Theo Cục An toàn thực phẩm (ATTP), từ đầu năm đến hết tháng 10, cả nước xảy ra 91 vụ ngộ độc thực phẩm với 2.710 ca mắc, trong đó có 15 trường hợp tử vong, chủ yếu do ngộ độc rượu và ngộ độc nấm. Trong 10 tháng qua, Cục ATTP đã thu hồi hàng trăm giấy phép, xử phạt gần 6 tỷ đồng đối với 99 doanh nghiệp vi phạm các quy định về ATTP.
Bộ Y tế yêu cầu tăng cường kiểm soát thực phẩm dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên Đán. Ảnh minh họa
Đặc biệt, trong dịp Tết, thịt, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát được tiêu thụ với số lượng lớn, do đó, đây là các mặt hàng chính cần được quản lý, kiểm soát trong thời gian tới.
Các lực lượng chức năng, các địa phương kiên quyết không để các sản phẩm không bảo đảm trà trộn trên thị trường; đồng thời kiểm tra thường xuyên các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, yêu cầu chủ các cơ sở phải tuân thủ các quy định như nhãn mác rõ ràng, kiểm nghiệm sản phẩm, sử dụng phụ gia thực phẩm...
Ngoài bảo đảm ATTP trong dịp Tết, Cục trưởng Cục ATTP Nguyễn Thanh Phong cho rằng vấn đề đáng lo ngại hiện nay là làm thế nào để bảo đảm ATTP tại bếp ăn trường học, đặc biệt là bếp ăn công nghiệp cung cấp bữa ăn cho công nhân.
Các bữa ăn giữa ca là thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động, các cơ quan quản lý Nhà nước không can thiệp được. Thực tế, nhiều nhà máy vẫn đang cung cấp cho công nhân những bữa ăn chỉ từ 12.000-14.000 đồng. Giá bữa ăn càng thấp thì nguy cơ về các vấn đề ATTP càng tăng cao và dễ dẫn đến các vụ ngộ độc thực phẩm quy mô lớn.
Theo Phapluatplus