Các tỉnh có tên trong danh sách tiêm vaccine thấp phản biện gì?

08/09/2021 07:33

Kinhte&Xahoi Nhằm kiểm soát được dịch bệnh sớm nhất và bảo vệ tối đa khỏi các biến thể của dịch bệnh Covid-19 ngăn chặn khả năng lây lan các biến thể này sang người khác, Bộ Y tế đã lên kế hoạch gửi tới sở Y tế các tỉnh thực hiện triển khai tiêm vaccine.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, Bộ Y tế đã triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine tới sở Y tế các tỉnh nhằm kiểm soát dịch bệnh sớm nhất bảo vệ tối đa khỏi các biến thể, ngăn chặn khả năng lây lan các biến thể này sang người khác.

Tiêm chủng vaccine. Ảnh minh họa

Trong danh sách 10 địa phương có tỷ lệ tiêm vaccine thấp nhất đến ngày 6/9 (Tính theo số mũi tiêm/ số vaccine phân bổ theo quyết định) và tỷ lệ tiêm tại một số tỉnh có thể thấp do chưa nhận đủ vaccine theo Quyết định phân bổ, chủ yếu rơi vào các tỉnh phía Nam có số ca nhiễm Covid-19 cao như: TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An, Đồng Nai…

Các tỉnh có tỷ lệ tiêm vaccine thấp

Theo Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 của Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia cập nhật, đứng trong top 10 địa phương có tỷ lệ tiêm chủng Covid-19 thấp nhất đến ngày 6/9 gồm :

Biểu đồ tỷ lệ tiêm chủng Covid-19. Nguồn tiemchungcovid19.gov.vn

Tỉnh có tỷ lệ tiêm chủng Covid-19 thấp nhất là Đồng Nai tỷ lệ vaccine đã phân bổ thực tế 40,16%, trong khi đó tỷ lệ tiêm chủng phân bổ thực tế là 61,33% bằng 1.103.370 liều vaccine đã tiêm.

Long An đứng vị trí tiêm chủng Covid-19 thấp thứ 2 có tỷ lệ vaccin đã phân bổ thực tế 65,47%, trong khi đó tỷ lệ tiêm chủng phân bổ thực tế là 72% bằng 1.189.506 liều vaccine đã tiêm.

Tại tâm dịch Bình Dương được phân bổ thực tế 2.119.650 liều vaccine (56,72%) nhưng đã tiêm 1.369.200 liều vaccine chỉ bằng 64,6 % tỷ lệ tiêm chủng/ số vaccine phân bổ thực tế.

Các tỉnh tiếp theo có tỷ lệ tiêm thấp tính theo số mũi tiêm/số vaccine phân bổ theo Quyết định gồm: Thái Bình 74,51%); Hà Nội (75,19%); TP Hồ Chí Minh (76,56%); Đà Nẵng (77,39%); Vĩnh Phúc (78,38%); Khánh Hòa (81,86%); Gia Lai (82,87%).

Trong đó 4 tỉnh có số ca nhiễm Covid-19 nhiều nhất và có tỷ lệ tiêm thấp tính theo số mũi tiêm/ số vaccine phân bổ theo Quyết định hiện nay là TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An đã được phân bổ 50,29% số vaccine trong tổng số phân bổ cả nước.

 “TOP” các tỉnh tỷ lệ tiêm thấp nói gì?

Lý giải về vấn đề này đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Long An (CDC Long An) cho biết: Đến ngày 5/9 tỉnh Long An đã tiếp nhận 1.404.400 liều vaccine ngừa Covid-19 và đã tiêm 1.222.806 liều. Trong đó, tỉnh đã tiêm mũi 1: 1.160.197 liều, mũi 2: 62.609 liều.

Liên quan đến thông tin Long An thuộc top 10 địa phương có tỷ lệ tiêm vaccine ngừa Covid-19 thấp nhất (tính theo số mũi tiêm, số vaccine phân bổ theo quy định), đại diện CDC Long An cho rằng: Theo thông tin nhập liệu trên hệ thống tiêm chủng, Long An đứng thứ 3 trong 10 tỉnh có tỷ lệ tiêm vaccine cao nhất. Vì vậy, thông tin đó chưa chính xác (PV- thông tin Long An thuộc địa phương tiêm vacine tiêm thấp).

Ảnh minh họa.
Tổ chức Y tế thế giới đã truyền đi thông điệp đến tất cả người dân: Hãy tiêm bất kỳ loại vaccine có sẵn khi đến lượt. Vaccine giúp bảo vệ bạn và cả những người xung quanh bạn. Vaccine cũng sẽ làm giảm nguy cơ biến thể Delta lan truyền trong cộng đồng và gây ra các biến thể mới.
 

Trong khi đó, Trưởng Tiểu ban truyền thông tỉnh Gia Lai cho biết: Trên Cổng thông tin quản lý tiêm chủng Quốc gia, cách tính tỷ lệ % là tính trên số mũi tiêm thực tế chia cho số liều vaccine có Quyết định phân bổ, nhưng có ghi chú "Tỷ lệ tiêm tại một số tỉnh có thể thấp do chưa nhận đủ vắc xin theo quyết định phân bổ", Gia Lai là tỉnh nằm trong trường hợp chưa nhận đủ vaccine theo quyết định phân bổ như ở ghi chú.

Đến nay, Gia Lai là tỉnh có số vaccine được phân bổ rất ít (0,5% tỷ lệ vaccine trong tổng số phân bổ cả nước; chỉ đạt khoảng 12% dân số trên 18 tuổi của tỉnh), vaccine được cấp chưa đủ nhu cầu tiêm cho số đối tượng ưu tiên theo quy định (số này đã có sẵn danh sách và kế hoạch tiêm) nên khi có vaccine là triển khai ngay. Trong trường hợp đã nhận được vaccine cần có thời gian vận chuyển đến các điểm tiêm ở các huyện, thị xã, thành phố; khi tổ chức tiêm phải đảm bảo giãn cách và tuyệt đối an toàn nên cũng cần có thời gian triển khai. Hiện nay, việc tổng hợp, đồng bộ dữ liệu thực giữa cấp tỉnh với Bộ Y tế cũng có độ trễ, sẽ thay đổi từng ngày; vì thế số liệu giữa địa phương và trung ương có lệch nhau. Tỉnh Gia Lai đang triển khai việc đăng ký tiêm chủng toàn dân, cập nhật sẵn sàng trên hệ thống, từ đó sẵn sàng kế hoạch, lịch tiêm chủng chi tiết để triển khai nhanh nhất khi được phân bổ vaccine.

Ông Phạm Duy Lộc – Giám đốc sở Thông tin và truyền thông tỉnh Khánh Hòa thông tin: Tại tỉnh Khánh Hòa, trong ngày 6/9 có 39.896 liều vaccine phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 278.948 liều, trong đó tiêm  mũi 1 là 248.057 đối tượng, tiêm mũi 2 là 48.347 liều.

So sánh với số liệu trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 tỉnh Khánh Hòa đến ngày 6/9 có 184.734 số liều vaccine đã tiêm chiến 81,86% trong tổng số vaccine phân bổ theo Quyết định.

Ông Phạm Duy Lộc – Giám đốc sở Thông tin và truyền thông tỉnh Khánh Hòa. Ảnh Báo Khánh Hòa.

Được biết trước đó, ngày 1/8/2021 Bộ Y tế có Công văn khẩn số 6198/BYT-DP gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Cục Y tế Bộ Công an; Cục Quân Y Bộ Quốc phòng... Đề nghị báo cáo tiến độ tiếp nhận, phân bổ và tiêm chủng vaccine Covid-19.

Công văn nêu rõ: “Bộ Y tế sẽ chủ động điều chuyển vaccine cho các tỉnh, thành phố, đơn vị khác nếu kết quả tiêm tại các đơn vị, địa phương đạt tỷ lệ thấp đối với từng đợt phân bổ vaccine. Giám đốc Sở Y tế phải chịu trách nhiệm trước Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh; thủ trưởng các đơn vị được giao nhiệm vụ tiêm vaccine chịu trách nhiệm trước thủ trưởng cấp trên trực tiếp về tiến độ tiêm chủng và việc bị điều chuyển vaccine (nếu có)”.

Qua đây, có thể thấy việc chậm trễ tiêm vacine tại các tỉnh/thành phố có nhiều nguyên nhân, từ việc phân bổ vaccine, cho đến vận chuyển, xây dựng phương án, nhân lực để chủ động tiêm vaccine dẫn đến những số liệu kể trên. Chính vì vậy, việc tiêm vaccine trong giai đoạn hiện nay là cấp bách, các tỉnh/thành phố khi được phân bổ vaccine cần chủ động xây dựng phương án tuyên truyền, vận động nhân dân tiêm vaccnie, vì theo như lời Thủ tướng Chính phủ đã nói: "vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất"./.

Xuân Thành - Nguyễn Tâm - Pháp luật Plus

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng: Điều chỉnh cấp và kiểm tra giấy đi đường phù hợp với thực tiễn

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng khẳng định, để việc cấp và kiểm tra giấy đi đường góp phần tích cực thực hiện giãn cách ở vùng 1, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo tiếp thu nghiêm túc, cầu thị để kịp thời điều chỉnh việc cấp và kiểm tra giấy đi đường phù hợp với thực tiễn.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/y-te/cac-tinh-co-ten-trong-danh-sach-tiem-vaccine-thap-phan-bien-gi-d165661.html