Cần mạnh tay với tài xế "ma men" để giao thông an toàn

16/08/2022 20:41

Kinhte&Xahoi Vì sao nhiều người vẫn cố tình lái xe sau khi uống rượu bia dù rất nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra, gây thiệt hại nặng nề về người và của. Nếu không có giải pháp ngăn chặn kịp thời, tai nạn giao thông do các "ma men" lái xe gây ra lại mang đến nỗi đau thương, mất mát cho nhiều gia đình.

Hàng loạt các vụ tai nạn nghiêm trọng liên tiếp xảy ra

Thời gian qua, có nhiều vụ tai nạn giao thông gây hậu quả rất nghiêm trọng mà nguyên nhân xuất phát từ những lái xe không làm chủ tốc độ do uống bia, rượu. Các phương tiện truyền thông đã liên tục cảnh báo, cơ quan chức năng cũng siết chặt hơn việc kiểm tra và xử phạt lái xe vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn nhiều trường hợp bất chấp quy định, cố tình lái xe sau khi uống rượu, bia đòi hỏi cơ quan chức năng cần tiếp tục xử lý nghiêm vi phạm.

Điển hình là vụ việc tài xế ô tô Honda City mang BKS 30H - 758.XX bất ngờ lao vào cây xăng số 111 đường Láng, Hà Nội khiến 8 người bị thương diễn ra tối 12/8.

Lực lượng chức năng xác định mức vi phạm nồng độ cồn của tài xế điều khiển ô tô gây tai nạn tại cây xăng vượt 2,25 lần mức vi phạm tối đa được quy định tại Nghị định 100/NĐ-CP. Tại cơ quan công an, bước đầu tài xế Ngô Công Hán (SN 1987, trú tại Thanh Oai) khai, trước khi gây tai nạn đã uống bia tại 540 đường Láng.

Hiện trường vụ tai nạn tại đường Láng, Hà Nội tối 12/8

Hay như vụ tai nạn cách đó không lâu ở Bắc Giang. Vào đêm 2/6, lái xe Nguyễn Đức Thịnh (phường Ngô Quyền, TP Bắc Giang) quá chén với bạn bè trong buổi tiệc chia tay rồi lái xe Audi trên đường Hoàng Văn Thụ hướng đi Ngô Văn Cảnh.

Khi tới khu vực ngã tư Hùng Vương - Hoàng Văn Thụ, ô tô tông vào xe máy do ông Nguyễn Mạnh Hưng (SN 1974, ở phường Thọ Xương, TP Bắc Giang) cầm lái chở theo vợ và con gái. Vụ tai nạn khiến 3 người trên xe máy tử vong tại chỗ. Cơ quan chức năng kiểm tra lái xe Nguyễn Đức Thịnh có nồng độ cồn trong cơ thể rất cao với 0,604 mg/l khí thở.

Đến tận bây giờ, chắc nhiều người còn rùng mình khi nhớ lại hai vụ tai nạn xảy ra cũng vào đêm khuya khi tài xế Đỗ Xuân Tuyên (49 tuổi) sau khi uống nhiều cốc bia đã lái xe ô tô 7 chỗ tông ngã chị Lê Thu Hà (công nhân Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội) đang làm việc trên đường Láng khiến chị Hà tử vong và nhiều người bị thương, hay vụ lái xe tông 2 phụ nữ trong đường hầm Kim Liên…

Đây chỉ là số ít trong rất nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trong thời gian gần đây mà nguyên nhân từ việc lái xe uống rượu bia, không làm chủ được tốc độ gây ra.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, trung bình mỗi ngày, có khoảng 700 người vi phạm nồng độ cồn khi lái xe. Đây chắc chắn là con số vi phạm bị xử phạt, chưa phải là con số trên thực tế.

Đã đến lúc kiểm soát "ma men" bằng luật hình sự

Trong những ngày này việc cơ quan chức năng đẩy mạnh xử phạt các vi phạm Nghị định 100/2019/NĐ-CP về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông được dư luận rất quan tâm. Lý do là các vụ tai nạn do lái xe uống rượu, bia có dấu hiệu gia tăng và “uy lực” của Nghị định 100 dường như không còn mạnh như khi mới được ban hành.

Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt do Thủ tướng Chính phủ ký ngày 30/12/2019 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020.

Mức phạt quy định tại Nghị định này đã từng khiến nhiều “ma men” phải kiêng dè. Theo Khoản 10, Điều 5 (Xử phạt người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ) thuộc Mục I, Chương II của Nghị định 100 quy định: Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở; không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ.

Trong năm đầu được thực hiện, Nghị định 100/2019/NĐ-CP có tác dụng lớn trong việc kéo giảm số vụ tai nạn giao thông. Theo thống kê, năm 2020 trên cả nước đã xảy ra 14.510 vụ tai nạn giao thông, giảm sâu về cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết và số người bị thương). Đây là năm đầu tiên trong thời gian dài số người bị chết vì tai nạn giao thông ở nước ta giảm xuống dưới 7.000 ca.

Thế nhưng thời gian gần đây, việc thực thi Nghị định này có dấu hiệu trùng xuống. Vì vậy, để tạo chuyển biến về ý thức của người dân khi tham gia giao thông trên địa bàn thành phố, từ nay đến hết năm 2022, Phòng Cảnh sát giao thông đã chỉ đạo các tổ chuyên đề, tổ công tác 141 và các đội Cảnh sát giao thông địa bàn tăng cường tuần tra, kiểm soát khép kín các khung giờ. Đặc biệt, việc xử lý không có "vùng cấm" nhằm mục tiêu góp phần kiềm chế, giảm tai nạn giao thông do vi phạm nồng độ cồn, ma túy.

Theo đó, vào tối 14/8, tổ công tác thuộc Đội CSGT đường bộ số 3 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) đã tiến hành lập biên bản, niêm phong 2 ô tô do tài xế vi phạm nồng độ cồn tại khu vực đường Láng, đồng thời cẩu xe về bãi tạm giữ quy định.

Tổ công tác đã mật phục ghi hình tại khu vực Nhà hàng Beer ZoZo, Vườn Bia Hà Nội, Nắng Biển… trên đường Láng; Đồng thời tiến hành dừng kiểm tra vài chục ô tô hạng sang lưu thông hướng đường Láng về Cầu Giấy (Hà Nội) để kiểm tra nồng độ cồn.

Đáng lưu ý, tổ công tác tiến hành dừng xe ô tô Lexus mang BKS 30A-226.xx. Khi dừng phương tiện, CSGT thông báo kiểm tra nồng độ cồn, tài xế xe Lexus 30A-226.xx giật mình, nhận mình vừa ở quán bia ra. Kết quả, kiểm tra nồng độ cồn của tài Lexus vi phạm 0,682 miligam/1 lít khí thở.

Tiếp đó, tổ công tác tiến hành dừng phương tiện ô tô 51G- 693.xx, do một người đàn ông điều khiển trên xe có cháu nhỏ và một người lớn. Khi CSGT thông báo kiểm tra chuyên đề nồng độ cồn, người điều khiển 51G- 693.xx nói có uống rượu sinh nhật, đã ngủ một giấc ở nhà người quen, giờ tỉnh mới đánh lái xe về.

Kết quả, kiểm tra nồng độ cồn của người điều khiển ô tô 51G- 693.xx là 0,310 miligam/1 lít khí thở. Danh tính người này được làm rõ là Đỗ Mạnh T (ở phường 12, quận 4, TP Hồ Chí Minh) điều khiển.

Theo đại diện tổ công tác, quá trình lập biên bản, lái xe vi phạm nồng độ cồn đưa ra nhiều lý do, nể bạn, lâu ngày không gặp bạn nên vui uống.

Lực lượng chức năng kiểm tra nồng độ cồn tại đường Láng

Trước tình trạng uống rượu bia lái xe gây tai nạn hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, với những “ma men” cầm lái, dù chưa gây hậu quả thì cũng phải phạt nặng, kể cả thu bằng lái, tịch thu phương tiện, thậm chí phạt tù theo Điều 260 Bộ luật Hình sự. Bởi trên thế giới, bên cạnh xử phạt hành chính còn áp dụng nhiều hình phạt nặng khác như: Phạt tù, phạt lao động công ích, ghi nhận vi phạm trên hệ thống quản lý lái xe và phạt nặng ở hành vi tái phạm…

Cụ thể, tại Nhật Bản - quốc gia được đánh giá là một trong những nước có chế tài xử phạt “ma men” khắc nghiệt nhất thế giới, nếu lái xe bị phát hiện có nồng độ cồn từ 0,03 - 0,7999% (tương đương một ly bia), tài xế có thể bị phạt tối đa 4.000 USD (hơn 93 triệu đồng) và 3 năm tù. Từ 0,08% trở lên, bị phạt tối đa 8.800 USD (hơn 205 triệu đồng) và 5 năm tù.

Tại khu vực Đông Nam Á, Thái Lan cũng rất mạnh tay với “ma men” lái xe. Theo luật Thái Lan, kể cả khi tài xế chưa gây ra tai nạn nhưng nếu bị phát hiện trong tình trạng bị ảnh hưởng vì men rượu có thể bị phạt tới 1 năm tù, hoặc phạt tiền từ 5.000 - 20.000 Baht hoặc cả hai. Tài xế còn bị đình chỉ bằng lái trong ít nhất 6 tháng hoặc bị tước giấy phép lái xe. Trong trường hợp lái xe gây thương tật cho người khác sẽ bị phạt tù ít nhất 1 - 5 năm và phạt tiền từ 20.000 - 100.000 Baht, đình chỉ bằng lái trong ít nhất 1 năm hoặc tước giấy phép lái xe.

Đồng tình với ý kiến dư luận, trao đổi với báo chí, TS Trần Hữu Minh, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia kiến nghị cơ quan chức năng với hành vi vi phạm quy định nồng độ cồn ở mức đặc biệt nghiêm trọng, kể cả khi chưa gây hậu quả cũng cần được xem xét xử lý hình sự. Thế nhưng muốn xử phạt thì phải có căn cứ, đúng quy định của pháp luật. Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia kiến nghị các cơ quan chức năng sớm có hướng dẫn khoản 4, Điều 260, Bộ Luật hình sự (khuyến cáo áp dụng với mức nồng độ cồn trong máu cao hơn 240 mg/100 ml máu).

Vì vậy, kiến nghị của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia rất đáng được xem xét và áp dụng, vì với tình trạng uống rượu bia gây tai nạn giao thông hiện nay, rất cần có hình thức chế tài mạnh hơn, để nghiêm trị và đủ sức khiến tài xế phải "run sợ" nếu lái xe sau khi uống rượu bia.

Ánh Dương - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Cần bảo vệ trẻ em trước vấn nạn bạo hành

Chỉ trong thời gian ngắn gần đây, cả nước đã xảy ra nhiều vụ bạo hành trẻ em gây phẫn nộ trong dư luận xã hội. Đáng nói, những đứa trẻ bị bạo hành đều ở độ tuổi rất nhỏ nhưng phải chịu những bạo hành nghiêm trọng về mặt thể xác và tinh thần.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/can-manh-tay-voi-tai-xe-ma-men-de-giao-thong-an-toan-203660.html