Cần có chính sách hỗ trợ địa phương khi thực hiện "4 tại chỗ" trong phòng, chống dịch

07/12/2021 19:36

Kinhte&Xahoi Đại biểu HĐND TP Hà Nội cho rằng cần có những chính sách để hỗ trợ cơ sở trong công tác phòng chống dịch, bởi khi F0 tăng sẽ kéo theo số lượng F1 tăng lên và gây áp lực cho các địa phương.

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3, chiều 7/12,các đai biểu HĐND TP khóa XVI đã thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và kế hoạch năm 2022 của TP; Thực hiện công tác phòng chống dịch COVID-19.

Đại biểu Trần Thế Cương thảo luận tại tổ

Tại thảo luận tổ, đại biểu Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội (tổ Đống Đa) đã chia sẻ về việc để học sinh đi học trở lại. Theo đại biểu, đây là vấn đề còn gặp nhiều khó khăn, phải tham khảo ý kiến nhiều nơi.

Sở GD&ĐT đã tham mưu cho TP lấy huyện Ba Vì làm thí điểm ở khối 9. Đến ngày 22/11, TP lấy thí điểm 18 huyện, thị xã cho học sinh lớp 9 đi học. Đến ngày 6/12, TP mới quyết định học sinh khối lớp 12 của 30 quận, huyện, thị xã đi học theo phương án chia buổi, 50% học trực tiếp, còn lại học trực tuyến. Dù còn một vài ý kiến khác nhau song về cơ bản phụ huynh đồng tình với phương án này

Về việc tiêm vắc xin cho học sinh, đại biểu Cương cho biết hiện nay, mũi 1 đối với học sinh cấp 3 đạt 94,1%; Khối THCS đạt 65,08%. Theo chủ trương của TP và khuyến cáo của ngành Y tế là tiêm đến đâu thì sẽ cho học sinh quay lại trường học đến đó, song trong bối cảnh hiện nay, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn TP diễn biến hết sức phức tạp, nên TP vẫn đang xem xét việc này.

Trao đổi về “4 tại chỗ” trong công tác phòng, chống dịch tại địa phương, đại biểu Trần Đức Hải (tổ Đan Phượng) cho rằng cần có những chính sách để hỗ trợ cơ sở trong công tác phòng chống dịch, bởi khi F0 tăng sẽ kéo theo số lượng F1 tăng lên và gây áp lực cho các địa phương.

Các đại biểu cũng nêu, khi điều trị các F0 ở nhà rất cần lực lượng vận chuyển F0 tại nhà, tổ thông tin liên lạc, đồng thời có cơ chế chính sách đối với lực lượng này để họ tập trung phục vụ cho trạm y tế lưu động.

Liên quan đến vấn đề đầu tư công, đại biểu Nguyễn Văn Thắng (Tổ Chương Mỹ) kiến nghị thành phố đẩy mạnh đầu tư dự án quốc lộ 6 vì dự án này càng chậm trễ thì càng ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đại biểu cũng kiến nghị thành phố đặc biệt quan tâm đến việc sử dụng nước sạch cho người dân nông thôn, vì trên thực tế đây là một vấn đề khó mà hằng năm địa phương không đạt được kế hoạch mà thành phố giao.

Đại biểu Nguyễn Văn Thắng thảo luận tại tổ

Cũng theo đại biểu Thắng, thời gian qua, hệ thống y tế cơ sở đóng góp rất lớn vào công tác phòng, chống dịch cùng với đó là sự vào cuộc trách nhiệm của lực lượng y tế tại địa phương. Vì thế, thành phố cần quan tâm đầu tư hơn nữa cho hệ thống y tế cơ sở, cũng như có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho lực lượng y tế cơ sở để thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Đại biểu Nguyễn Thanh Tùng (tổ Cầu Giấy) đánh giá cao sự nỗ lực của các Sở, ngành khi hoàn thành 16/23 chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2021 dù tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, thành phố cần tính đến các khoản thu ngân sách trong năm 2022. Trong đó, TP cần đẩy mạnh các hoạt động xuất, nhập khẩu để tăng nguồn thu cho ngân sách.

Cơ bản nhất trí với báo cáo của thành phố Hà Nội về tình hình sản xuất nông nghiệp trong thời gian qua, đại biểu Phùng Tân Nhị (tổ Ba Vì) kiến nghị thành phố cần quan tâm chỉ đạo sớm ban hành văn bản hướng dẫn về chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi; Đồng thời chú trọng đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống thủy lợi để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đây là yếu tố quan trọng để thúc đẩy ngành nông nghiệp, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Các đại biểu cũng nêu tình hình rác thải tại các bãi rác thời gian qua trên địa bàn thành phố còn nhiều vấn đề phức tạp, gây ảnh hưởng đến môi trường cũng như an ninh trật tự. Đồng thời cho rằng, hiện nay, công nghệ xử lý rác thải của Hà Nội còn lạc hậu, chủ yếu là chôn lấp. Vì thế, thành phố cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong phân loại rác tại nguồn và xử lý rác thải. Cụ thể, cần có đề án phân loại rác thải toàn thành phố để có thể phân loại và tái chế để bảo đảm vệ sinh môi trường cũng như an toàn cho các bãi rác của thành phố hiện nay.

Theo chương trình kỳ họp thứ ba đã được thông qua, sáng mai (8/12), HĐND TP khóa XVI sẽ thảo luận tại hội trường về tình hình thực hiện Kế hoạch nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 năm 2021 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 năm 2022...

Lãnh đạo UBND TP sẽ tiếp thu, giải trình các ý kiến thảo luận của đại biểu HĐND TP trước khi các đại biểu HĐND TP xem xét, thông qua các Nghị quyết về vấn đề này. 

 Hạnh Nguyên - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Quyết tâm cao nhất để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Sáng 7-12, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp thứ ba, HĐND thành phố khóa XVI. Đồng chí khẳng định, thành phố Hà Nội sẽ phát huy tinh thần và quyết tâm cao nhất để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế trong năm 2022.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/can-co-chinh-sach-ho-tro-dia-phuong-khi-thuc-hien-4-tai-cho-trong-phong-chong-dich-184999.html