Các địa phương cần tiến lên, không bàn lùi, không kêu khổ

07/07/2020 15:00

Kinhte&Xahoi Đây là tinh thần mà Thủ tướngNguyễn Xuân Phúc mong muốn đối với các địa phương khi dự Hội nghị sơ kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020 trong bối cảnh cả nước đang đẩy mạnh phục hồi nền kinh tế hậu COVID-19.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị sơ kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020. Ảnh: TTXVN

Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) 6 tháng qua ước đạt 44,2% dự toán, giảm 10,5% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là năm có tiến độ thu ngân sách đạt thấp nhất kể từ năm 2013, trong đó, thu nội địa giảm hơn 7%, thu dầu thô đạt 59,7% dự toán.

Về thu nội địa, thu ngân sách từ 3 khu vực kinh tế đều đạt thấp. Cụ thể, khu vực DNNN giảm 21,5%; khu vực doanh nghiệp FDI giảm 6,3%; khu vực kinh tế ngoài quốc doanh giảm 15%.

Theo Bộ Tài chính, kết quả này phản ánh thực trạng nền kinh tế hiện nay, cho thấy tình hình hoạt động của doanh nghiệp thực sự gặp nhiều khó khăn.

Mức tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm chỉ đạt 1,81%, kim ngạch cả xuất và nhập khẩu đều giảm so với cùng kỳ, thì khả năng đạt được các mục tiêu tăng trưởng theo các kịch bản Chính phủ đã báo cáo Quốc hội là hết sức khó khăn, từ đó ảnh hưởng đến cân đối thu - chi NSNN.

“Để phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và NSNN năm 2020 đã được Quốc hội quyết định, đòi hỏi nỗ lực phấn đấu rất lớn của các ngành, các cấp từ trung ương đến địa phương”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.

 Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trình bày báo cáo tại Hội nghị.

Để đạt được mục tiêu này, Bộ Tài chính đưa ra 10 nhóm giải pháp. Trong đó, sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, tăng cường thu hút vốn đầu tư cho phát triển kinh tế; tổ chức thực hiện tốt các luật thuế và nhiệm vụ thu NSNN năm 2020, quyết tâm thu đạt mức cao nhất dự toán Quốc hội quyết định.

Đồng thời, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch trong thu, chi NSNN, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý, sử dụng tài sản công, đất đai, tài nguyên, khoáng sản; tổ chức điều hành, quản lý chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm, đúng quy định, nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN.

Bộ Tài chính cũng sẽ tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia, nợ của chính quyền địa phương; tăng cường công tác quản lý giá, thị trường, tiếp tục phát triển đồng bộ các loại hình thị trường tài chính...

Tại Hội nghị, đại diện TP Hà Nội khẳng định rõ nỗ lực hoàn thành dự toán ngân sách trong năm nay là 285.000 tỷ đồng. Lãnh đạo TP Hải Phòng cũng nêu rõ quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2020 đã đề ra và không điều chỉnh bất cứ chỉ tiêu nào.

Hoan nghênh quyết tâm của TP Hà Nội trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi COVID-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, các địa phương cần học tập để tiến lên, không bàn lùi, không kêu khổ. “Tinh thần tiến công cách mạng rất quan trọng trong khó khăn”.

Đánh giá cao Hà Nội có nhiều giải pháp thu hút đầu tư trong thời gian qua, trong đó tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư với với 229 dự án được trao giấy chứng nhận đầu tư, tổng mức đầu tư hơn 17 tỷ USD, Thủ tướng cho rằng, “các địa phương phải làm như vậy mới phát triển”.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/cac-dia-phuong-can-tien-len-khong-ban-lui-khong-keu-kho-d128859.html