Cách chống dịch "Made in Việt Nam"

12/04/2020 15:33

Kinhte&Xahoi "Chính phủ Việt Nam đã có những biện pháp sớm để ứng phó với đại dịch COVID-19. Các quan chức bắt đầu chuẩn bị các chiến lược để đối phó với dịch bệnh ngay lập tức sau khi ca đầu tiên xuất hiện ở Trung Quốc" - tác giả Tina Ngo viết...

Bất ngờ với tranh cổ động chống Covid-19 tại Việt Nam

Tờ Guardian bày tỏ ấn tượng về tranh cổ động chống Covid-19 tại Việt Nam với hình ảnh nhân viên y tế đeo khẩu trang, đứng hiên ngang như một người lính, bên cạnh là khẩu hiệu "Ở nhà là yêu nước".

Bức tranh cổ động ra đời trong thời kỳ chống dịch Covid-19

Báo Anh cho biết, đây là một trong những loại hình nghệ thuật xuất hiện ở Việt Nam trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Ngoài ra còn có bài hát rửa tay nổi tiếng và hình ảnh các con tem của nhà nước. Điều đó đã phản ánh tinh thần "thời chiến" trong nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh của người Việt Nam. Nhìn vào tranh cổ động, nhiều người cho rằng đây là sản phẩm của cơ quan truyền thông của Việt Nam. Tuy nhiên, tác giả của áp phích cổ động là nghệ sĩ Lê Đức Hiệp. Ông Hiệp chọn hình thức thể hiện này vì có hiệu ứng truyền thông, cộng hưởng với mọi người để cảnh báo những người không tuân theo quy định.

“Sau khi chính phủ kêu gọi mọi người ở nhà để giúp ngăn chặn Covid-19, tôi truy cập mạng xã hội và thấy nhiều người vẫn tụ tập và đến quán cà phê và nhà hàng. Điều đó thực sự làm tôi quan ngại. Tôi muốn làm một cái gì đó có thể lan truyền, nâng cao nhận thức và truyền cảm hứng cho mọi người để làm điều đúng đắn”, nghệ sĩ Hiệp nói.

Theo Guardian, những thông điệp qua tranh cổ động cùng với hành động sớm của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện các biện pháp truy tìm người tiếp xúc ca nhiễm, giúp Việt Nam tránh được tình cảnh như các nước châu Âu hiện nay.

WHO chỉ ra 3 lý do Việt Nam có được kết quả trong phòng, chống dịch

Chia sẻ trên VTV, TS Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, cho biết, có 3 lý do để Việt Nam đạt được kết quả ấn tượng này.

Thứ nhất, thành công không đến chỉ sau 1 đêm. Trong 10 năm qua, Việt Nam đã đầu tư rất nhiều để nâng cấp năng lực của ngành y tế, hệ thống phòng thí nghiệm, khả năng phản ứng trước các tình huống cụ thể của các bệnh viện.

Thứ hai, Việt Nam đã sớm kích hoạt cơ chế cảnh báo dịch. Ngay khi Trung Quốc mới ghi nhận những ca nhiễm đầu tiên của bệnh viêm phổi lạ vào cuối tháng 12-2019, Việt Nam đã sớm lên kịch bản ứng phó với nguy cơ dịch lây lan từ nước ngoài và lây nhiễm chéo trong cộng đồng.

Yếu tố cuối cùng và quan trọng nhất là cách tiếp cận toàn dân của Chính phủ Việt Nam. Người dân có sự đồng thuận và niềm tin vào quyết sách của Chính phủ. Từ đó, việc giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 của Thủ tướng vừa ban hành được thực hiện tốt.

So sánh phương pháp chống dịch của Việt Nam với thế giới, TS Kidong Park chia sẻ: “Tổ chức Y tế thế giới đánh giá cao phương châm 4 tại chỗ của Việt Nam: Chỉ đạo tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ”.

Phương pháp chống dịch này đã giúp Việt Nam phản ứng nhanh, gắn kết y tế cơ sở với trung ương, giảm thiểu quả tải cho bệnh viện tuyến trung ương và tận dụng tối đa nhân lực, vật lực tại địa phương. “Chúng tôi rất ấn tượng với cách chống dịch "Made in Việt Nam" này và tôi nghĩ nó là bài học rất hay các nước khác nên học hỏi", TS Kidong Park nhìn nhận.

Các biện pháp quyết liệt được Việt Nam sử dụng để phòng, chống dịch bệnh.

Việt Nam nổi lên như một ví dụ về cách ứng phó hiệu quả với đại dịch Covid-19

Trang tin liberationnews.org của Đảng Chủ nghĩa xã hội và Giải phóng (Party for Socialism and Liberation - PSL) của Mỹ cho hay, trong cuộc khủng hoảng đại dịch COVID-19, Việt Nam đã nổi lên như một ví dụ về cách ứng phó hiệu quả với đại dịch COVID-19.

Theo trang tin này, Việt Nam, nơi có chung biên giới với Trung Quốc và cách Vũ Hán - nơi khởi phát đại dịch gần 2.000km, đã vượt qua đại dịch với những kết quả bất ngờ. Số liệu của Bộ Y tế Việt Nam cho thấy, tính tới trưa 8-4, Việt Nam ghi nhận 251 ca COVID-19, với 126 ca hồi phục và chưa có ca tử vong nào.

"Phản ứng của nước này với dịch bệnh đã nhận được sự công nhận quốc tế, trong đó có Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) nhờ mô hình phòng chống dịch bệnh toàn diện, chi phí thấp. Đại diện của WHO tại Việt Nam - Tiến sĩ Ki Dong Park, chứng nhận rằng, chính phủ "đã luôn luôn chủ động và chuẩn bị cho các hành động cần thiết"" - tác giả bài viết "Vì sao Việt Nam không có ca tử vong nào do virus Corona?" nêu rõ.

Liberationnews.org chỉ ra, Việt Nam đã tăng cường các biện pháp chống đại dịch bằng cách triển khai các quy định cách ly xã hội trên toàn quốc, đóng cửa tạm thời các doanh nghiệp không thiết yếu, trong đó có các nhà hàng, trung tâm giải trí và địa điểm du lịch. Các siêu thị và các dịch vụ thiết yếu khác vẫn mở, nhưng được hướng dẫn để bảo vệ sức khỏe khách hàng bằng cách kiểm tra nhiệt độ và cung cấp chất khử trùng tay.

Ngoài ra, trang tin này cũng cho biết, chính phủ Việt Nam cũng đã cảnh báo tránh đổ xô tích trữ và có hành động mạnh với các doanh nghiệp tăng giá. Để đảm bảo an sinh xã hội cho những người lao động bị ảnh hưởng, Việt Nam đã phê duyệt gói hỗ trợ tài chính trị giá 111,55 triệu USD bao gồm tất cả các chi phí cho người lao động trong thời gian cách ly hoặc hồi phục sau khi mắc bệnh.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Khu cách ly ký túc xá Đại học FPT và câu chuyện về những người lính đầy trách nhiệm

Hơn 200 người đã hoàn thành thời gian cách ly, hiện khu cách ly tập trung phòng, chống dịch Covid-19 tại khu ký túc xá Trường Đại học FPT (Khu công nghệ cao Hòa Lạc, huyện Thạch Thất) còn 1.125 công dân. Ở đây, họ nhận được sự đón tiếp và phục vụ chu đáo, đầy tình người và trách nhiệm của những người lính.

Tổ chức 2 chốt kiểm soát cách ly tại Bệnh viện Thận Hà Nội

Ngày 11-4, sau khi UBND quận Đống Đa ra quyết định thiết lập cách ly toàn bộ cơ sở khám, chữa bệnh đối với Bệnh viện Thận Hà Nội (thuộc phường Láng Thượng, quận Đống Đa), các đơn vị chức năng đã triển khai phương án cùng lực lượng bảo đảm an ninh trật tự, kiểm soát người ra vào bệnh viện.

Link bài gốc https://phapluatxahoi.vn/cach-chong-dich-made-in-viet-nam-188318.html