Chủ trì buổi làm việc về công tác điều phối giờ cất, hạ cánh (slot) tại các sân bay diễn ra chiều 22/8, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể rất bức xúc khi cho rằng, việc điều phối giờ cất, hạ cánh thời gian qua chưa hợp lý, phát sinh bất cập, trong đó có việc chậm, huỷ chuyến nhiều, làm xấu hình ảnh hàng không.
Lãnh đạo ngành giao thông cho rằng, việc bố trí giờ bay của các hãng hàng không thời gian vừa qua không hợp lý, người dân và báo chí phản ánh rất nhiều nhưng “không biết Hội đồng cấp slot của Cục Hàng không có nghe không, có cải tiến gì không?”.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể.
“Hàng không đòi hỏi phải chính xác giờ, cán bộ từ các địa phương còn căn giờ để họp, người dân còn căn giờ để kinh doanh, để đàm phán với đối tác…nhưng tình trạng chậm trễ, dồn chuyến gây bức xúc rất nhiều. Hãng nào cũng tranh nhau “giờ vàng” nên hành khách rất vất vả, mệt mỏi trong khi những khung giờ khác lại thấp. Tôi không có cảm giác là có quản lý Nhà nước trong hoạt động điều phối này”, Bộ trưởng nhận định.
Báo cáo lên Bộ trưởng, Cục trưởng Cục Hàng không Đinh Việt Thắng cho biết, hiện có riêng một Hội đồng quản lý slot do Cục trưởng Cục Hàng không làm Chủ tịch và thành viên là các Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam, Quản lý bay Việt Nam, các hãng hàng không…
Việc điều phối slot thực hiện theo nguyên tắc chỉ cấp tối đa 85% năng lực, theo đúng khuyến cáo của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO). Ví dụ như tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Hội đồng đánh giá khả năng là 50 chuyến/giờ nhưng mới điều phối cao nhất là 44 chuyến/giờ.
Nguyên tắc thứ hai là duy trì slot lịch sử theo đúng thông lệ quốc tế. Các hãng hàng không tuân thủ trên 80% slot sẽ được ưu tiên giữ cho mùa năm sau. Bốn tuần liên tiếp không sử dụng 1 slot thì Hội đồng sẽ thu lại.
Cụ thể, tại Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất, tổng quỹ slot hiện nay là 936 chuyến, hiện mới phân bổ 804 chuyến. Hàng không nội địa chiếm 608 slot, còn lại là các chuyến bay quốc tế.
Tại Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài, tổng quỹ slot là 816, hiện đã cấp 556 slot. Tương tự, tại Cảng hàng không Quốc tế Đà Nẵng, tổng quỹ slot là 540, hiện đã cấp 242 slot.
Tỉ lệ sử dụng số slot đã cấp của các hãng hàng không nội địa chiếm 80-83%, còn các hãng hàng không quốc tế chiếm 88-91%. Phần slot dư chủ yếu vào các khung giờ thấp điểm hoặc ban đêm.
Liên quan đến tình trạng chậm, huỷ chuyến bay, ông Thắng cho biết có rất nhiều nguyên nhân nhưng trong đó chủ yếu là do thời tiết (chiếm 17,3%) và do khai thác của các hãng hàng không (chiếm 63%).
Tăng xử phạt, giảm slot “giờ vàng”, khuyến khích bay đêm
Đại diện các Hãng hàng không tham dự cuộc họp (VietnamAirlines, Vietjet, Jetstar, VASCO) cho rằng tình trạng chậm, huỷ chuyến là điểm cuối cùng của một dây chuyền với hàng trăm yếu tố gồm cả chủ quan của hãng hàng không và khách quan từ cả cơ sở hạ tầng, nhà chức trách… Do đó, các hãng đề nghị Cục Hàng không làm rõ và thống kê việc chậm, huỷ chuyến là chậm ở khâu nào, vì sao bởi “có như vậy, hãng hàng không mới “tâm phục khẩu phục”.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhận định “bên nào cũng đưa lý do và đổ lỗi cho những cơ quan khác về nguyên nhân chậm, hủy” và yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam đưa ra chế tài xử phạt chậm, huỷ chuyến để các hãng hàng không có ý thức hơn trong hoạt động của hãng.
Trả lời Bộ trưởng, ông Đinh Việt Thắng cho biết: “Giải pháp hiệu quả nhất là tăng tỷ lệ slot thực hiện lên, bước đầu là 85%, sau đó có thể tăng lên 90%. Nếu không đạt thì thu hồi. Đây là chế tài nặng nhất với hãng hàng không”.
Đồng quan điểm, Tổng giám đốc Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) Vũ Thế Phiệt khẳng định: “Chỉ có tăng giám sát, tăng chế tài xử phạt lên thì các hãng sẽ từng bước cải thiện”.
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng: “Các quốc gia đều yêu cầu tỉ lệ đúng giờ rất cao, nếu các hãng không đáp ứng được họ còn thu hồi lại slot đã cấp, thậm chí máy bay đến trễ thì cứ để máy bay chờ và chỉ phục vụ cho các chuyến bay đúng giờ. Tôi không chấp nhận con số sử dụng slot của các hãng nội địa là 83% như hiện nay. Yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam phải nghiên cứu giải pháp kéo giảm tình trạng này trong những tháng cuối năm”.
Người đứng đầu ngành giao thông cũng gợi ý 10 vấn đề mà các cơ quan liên quan cần nghiên cứu để nhanh chóng kéo giảm số chuyến bay chậm, huỷ.
Theo đó, cần nghiên cứu chế tài thu hồi slot theo hướng phải nghiêm hơn, chặt chẽ hơn; có chế tài rõ ràng đối với những trường hợp dồn chuyến, chậm, huỷ chuyến; cơ chế đền bù cho khách bị chậm, huỷ chuyến phải tăng lên; giảm slot trong những giờ thời tiết xấu mà có thể dự đoán được (như thời gian từ 5 -7h chiều tại Tân Sơn Nhất…).
Cùng với đó, chuẩn hoá quy định về thời gian quay đầu của hãng hàng không; chuẩn hoá quy định về hệ số dự phòng tàu bay, tổ bay, phục vụ; nghiên cứu lại khung giá dịch vụ vận chuyển và giá dịch vụ hàng không, quy định tính trần giá vé máy bay, giá dịch vụ hàng không theo khung giờ; khẩn trương đầu tư ứng dụng công nghệ, hoàn chỉnh quy trình điều phối tại sân bay, phân rõ trách nhiệm của từng bộ phận; đầu tư hạ tầng đảm bảo bay đêm...
Thông tin thêm, đại diện ACV cho biết, thời gian tới, các sân bay sẽ mở cửa 24/7 để phục vụ hành khách (trừ các sân bay Cà Mau, Rạch Giá, Côn Đảo, Điện Biên). ACV sẽ cung cấp dịch vụ phụ trợ đầy đủ như xe bus, taxi, xe thang…đầy đủ để tạo thói quen và khuyến khích hành khách bay đêm.
Bên cạnh đó, từ nay đến năm 2020, ACV sẽ đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng vào hệ thống công nghệ thông tin để ứng dụng vào quản lý và điều hành các cảng hàng không, đảm bảo “khi có công nghệ và chuẩn hoá quy trình làm việc thì việc quản lý giờ giấc sẽ tốt hơn”.
Theo KD&PL