Ảnh minh họa.
Nâng tầm hội nhập quốc tế
Theo TS Lý Hoàng Mai – Viện Kinh tế, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, hội nhập quốc tế là một chủ trương, chiến lược hết sức đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, là một bước chuyển tư duy mang tính đột phá chiến lược, đem lại cho đất nước các điều kiện để phát triển và một vị thế chưa từng có so với giai đoạn trước đây. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã có những nội dung kế thừa và phát triển các nhận thức lý luận về hội nhập quốc tế, nâng tầm hội nhập quốc tế lên mức cao hơn khi nhấn mạnh nội dung chủ động, tích cực, toàn diện, sâu rộng.
Phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 đã đề ra mục tiêu tổng quát: “Chủ động hội nhập quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế”. Nội hàm của yêu cầu chủ động hội nhập và tích cực của Văn kiện Đại hội XIII có bước tiến hơn so với giai đoạn trước khi đặt ra nhiệm vụ phải đạt được hiệu quả để nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế cho công tác đối ngoại. Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, Đảng đã đưa ra quan điểm phát triển về hội nhập lên một tầm cao mới khi khai thác nội dung tích cực, toàn diện, sâu rộng để phục vụ cho mục tiêu xây dựng nền kinh tế tự chủ, đặc biệt là tự chủ về công nghệ nhằm nâng cao năng lực sản xuất quốc gia để cải thiện vị trí của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Qua 35 năm tiến hành đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong hội nhập quốc tế, hội nhập tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế, cải thiện cơ cấu xuất khẩu, cân bằng cán cân thương mại. Điều này cho thấy chủ trương đúng đắn, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước ta. Đánh giá về kết quả trong công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, Văn kiện Đại hội XIII khẳng định: “Hội nhập quốc tế và ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển có những bước tiến quan trọng về chủ trương, chính sách cũng như triển khai trên thực tiễn, cùng với quốc phòng và an ninh đã củng cố môi trường hòa bình, ổn định, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nâng cao vị thế, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế”.
Văn kiện Đại hội XIII đã đề ra mục tiêu hội nhập trong giai đoạn tới của Việt Nam là tiếp tục chủ động hội nhập quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Để đạt được mục tiêu nêu trên, Văn kiện đã đề ra mười nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến hội nhập quốc tế. Trong đó, nhiệm vụ, giải pháp đầu tiên là khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, không để phụ thuộc quá lớn vào một thị trường. Cùng với đó là tích cực đàm phán các hiệp định thương mại song phương và đa phương. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các đại diện thương thương mại, xúc tiến thương mại của Việt Nam tại các quốc gia.
Cải cách mạnh mẽ thể chế
TS Lý Hoàng Mai cho rằng, những nhiệm vụ và giải pháp liên quan đến hội nhập quốc tế mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra là phù hợp với bối cảnh mới của quốc tế và trong nước. Tuy nhiên, để những chủ trương và giải pháp này đi vào cuộc sống, trong giai đoạn tới, Chính phủ cần tiếp tục cải cách mạnh mẽ thể chế theo hướng đồng hành, tạo ra những lợi ích để chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp; đưa doanh nghiệp vươn tầm ra thế giới bằng những thể chế ưu tiên, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới khoa học và công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Cùng với đó, cần xây dựng thể chế hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc nâng cao năng lực tài chính, tiếp cận với các thông tin về Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) trên cả 2 phương diện cơ hội và thách thức. Trong đó chú trọng đến thể chế hỗ trợ doanh nghiệp trong việc nắm bắt cơ hội do CPTPP và EVFTA mang lại.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần xây dựng một lộ trình cụ thể cho từng giai đoạn phát triển nền kinh tế thị trường, giai đoạn đầu tạo lập nền tảng để cho thị trường phát triển trên cơ sở tự do hóa thương mại, giá cả, tài chính; giai đoạn 2 xây dựng các khung khổ pháp lý cho thị trường phát triển dựa trên nền tảng của tự do hóa; giai đoạn 3 xây dựng cơ chế giám sát cho việc thực thi pháp luật.
Minh Ngọc - Pháp luật Plus