Lấy huyết tương từ những người mắc COVID-19 đã bình phục. (Nguồn: socialnews.xyz)
Huyết tương của các bệnh nhân mắc dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã nổi lên như một "món hàng sinh lợi" trên thị trường chợ đen ở Iraq, trong bối cảnh hệ thống y tế của đất nước vốn bị xung đột tàn phá này đang trên bờ vực sụp đổ sau khi ghi nhận tổng cộng 53.708 ca mắc trong ngày 2/7.
Với hơn 53.700 ca mắc và hơn 2.100 ca tử vong, Iraq hiện là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch COVID-19 tại Trung Đông, bên cạnh Saudi Arabia và Iran.
Mối quan ngại đang gia tăng khi các bệnh viện đều quá tải. Hệ thống y tế tê liệt khó có thể điều trị 2.000 ca mắc mới mỗi ngày.
Trong bối cảnh đó, phương pháp điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 bằng huyết tương của người đã bình phục đang được xem là một giải pháp khả thi.
Sau khi Bộ Y tế Iraq thông báo nước này đã đạt được kết quả tích cực trong việc điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 bằng cách sử dụng huyết tương, nhiều gia đình bệnh nhân đã đổ xô vào "cuộc chiến" tìm kiếm huyết tương bằng bất cứ giá nào."
Nhu cầu huyết tương từ các bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục đang tăng mạnh trên phương tiện truyền thông xã hội từ thủ đô Baghdad cho tới một số tỉnh khác.
Một bệnh nhân mắc COVID-19 được truyền huyết tương của người khỏi bệnh tại bệnh viện Basra, Iraq ngày 20/6/2020. (Nguồn: whtc.com)
Mohammed Ali, một công dân ở thành phố Kirkuk, miền Bắc Iraq, đã đăng bài trên Facebook, cầu xin huyết tương của các bệnh nhân mắc COVID-19 đã bình phục để cứu cha mình đang được cách ly trong một bệnh viện.
Trong khi đó, một bệnh nhân mắc COVID-19 đã bình phục chia sẻ: "Một túi huyết tương có thể có giá tới 2.000 USD và nhiều người sẵn sàng trả nhiều hơn để cứu mạng sống của những người thân."
Không giống những người mua, những người sẵn sàng bán huyết tương thường sống trong nghèo đói. Họ bán huyết tương thông qua các nhà môi giới để tránh hậu quả xã hội và pháp lý.
Bác sỹ Hamid Saadi thuộc Trung tâm truyền máu quốc gia Iraq ở Baghdad cho biết buôn bán huyết tương là một "vấn đề rất nghiêm trọng" và Bộ Y tế đang nỗ lực đẩy lùi tình trạng này.
Bên cạnh đó, chuyên gia này cũng cảnh báo về một loạt nguy cơ tiềm tàng của việc buôn bán huyết tương, như việc khó có thể đảm bảo rằng các túi huyết tương không có virus HIV hay các loại virus khác.
Ngoài ra, người mua sẽ không bao giờ biết được rằng liệu các túi huyết tương đó có được bảo quản đúng cách hay không.
Ông Saadi kêu gọi bệnh nhân mắc COVID-19 đã hồi phục tình nguyện hiến huyết tương để giúp đỡ những người gặp khó khăn.
Cho đến nay mới chỉ có vài trăm người hiến huyết tương trong khi trên thực tế, số bệnh nhân đã hồi phục đã lên tới 27.912 người trong ngày 2/7./.
Phương Oanh