Lực lượng chức năng phường Lê Đại Hành (quận Hai Bà Trưng) giải tỏa vi phạm tại “chợ thể dục” trên phố Nguyễn Đình Chiểu (cạnh Công viên Thống Nhất).
Nhếch nhác từ "chợ thể dục"
Đều đặn mỗi sáng, từ 5h đến 7h, chỉ bước chân qua cánh cổng sắt phía phố Nguyên Hồng của Công viên Indira Gandhi, phường Thành Công (quận Ba Đình), người tập thể dục có thể mua được bất kỳ loại rau, củ, hoa quả, đồ ăn sáng, thức ăn tươi sống… Anh Nguyễn Văn Hưng, phường Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm) cho biết, 2 năm nay anh đều đặn chở hai sọt rau đến đây bày bán mỗi sáng và chỉ trong khoảng 1 giờ là bán hết số hàng. Cũng như anh Hưng, 5h30 sáng 15-11, chị Nguyễn Thanh Loan, người bán giò chả, cơm nắm, bánh chưng… đã thoăn thoắt bày hàng ở vỉa hè để phục vụ người đi tập thể dục buổi sáng tại đây. Theo quan sát của phóng viên Báo Hànộimới, sau mỗi buổi chợ, khu vực này có rất nhiều rác và nước thải vì người bán hàng chỉ thu dọn qua loa.
Tại cổng chính và phụ Công viên Thống Nhất (quận Hai Bà Trưng) lâu nay cũng biến thành “chợ thể dục” tự phát. Tại cổng trên tuyến đường Lê Duẩn luôn có hàng chục người bán hàng rong chiếm không gian công cộng. Phía cổng phố Nguyễn Đình Chiểu hiện rõ dấu ấn của họp chợ qua việc cành lá, hoa, rau... vương vãi trên vỉa hè. 7h sáng, nhiều người bán hàng rong vẫn nán lại chờ thêm khách đến mua hàng. Cùng lúc đó, phía cổng đường Đại Cồ Việt, vài ba người dựng xe thồ chứa đầy rau chờ người mua. Chỉ đến khi lượng người tập thể dục về vãn, họ mới di chuyển đi nơi khác.
Tương tự, tại hồ Đền Lừ (quận Hoàng Mai), mỗi sáng sớm cũng có hàng chục xe thồ, người bán hàng rong tranh thủ bày bán đủ các mặt hàng, từ rau, củ, quả, thực phẩm tươi sống đến quần áo, giày dép… Chị Đinh Đức Hạnh, ở phố Nguyễn An Ninh, phường Tương Mai (quận Hoàng Mai) cho biết, từ 6h đến 6h30 sáng, chợ "cóc" tấp nập hơn vì người mua hàng kết thúc buổi tập thể dục quanh hồ. Tình trạng họp chợ trên cũng diễn ra ở đoạn phố Trích Sài (quận Tây Hồ); hồ Thiền Quang, Công viên Tuổi Trẻ (quận Hai Bà Trưng)…
Trách nhiệm thuộc về chính quyền cấp cơ sở
“Chợ thể dục” tự phát tại cổng Công viên Indira Gandhi (phố Nguyên Hồng, quận Ba Đình).
Việc chiếm dụng không gian chung để họp chợ tại nhiều vườn hoa, công viên, hành lang hồ... trên địa bàn thành phố Hà Nội là vi phạm trật tự đô thị và trách nhiệm giải tỏa thuộc chính quyền cấp cơ sở. Tuy nhiên, việc này không được thực hiện thường xuyên, hiệu quả chưa cao. Theo ông Ngô Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch UBND phường Thành Công (quận Ba Đình), do địa phương đất chật, người đông, chợ cũ lại xuống cấp nên người bán hàng rong tụ tập, biến một phần không gian phía bên ngoài Công viên Indira Gandhi thành chợ “cóc”. Trong khi đó, nhiều người dân còn có tâm lý tiện đâu mua đó, trở thành nguồn cầu cho chợ “cóc” tồn tại. Xử lý tình trạng này, thời gian qua, lực lượng chức năng của phường đã thu giữ rất nhiều hàng hóa của người vi phạm, nhưng hầu như không ai đến nộp phạt và lấy lại đồ. “Tiếp thu những phản ánh của Báo Hànộimới, UBND phường sẽ tăng cường lực lượng tiếp tục xử lý người bán hàng rong tại khu vực báo nêu” - ông Ngô Ngọc Lâm khẳng định.
Lý giải về việc tồn tại "chợ thể dục" trên địa bàn phường, Chủ tịch UBND phường Lê Đại Hành (quận Hai Bà Trưng) Nguyễn Thị Hồng Hạnh cho biết, dù lực lượng chức năng phường đã kiểm tra mỗi sáng về việc bán hàng rong trước cổng công viên trên tuyến đường Đại Cồ Việt - Nguyễn Đình Chiểu, nhưng khi lực lượng đi khỏi thì người bán hàng rong lại tụ tập trở lại. Do vậy, để dẹp bỏ chợ “cóc”, sắp tới, phường sẽ bố trí lực lượng cắm chốt mỗi ngày để không còn tình trạng người bán hàng rong tụ tập nữa.
Về giải pháp lâu dài, lãnh đạo nhiều quận cũng khẳng định sẽ kiên quyết xử lý, xóa bỏ các chợ “cóc” để lập lại trật tự đô thị cũng như bảo đảm an toàn thực phẩm cho người dân. Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Hoàng Mai Vũ Quỳnh cho biết, xóa bỏ chợ “cóc”, chợ tạm là việc cần phải làm của các địa phương. Do vậy, giải pháp tối ưu hiện nay là UBND quận chỉ đạo Công an quận, Đội Thanh tra Giao thông - Vận tải quận phối hợp với các phường tăng cường xử lý, ngăn chặn các hành vi của người bán hàng rong dưới mọi hình thức.
Còn theo Trưởng phòng Kinh tế quận Tây Hồ Dương Việt Hùng, bên cạnh sự quyết liệt xử lý vi phạm của lực lượng công an tại các "chợ thể dục", UBND quận cũng tuyên truyền, vận động tiểu thương vào các chợ dân sinh để bán hàng nhằm kiểm soát và quản lý về an toàn thực phẩm, buộc người bán hàng rong tuân thủ quy định về trật tự đô thị...
Như vậy, việc có xóa bỏ được các “chợ thể dục” buổi sáng hay không phụ thuộc rất lớn vào sự kiên quyết của chính quyền cấp cơ sở. Đề nghị lãnh đạo các địa phương có giải pháp hiệu quả để trả lại không gian công cộng cho cộng đồng.
Dung Ngân - Hà Nội mới