Bộ Y tế đang xây dựng Thông tư đưa COVID-19 trở thành bệnh nghề nghiệp được hưởng BHXH

08/01/2023 17:18

Kinhte&Xahoi Giải trình các ý kiến ĐBQH nêu tại phiên thảo luận tại hội trường chiều 7/1/2023, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan thông tin, hiện Bộ đang xây dựng Thông tư đưa COVID-19 trở thành một bệnh nghề nghiệp được hưởng BHXH.

Chiều 7/1/2023, tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường liên quan đến Đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 và đề xuất nội dung đưa vào Nghị quyết của Quốc hội về việc chuyển tiếp thực hiện một số chính sách theo quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15.

Sau khi lắng nghe các ý kiến ĐBQH tại hội trường, được sự phân công của chủ tọa, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã có báo cáo, giải trình liên quan đến những vấn đề đại biểu quan tâm.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan giải trình, làm rõ một số ý kiến các ĐBQH nêu.

Liên quan đến việc chưa hoàn thành thanh toán chi phí, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, đây là đại dịch lần đầu tiên xuất hiện nên trong thời điểm số lượng ca mắc cao, nhiều tình huống phát sinh, khó dự đoán nên vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Bộ trưởng nhấn mạnh, kể cả phác đồ điều trị cũng phải thay đổi liên tục, nhân lực y tế thiếu,… nên việc lập giấy tờ, thủ tục hành chính gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, trước tình hình dịch cấp bách đòi hỏi các hoạt động phải khẩn trương, nhanh chóng trong điều kiện không bình thường.

"Chính vì vậy, Quốc hội cho phép kéo dài đến 31/12/2023 sẽ giúp cho các cơ quan rà soát, hoàn thiện hồ sơ để đảm bảo quyền lợi, chế độ cho đội ngũ cán bộ làm công tác y tế cũng như chế độ đối với người bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19", người đứng đầu ngành Y tế thông tin.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan thông tin thêm, thời gian vừa qua, Bộ Y tế cũng đã rà soát và ban hành Thông tư sửa đổi Thông tư 56 về những thủ tục giải quyết chế độ nghỉ việc hưởng BHXH. Đây cũng là một trong những giải pháp để tháo gỡ những khó khăn về mặt quy trình, thủ tục, thực tiễn để các địa phương triển khai thực hiện.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan.

Liên quan đến việc tổng kết và đưa ra những bài học kinh nghiệm trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nói, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao cho ngành y tế đang phối hợp cùng với các bộ, ngành, địa phương để tổng kết 3 năm trong công tác phòng, chống dịch, đánh giá những mặt được và những mặt chưa được, nguyên nhân và những bài học kinh nghiệm làm kim chỉ nam.

Về việc rà soát hệ thống văn bản hướng dẫn để thực hiện thống nhất trong thực tiễn, Bộ trưởng xin trân trọng tiếp thu và sẽ đưa vào nội dung của dự thảo Nghị quyết nhằm hướng dẫn triển khai thực hiện.

Về đề xuất liên quan đến việc củng cố tinh thần cũng như chế độ đãi ngộ, chế độ tiền lương đối với cán bộ ngành y tế, Bộ trưởng cho rằng, đây là một nội dung mà ngành y tế rất mong mỏi và trong quá trình triển khai thực hiện chế độ cải cách tiền lương mới, mong luôn nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các ĐBQH.

Bộ Y tế đã báo cáo với Chính phủ liên quan đến Luật Dược (sửa đổi), trong đó có nội dung giải quyết vướng mắc trong vấn đề gia hạn thuốc.

Liên quan đến việc đề nghị Chính phủ sớm trình Luật Dược (sửa đổi), Bộ trưởng Đào Hồng Lan thông tin, nội dung này đã được Chính phủ chỉ đạo ngành y tế. Tại phiên họp chuyên đề về pháp luật tháng 9/2022, Bộ Y tế đã báo cáo với Chính phủ liên quan đến Luật Dược (sửa đổi), trong đó có nội dung giải quyết vướng mắc trong vấn đề gia hạn thuốc.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh: "Chính phủ chỉ đạo tổng thể về phát triển công nghiệp dược để làm sao có Luật Dược (sửa đổi) toàn diện nhất. Hiện Bộ đang hoàn thiện hồ sơ báo cáo với Bộ Tư pháp để đăng ký trình Quốc hội để cố gắng đến thời điểm tháng 12/2024 khi Nghị quyết cho phép gia hạn hết thì Luật Dược (sửa đổi) cũng trình".

Về vấn đề giải quyết hậu COVID-19, theo Bộ trưởng, đây là vấn đề thế giới cũng rất quan tâm. Khi COVID-19 xảy ra kéo theo nhiều triệu chứng liên quan, vì vậy thời gian Bộ đã ban hành các hướng dẫn chẩn đoán, điều trị đối với người bị COVID-19. Hiện Bộ Y tế đang xây dựng Thông tư đưa COVID-19 trở thành một bệnh nghề nghiệp để được hưởng BHXH.

Về dư thuốc sau khi mua sắm cao hơn so với quy định tại Nghị quyết 30, Bộ trưởng thông tin, Chính phủ đã chỉ đạo ngành Y tế phối hợp rà soát, đánh giá tổng thể để tổng hợp trên toàn quốc. Hiện Bộ đã có Tờ trình lên Chính phủ việc điều chuyển thuốc, vật tư, sinh phẩm đã mua từ nguồn Ngân sách Nhà nước cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 sang nguồn thu dịch vụ khám, chữa bệnh thông thường.

Lê Bảo - Pháp luật Plus

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đề xuất chuyển nguồn hơn 5.000 tỷ đồng ngân sách phòng, chống dịch Covid-19 sang năm 2022

Chiều 7/1, tiếp tục chương trình kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội (QH) nghe tờ trình của Chính phủ về việc chuyển nguồn kinh phí công tác phòng, chống dịch Covid-19 năm 2021 của các địa phương sang niên độ ngân sách năm 2022 và thảo luận tại tổ về nội dung này, cùng một số nội dung khác.

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/nha-nuoc-va-phap-luat/bo-y-te-dang-xay-dung-thong-tu-dua-covid-19-tro-thanh-benh-nghe-nghiep-duoc-huong-bhxh-d188850.html