Bệnh nhân vẫn rơi vào tình trạng ngộ độc dù cho nồng độ methanol trong máu đã giảm (Ảnh: Bộ Y tế)
Ngộ độc rượu là hiện tượng ngộ độc khi sử dụng quá nhiều đồ uống có chứa chất cồn trong thời gian ngắn. Ngộ độc rượu hiện nay rất phổ biến và thường xuyên xảy ra đặc biệt là đối với những người nghiện rượu.
Đáng lo ngại, các loại rượu công nghiệp thường có chứa methanol nên giá bán rất rẻ. Người bán thường trộn rượu công nghiệp vào rượu gạo để hạ giá bán phù hợp với nhu cầu của người lao động ít tiền.
Khi sử dụng các loại rượu công nghiệp này, người dùng rất dễ bị ngộ độc methanol. Đây là một loại cồn công nghiệp, có công thức hóa học là CH3OH. Methanol được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau như làm sơn, làm dung môi như sơn, dung dịch tẩy rửa, chất chống đông lạnh.
Các sản phẩm có chứa methanol bao gồm chất lỏng rửa kính chắn gió, chất chống đông đường khí, chất tẩy rửa bộ chế hòa khí, chất lỏng máy sao chép, nước hoa, nhiên liệu hâm nóng thức ăn và các loại nhiên liệu khác…
Vì có độc tính cao với cơ thể nên methanol chỉ được sử dụng với một lượng rất nhỏ trong các dung dịch công nghiệp chứ không được dùng làm rượu thực phẩm như ethanol (Được biết đến như là rượu etylic, ancol etylic, rượu ngũ cốc hay cồn).
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: "Về nhận diện, methanol rất giống với rượu ethanol thông thường, thậm chí còn ngọt, dễ uống hơn. Khi mới uống, người uống cũng có cảm giác giống với say rượu nên dễ bị nhầm lẫn. Tuy nhiên, sau uống, bệnh nhân sẽ có biểu hiện mờ mắt, lơ mơ, thở nhanh và thở sâu giống như khó thở do nhiễm toan chuyển hóa, co giật, hôn mê. Khi đến viện, hầu hết các trường hợp này đã tổn thương não, mù mắt và tụt huyết áp, ở trong tình trạng nguy kịch".
Việc phân biệt methanol và rượu hay cồn y tế (thành phần chính là Ethanol) bằng cảm quan bên ngoài là rất khó. Chỉ đến khi xuất hiện các triệu chứng ngộ độc điển hình thì mới khẳng định được việc đã uống phải methanol. Tuy nhiên, các triệu chứng này thường xuất hiện rất muộn.
Cụ thể, sau khi cồn methanol thâm nhập vào cơ thể, phải mất ít nhất 8 tiếng và đa phần là 1-2 ngày sau thì cơ thể mới xuất hiện các triệu chứng rõ rệt của ngộ độc methanol như: Mờ mắt, lơ mơ, lẫn lộn, thở nhanh và thở sâu như bị khó thở, co giật và dần hôn mê.
“Khi các triệu chứng đã biểu hiện rõ như vậy thì đã quá muộn. Bởi lúc này, bệnh nhân đã bị tổn thương mắt dẫn đến mờ mắt và thậm chí là mù mắt vĩnh viễn; não bị hoại tử”, BS Nguyên nhấn mạnh.
Chính vì không được điều trị kịp thời, nên tỷ lệ tử vong của các ca bệnh này là rất cao. Cụ thể, tại Trung tâm Chống độc, tỉ lệ tử vong của bệnh nhân ngộ độc methanol là xấp xỉ 30%. Ở các cơ sở y tế tuyến dưới, con số này thậm chí còn lên đến 50%. Trong trường hợp bệnh nhân được cứu sống thì cũng sẽ chịu những di chứng nặng nề đến hết đời.
Phương Thu - TTTĐ