Theo dự thảo Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức (sửa đổi), công chức, viên chức sẽ không còn chế độ biên chế “trọn đời”. Ảnh: HẢI NGUYỄN
Bỏ quy định “viên chức trọn đời”
Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Dương Trung Quốc (Đoàn Đồng Nai) chia sẻ “ủng hộ hoàn toàn với quy định không còn “viên chức trọn đời”. Vị ĐB này lý giải, nhìn vào những gì đã qua, chúng ta thấy những công chức, viên chức có kinh nghiệm, uy tín, nhưng ngược lại cũng làm cho không ít công chức, viên chức trở nên quan liêu, làm việc rất kém hiệu quả.
ĐB Dương Minh Tuấn (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, đây là chủ trương hay, bởi sẽ khắc phục được hạn chế trong quản lý đội ngũ viên chức là “vào dễ, ra khó”, tạo thuận lợi để các đơn vị sự nghiệp công lập lựa chọn viên chức phù hợp với vị trí việc làm. Quy định này cũng sẽ bảo đảm được cơ chế cạnh tranh, tạo động lực để viên chức đã được tuyển dụng liên tục phấn đấu nâng cao trình độ, hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Tuy nhiên, ông băn khoăn về việc cơ chế nào để kiểm soát quyền lực của người đứng đầu cơ quan nắm quyền tuyển dụng viên chức. Mặc dù không đưa ra một quan điểm dứt khoát về vấn đề nêu trên nhưng ĐB Bùi Văn Xuyền (Đoàn Thái Bình) cho rằng cần có cơ chế để ràng buộc người đứng đầu các cơ quan, đơn vị để không xảy ra việc sa thải người lao động “vô tội vạ” nếu tiến hành ký hợp động có thời hạn với viên chức tuyển dụng mới.
Cũng theo vị ĐB này, cần xác định rõ vị trí việc làm và bộ công cụ để đánh giá mức độ người lao động có hoàn thành công việc hay không, người chủ sử dụng lao động phải là người công tâm, chính trực, khách quan vì lợi ích của cơ quan chứ không cả nể, bao che.
Đại biểu Bùi Văn Xuyền phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh quochoi.vn
Tạo thị trường nhân lực
ĐB Dương Trung Quốc cho rằng để thu hút được người tài thì cũng phải quy định rõ “thế nào là người tài”. Ông Quốc cũng ủng hộ chế độ đãi ngộ về lương, nhà ở, chế độ phúc lợi xã hội cho vợ, con người tài được tuyển chọn một cách chuẩn mực.
Đồng thời, ông Quốc cho rằng, tuyển được, thu hút được người tài rồi thì cũng phải có chế độ sa thải đối với người không đáp ứng được yêu cầu và quy trách nhiệm cho người tuyển chọn, để tránh “chuyện đã rồi”.
“Thời gian qua chúng ta đã có nhiều chính sách thu hút nhân tài, nhưng vẫn cần lượng hóa thành luật, là căn cứ pháp lý cao nhất để thực hiện. Nhiều ĐB quan tâm đến điều 6 quy định về chính sách thu hút người tài. Trong đó nhiều người băn khoăn, cho rằng cần quy định như thế nào là người tài, điều kiện tiêu chuẩn kèm theo là gì, đãi ngộ ra sao để giữ chân?. Theo tôi, để giữ được người tài thì trước tiên phải phát hiện được sớm, sau đó tạo ra môi trường tốt để họ học tập, làm việc, phát huy được sức sáng tạo. Ngoài ra cần căn cứ trên cơ sở, tiêu chuẩn của từng ngành nghề để lựa chọn” - ĐB Tôn Ngọc Hạnh (Đoàn Bình Phước) nói.
Bà cũng cho rằng cần có cơ chế ưu tiên đặc biệt với người tài bằng cách lượng hóa cụ thể các chính sách. Ví dụ với những người được giải trong các cuộc thi quốc gia, quốc tế, đã được ghi nhận về tài năng thì cần tuyển thẳng họ vào các cơ quan nhà nước làm việc mà không cần qua thi tuyển.
“Về chính sách đãi ngộ thì phụ thuộc vào điều kiện của từng địa phương. Các thành phố lớn sẽ có lợi thế để thu hút người tài, nhưng với các địa phương, vùng sâu, vùng xa, tỉnh khó khăn dù muốn đãi ngộ cao nhưng cũng phải tính toán có phù hợp với điều kiện của địa phương hay không. Tôi cho rằng quy định trong luật là hợp lý, khi đề nghị các địa phương căn cứ điều kiện của địa phương để xây dựng chi tiết chính sách thu hút, đãi ngộ tài năng” - ĐB Hạnh cho biết thêm.
Tuy nhiên, ĐB Hạnh cũng cho rằng việc có chế độ tốt là một phần, nhưng yếu tố quan trọng là tạo ra môi trường tốt, thuận lợi để người tài phát huy hết được khả năng, tài năng của mình. Việc này phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức của người đứng đầu cơ quan sử dụng lao động.
“Hiện có tình trạng, người đứng đầu các cơ quan vì cái tôi quá lớn, thấy người giỏi hơn mình thì tìm cách trù dập. Tôi cho rằng còn điều này thì rất khó thu hút được người tài vào làm việc trong các cơ quan nhà nước. Một người lãnh đạo tốt là người biết sử dụng được người tài giỏi hơn mình, thu phục được những người tài hơn mình về làm việc, phục vụ cho cơ quan. Nên mấu chốt nằm ở việc thay đổi tư duy, nhận thức của người sử dụng nhân tài” - ĐB Hạnh nhấn mạnh.
“Nếu dự án Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi có hiệu lực, không còn viên chức suốt đời nữa, thì ai giám sát quyền lực của hiệu trưởng, lãnh đạo địa phương, để không xảy ra việc ưu tiên tuyển dụng người nhà, thích ai thì ký hợp đồng tiếp, không thích thì hủy. Nếu chưa có cơ chế giám sát việc này thì viên chức, trong đó có đối tượng giáo viên sẽ vừa dạy, vừa nơm nớp lo mất việc” - ĐB Dương Minh Tuấn.
Theo laodong.vn/ Hoà Nhập