Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Hỗ trợ doanh nghiệp chậm ngày nào, thiệt hại sẽ càng lớn

08/08/2021 15:29

Kinhte&Xahoi Với phương châm “sớm nhất, hiệu quả nhất”, phải tập trung triển khai ngay các giải pháp nhằm tháo gỡ những vấn đề cấp bách cho doanh nghiệp, nhanh chóng ổn định duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Doanh nghiệp còn nhiều thách thức, nguy cơ

 Trong thời gian tới, diễn biến dịch bệnh Covid-19 tiếp tục có chiều hướng phức tạp với nhiều biến chủng mới, tốc độ lây lan nhanh, thị trường quốc tế và trong nước chưa có dấu hiệu phục hồi hoặc đang phục hồi rất chậm; tại hội nghị diễn ra sáng 8/8, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng dự báo phía trước vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ và thách thức đối với doanh nghiệp.

Theo đó, nguy cơ đình trệ sản xuất và suy thoái kinh tế thế giới; tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị và đình trệ sản xuất, suy thoái toàn cầu vẫn chưa thể khắc phục ngay trong ngắn hạn và dự báo sẽ tiếp tục ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp.

Đồng thời, làn sóng người lao động di chuyển khỏi tỉnh, thành phố lớn sẽ dẫn đến nguy cơ cao thiếu hụt lao động, đặc biệt lao động có kỹ năng khiến cho

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại điểm cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư. (Ảnh: MPI)

doanh nghiệp rất khó có thể phục hồi ngay năng lực sản xuất ngay khi hết thời gian giãn cách, tình hình dịch Covid-19 thuyên giảm.

Bên cạnh đó, các quốc gia đang tìm cách giảm thiểu phụ thuộc vào một thị trường, dẫn đến xu hướng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lớn thực hiện cấu trúc lại hệ thống cung cấp nguyên vật liệu, lựa chọn địa điểm đầu tư mới thỏa mãn những điều kiện hiệu quả, an toàn và bền vững.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, thực tiễn này đã đặt ra câu hỏi lớn cho tất cả chúng ta cần phải làm gì, hành động gì để có thể vượt qua thách thức, biến nguy thành cơ.

Trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp, toàn bộ hệ thống chính trị đang dốc toàn lực nhằm kiểm soát dịch bệnh và dự kiến có thể kiểm soát trong cuối năm 2021, khi tiến độ tiêm vắc xin được đẩy nhanh và đạt miễn dịch cộng đồng vào quý II/2022.

Hiện Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng chương trình phục hồi nền kinh tế ngay từ thời điểm hiện tại, nhằm chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết, đón đầu xu hướng. Đây là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp thúc đẩy nhanh quá trình phục hồi, ổn định sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra, tác động từ dịch Covid-19 đã tạo ra nhận thức mới, xu hướng tiêu dùng mới; các mô hình, ngành nghề kinh doanh mới, đem lại cơ hội thị trường để hình thành các chuỗi giá trị, liên kết mới.

"Đây thực sự cũng là cơ hội giúp các doanh nghiệp Việt Nam nhìn nhận, sát hạch lại năng lực thực sự, sức chống chịu, khả năng thích nghi trước biến cố thị trường, tái cơ cấu sản xuất, chuyển đổi chiến lược", ông Dũng đánh giá.

Chính vì vậy, các doanh nghiệp cần tiếp tục nỗ lực, chủ động có phương án ứng phó với các nguy cơ, khai thác và tận dụng mọi cơ hội để có thể sớm ổn định phục hồi và phát triển trong thời gian tới.

Hỗ trợ doanh nghiệp phải “sớm nhất, hiệu quả nhất”

Với trách nhiệm là cơ quan tham mưu tổng hợp của Chính phủ, trong bối cảnh hiện nay, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất một số quan điểm hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới.

Doanh nghiệp cũng đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện mô hình "3 tại chỗ". (Ảnh: MOIT)

Trong đó, quán triệt tinh thần "chống dịch như chống giặc", các cấp, các ngành, địa phương phải tập trung vào cuộc với nỗ lực cao nhất, ưu tiên mọi nguồn lực để kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh Covid-19, tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định tình hình sản xuất kinh doanh, phục hồi và phát triển.

Cụ thể, Nhà nước sẽ tiếp tục đồng hành, chia sẻ, sát cánh cùng cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Với phương châm “sớm nhất, hiệu quả nhất”, phải tập trung triển khai ngay các giải pháp nhằm tháo gỡ những vấn đề cấp bách cho doanh nghiệp, nhanh chóng ổn định duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.

"Nếu chậm trễ ngày nào, thiệt hại sẽ ngày càng lớn hơn và chúng ta sẽ phải tốn nhiều thời gian và chi phí hơn để khắc phục hậu quả và để hồi phục sản xuất kinh doanh", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Theo ông Dũng, trong bối cảnh hiện nay, điều quan trọng nhất đối với các doanh nghiệp chính là các biện pháp phòng chống dịch bệnh hợp lý, không quá cực đoan, qua đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thích nghi với hoàn cảnh.

"Việc làm đó giúp doanh nghiệp vừa duy trì ổn định các hoạt động sản xuất kinh doanh, cố gắng tận dụng triệt để hoàn thành các đơn hàng, hợp đồng đã ký kết để tránh đứt gãy chuối cung ứng, vừa bảo đảm an toàn cho người lao động, tìm kiếm và tận dụng những cơ hội mới để phục hồi và phát triển, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế quốc gia", ông Dũng chia sẻ.

Người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết sẽ chủ động xây dựng chính sách và chuẩn bị nguồn lực cần thiết triển khai các biện pháp hỗ trợ dài hạn, bền vững giúp doanh nghiệp phục hồi nhanh sau khi kiểm soát được dịch bệnh và có cơ hội quay trở lại mạnh mẽ hơn.

 Hậu Lộc - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/bo-truong-nguyen-chi-dung-ho-tro-doanh-nghiep-cham-ngay-nao-thiet-hai-se-cang-lon-173021.html