Bộ Y tế yêu cầu tiêm chủng vắc xin COVID-19 hoàn thành vào 5/5

16/04/2021 17:15

Kinhte&Xahoi Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sáng 16/4 về tăng cường công tác phòng chống dịch COVID-19 và tiêm chủng vắc xin COVID-19 với ngành Y tế của 63 tỉnh/TP, Bộ y tế yêu cầu các địa phương phải hoàn thành tiêm chủng vắc xin COVID-19 của COVAX vào 5/5/5021.

Tại Hà Nội, theo kế hoạch tiếp nhận, sử dụng vắc xin phòng COVID-19 cho nhóm đối tượng ưu tiên trên địa bàn TP đợt 1/2021 của UBND TP Hà Nội. Đợt đầu tiên TP tiếp nhận 8.000 liều vắc xin phòng COVID-19. Ảnh: Hùng Tâm

Bộ Y tế và các cơ quan liên quan đã hết sức nỗ lực để có vắc xin phòng COVID-19 phục vụ tiêm chủng. Bộ Y tế đã phân bổ 811.200 liều vắc xin của COVAX về các địa phương theo đúng tinh thần Nghị quyết 21 của Chính phủ.

Bộ Y tế yêu cầu các địa phương phải lập danh sách đối tượng tiêm theo đúng Nghị quyết 21 và cần tổ chức tiêm nhanh chóng.

Bộ Y tế cho biết, thời gian qua, Bộ Y tế đã liên tục tổ chức các cuộc họp với các chuyên gia đầu ngành về công tác an toàn tiêm chủng.

Hiện nay, chúng ta có mạng lưới 1.500 đểm cầu kết nối khám chữa bệnh từ xa và Bộ Y tế đang tiếp tục mở rộng thêm các điểm cầu.

Đội ngũ chuyên gia, giáo sư ở 3 miền Bắc, Trung, Nam thường trực ở mạng lưới này sẽ tập trung giúp tất cả các địa phương trên toàn quốc.

 Theo Bộ Y tế, tuy nâng cao an toàn tiêm chủng hơn một mức so với bình diện chung của Tổ chức Y tế thế giới nhưng không vì lý do đó mà triển khai tiêm chủng chậm do thời hạn sử dụng vắc xin COVID-19 của COVAX chỉ đến 31/5/2021.

Vì vậy, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương triển khai tiêm nhanh, không để vắc xin hết hạn mà không tiêm…

Bộ Y tế cũng mong muốn các cơ quan truyền thông tăng cường thông tin về lợi ích của tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 và mô hình tiêm chủng an toàn được triển khai tại Việt Nam để người dân tham gia tiêm chủng.

Tại cuộc họp, đại diện Tổ chức Y tế thế giới đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam và khẳng định vắc xin là một trong những biện pháp phòng chống COVID-19. Những lợi ích mà vắc xin mang lại vượt trội hơn so với nguy cơ có thể xảy ra.

Tuy nhiên, đại diện Tổ chức Y tế thế giới cũng cho rằng, vắc xin không phải là biện pháp duy nhất phòng, chống dịch. Vì vậy, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch như đã thực hiện hơn một năm nay.

Hùng Tâm - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Pháp luật Plushttps://www.phapluatplus.vn/giao-duc-suc-khoe/bo-y-te-yeu-cau-tiem-chung-vac-xin-covid-19-hoan-thanh-vao-5-5-d153494.html