng cần xem sau khi rời khỏi khu vực công họ có tiếp tục làm giáo viên không. Việc này cần đánh giá đúng", ông Giang nói và cho rằng việc họ chuyển sang khu vực tư hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Đảng, đều là phục vụ cho Nhân dân, cho sự phát triển của đất nước

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa

Trong chiều nay, phát biểu tranh luận với đại biểu Nguyễn Trường Giang, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) đề cập đến thông tin do Cục Nhà giáo cung cấp, trong giai đoạn 2021-2022, trong tổng số 16.265 giáo viên nghỉ việc, có hơn 10.000 giáo viên trường công. Theo bà, số này hoàn toàn chuyển ra khỏi ngành Giáo dục, không phải chuyển từ môi trường giáo dục công lập sang tư thục, số lượng chuyển từ trường công sang trường tư rất ít.

“Theo quan điểm của tôi, đây là hiện tượng không bình thường; Không chỉ là chuyện có một bộ phận cán bộ công chức nghỉ việc, mà số lượng nghỉ quá lớn trong bối cảnh chúng ta đang triển khai đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, cần rất nhiều giáo viên”, nữ đại biểu nói.

Theo đại biểu, số lượng giáo viên nghỉ việc không diễn ra trên cả nước mà tập trung ở một số khu vực đông khu công nghiệp. Nguyên nhân khiến họ nghỉ việc không chỉ là vấn đề về lương, áp lực công việc, chế độ đãi ngộ mà trong đó có cả vấn đề liên quan đến một bộ phận giáo viên không đủ điều kiện để đáp ứng được chương trình giáo dục phổ thông mới.

“Một bộ phận giáo viên chia sẻ rằng, họ được đào tạo đơn môn nhưng phải dạy tích hợp thì không đủ tự tin đứng trước học sinh. Tôi nghĩ rằng, sắp tới, ngành Giáo dục sẽ phải đối mặt với tình trạng này.

Do vậy, tôi đề nghị, cần phải có phân tích thật kỹ và cần quan tâm thêm việc chuẩn bị triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Chính phủ cần có ý kiến với Quốc hội giải quyết ngay thực trạng này”, bà Hoa nói.

Vừa tuyển mới, vừa tiếp tục thực hiện chỉ tiêu cũ

 Giải trình, làm rõ ý kiến các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, trong những ngày qua, Bộ đã nhận được trên 200 ý kiến của cử tri gửi và bày tỏ lo lắng trước việc ngành thiếu giáo viên, giáo viên bỏ và nghỉ việc.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn

Về vấn đề thiếu giáo viên, ông Nguyễn Kim Sơn nêu rõ, ngành Giáo dục phối hợp với ngành Nội vụ đã tính toán và xác định số lượng giáo viên thiếu mà từ nay đến năm 2026 cần bù đắp là 107.000.

Con số này còn biến động trước tình hình giáo viên nghỉ việc “chứ không đứng yên”. Số này tính toán cần bù đắp để vừa đảm bảo duy trì hoạt động dạy và học được bình thường và thực hiện mục tiêu đổi mới, nâng cao chất lượng. Một trong 3 yếu tố để nâng cao chất lượng là nhân tố giáo viên, cơ sở vật chất, chương trình - phương pháp.

Về nguyên nhân thiếu giáo viên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, việc này từ nhiều năm về trước đã không đủ. Bên cạnh đó, khi giáo viên nghỉ việc, giảm biên chế, nhiều năm không tuyển, tuyển nhỏ hơn số nghỉ hưu…

Một nguyên nhân khác được Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu ra là tăng dân số tự nhiên. Chứng minh cho điều này, ông Sơn thông tin: Lấy mốc thời gian từ tháng 9/2015, tổng số học sinh có 19 triệu, đến tháng 9/2022 khi bắt đầu năm học là trên 23 triệu học sinh. Cũng theo mốc thời gian đó, tháng 9/2015 có 1,156 triệu giáo viên, đến tháng 9/2022 có 1,227 triệu giáo viên.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh muốn nâng cao chất lượng thì không thể duy trì số lượng học sinh quá lớn trên lớp. Với hơn 60 học sinh/lớp học sẽ rất khó để nâng cao chất lượng dạy và học.

Về giải pháp, ông Nguyễn Kim Sơn cho biết vừa qua, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng đã duyệt và giao cho ngành Giáo dục 65.000 chỉ tiêu và sẽ tuyển dần đến năm 2026. Riêng năm 2022 được duyệt hơn 27.000 chỉ tiêu. Sở Nội vụ các tỉnh phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo bắt đầu tuyển dụng giáo viên.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn lưu ý, các tỉnh thành tuy thiếu chỉ tiêu nhưng vẫn tồn đọng trên 10.000 chỉ tiêu từ những năm cũ. Do vậy đề nghị các địa phương cần vừa tuyển số mới, vừa tiếp tục tuyển số cũ để đáp ứng nhu cầu. Đặc biệt, cần dồn chỉ tiêu cho các năm 2023, 2024 vì đây là lúc có nhu cầu giáo viên cho các môn học mới rất lớn. Nếu để sau 2024, khi triển khai các chương trình giáo dục phổ thông đã xong thì việc tuyển dụng không còn ý nghĩa.

Bên cạnh đó, việc tăng lương cho giáo viên sẽ là giải pháp quan trọng giải quyết đời sống cho giáo viên yên tâm công tác; Đồng thời, đề nghị Quốc hội xem xét điều chỉnh phụ cấp ưu đãi cho giáo viên bậc mầm non.

Hạnh Nguyên - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nhiều biến thể phụ mới của Omicron xuất hiện

Tình hình dịch COVID-19 ở nước ta vẫn cơ bản được kiểm soát, tuy nhiên nhiều địa phương đã ghi nhận các biến thể mới của Omicron với khả năng lây nhanh hơn biến chủng gốc, trên thế giới cũng xuất hiện nhiều biến thể phụ mới.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/bo-truong-bo-giao-duc-va-dao-tao-den-nam-2026-ca-nuoc-can-bo-sung-107000-giao-vien-209078.html