Cần “mạnh tay” xử lý nghiêm những người ra đường không có lý do chính đáng

17/08/2021 17:03

Kinhte&Xahoi Dù đang trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội để tận dụng “thời gian vàng” đẩy lùi dịch Covid-19 nhưng trên nhiều tuyến phố lượng người và phương tiện lưu thông vẫn khá đông đúc. Điều này dấy lên những lo ngại về sự lây lan dịch bệnh trong cộng đồng do việc giãn cách chưa được thực hiện triệt để.

Có 1001 lý do… ra đường

Theo lực lượng trực tiếp làm việc tại các chốt kiểm soát thì có 1001 lý do mà những người dân thiếu ý thức đưa ra khi lực lượng chức năng yêu cầu xuất trình giấy tờ để đảm bảo phòng, chống dịch trong thời gian Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội.

Sáng 16/8, dù vẫn đang thực hiện giãn cách xã hội nhưng lượng người và phương tiện lưu thông vẫn khá đông đúc. (Ảnh: Đinh Luyện)

Ghi nhận tại một chốt kiểm soát ở phường Đống Mác quận Hai Bà Trưng - một trong những địa bàn đang tồn tại nhiều ổ dịch, ông H. ra đường không có lý do chính đáng vẫn liên tục nài nỉ xin lực lượng trực chốt để được bỏ qua vi phạm. “Nhà tôi ngay ở Lò Đúc, thôi cho tôi xin. Vì dịch bệnh, tôi cũng không muốn ra đường đâu nhưng nhà tôi có việc quan trọng, thôi cho tôi xin”, lời xin của một người vi phạm.

Tại một chốt kiểm soát trên địa bàn quận Cầu Giấy, tổ kiểm soát đã dừng xe máy do ông T. (trú tại quận Cầu Giấy) điều khiển để kiểm tra. Ông T. cho biết đang trên đường mang bột sắn dây và nước yến sang thăm mẹ ông ở quận Ba Đình. Theo ông T., do thời gian giãn cách kéo dài, ông chưa có dịp về thăm bà cụ và những thứ mang theo là thiết yếu. Tuy nhiên, tổ kiểm soát giải thích, bột sắn dây, nước yến không phải là thực phẩm thiết yếu và việc chăm sóc bà cụ vẫn nên để cho những người đang sống chung nhà bà cụ lo liệu, khi tình hình dịch bệnh tạm ổn thì ông T. có thể sang thăm sau.

 Theo yêu cầu của UBND thành phố Hà Nội, trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, phải triển khai chặt chẽ theo nguyên tắc: Người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình, yêu cầu người dân ai ở đâu thì ở đó, nhằm khống chế dịch bệnh lây lan.
 

Nhiều người khi bị lập biên bản do ra đường trong trường hợp không thật sự cần thiết luôn viện lý do mà theo họ là chính đáng, không ít người sẵn sàng “cãi lý” với lực lượng chức năng. Chị Q.(trú tại quận Tây Hồ) bị tổ kiểm soát lập biên bản vì đi từ quận Tây Hồ sang quận Bắc Từ Liêm để giao gạo. Thời điểm kiểm tra, chị Q. đi xe máy chở theo gạo và cũng không có giấy tờ gì để chứng minh lý do đi đường của mình. “Người mua ở quận Bắc Từ Liêm là khách quen lâu năm của tôi, thường đặt mua rồi kêu tôi chở qua. Do thấy họ đi lại khó khăn với gạo cũng thiết yếu nên tôi mới đi giao”, chị Q. trình bày. “Giãn cách xã hội là phường cách ly với phường, quận cách ly với quận. Nếu khách của chị đi lại khó khăn có thể nhờ đoàn thể địa phương hỗ trợ mua giúp”, thành viên tổ kiểm soát giải thích.

Đây chỉ là một vài ví dụ trong số hàng trăm trường hợp mà lực lượng chức năng tiến hành xử phạt, nhắc nhở mỗi ngày trong thời gian Thành phố thực hiện giãn cách xã hội.

Lực lượng chức năng cần tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường kiểm tra, xử phạt nghiêm với trường ra đường khi không cần thiết.(Ảnh: Phúc Chương)

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh

Anh Phạm Mạnh Dũng (quận Cầu Giấy) cho biết, anh bất ngờ khi thấy lượng người tham gia giao thông mấy ngày gần đây đông hơn những ngày đầu mới thực hiện giãn cách xã hội. “Tôi cũng không hiểu lý do vì sao, có thể mọi người nảy sinh tâm lý chủ quan vì thấy số ca lây nhiễm có chiều hướng giảm nên lại ra đường nhiều hơn chăng?”, anh Phạm Mạnh Dũng băn khoăn.

Có chung nỗi lo lắng, chị Nguyễn Thanh Trà (quận Bắc Từ Liêm) cho biết, thời gian này, số ca dương tính với Covid-19 ở Hà Nội vẫn còn cao, chưa đoán định được những ngày tiếp theo sẽ như thế nào. Việc người dân có tâm lý chủ quan, ý thức chấp hành kém khiến công cuộc phòng, chống dịch của thành phố trở nên khó khăn hơn. “Tôi cảm thấy thực sự lo lắng khi nhìn dòng người lưu thông trên đường đông như vậy, đặc biệt là trên tuyến đường Nguyễn Trãi - Hà Đông. Có vẻ ai cũng nghĩ Covid-19 sẽ chừa mình ra. Đây là thời điểm rất cần ý thức của người dân mỗi khi quyết định ra đường”, chị Nguyễn Thanh Trà chia sẻ.

Theo thông tin mới nhất từ Sở Y tế Hà Nội, tính từ 18h ngày 15/8 đến 18h ngày 16/8 Hà Nội ghi nhân 46 ca bệnh (19 ca ghi nhận tại cộng đồng, 27ca ghi nhận tại khu cách ly). Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021) là 2.248 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.221 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 1.027 ca.

Từ thông tin trên thấy rằng, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn Thành phố hiện vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Chỉ cần vài F0 lang thang trên đường phố tấp nập thì hậu quả sẽ vô cùng khôn lường. Việc bùng phát dịch trên diện rộng là khó tránh khỏi.

Trước tình trạng người dân có tâm lý chủ quan trong phòng, chống dịch Covid-19, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch, đề nghị các lực lượng chức năng tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường kiểm tra, xử phạt nghiêm với trường hợp vi phạm. Đặc biệt, cần kiểm tra gắt gao việc sử dụng giấy đi đường của cơ quan, doanh nghiệp cấp có đúng đối tượng, đối tượng ra đường có đúng mục đích hay không để từ đó kịp thời xử lý nghiêm và kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý đơn vị cấp giấy, tránh tình trạng lợi dụng việc cấp phép để ra đường không rõ lý do vi phạm giãn cách xã hội.

Hà Phong - LĐTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

2.000 thiếu nhi tiếp tục nhận quà từ chương trình “Hà Nội nghĩa tình – Suất quà trao em”

Ngày 17/8, Thành đoàn, Hội đồng Đội thành phố Hà Nội phối hợp với 21 Đoàn Thanh niên, Hội đồng Đội các quận, huyện, thị xã và Đoàn Thanh niên các khu công nghiệp và chế xuất tổ chức trao tặng 2.000 suất quà tới thiếu nhi gia đình công nhân, lao động tự do chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.

link bài gốc https://laodongthudo.vn/can-manh-tay-xu-ly-nghiem-nhung-nguoi-ra-duong-khong-co-ly-do-chinh-dang-128361.html