Cần tăng cường tuyên truyền, tạo sự đồng thuận của các chủ doanh nghiệp

26/08/2022 15:17

Kinhte&Xahoi Sau 10 năm triển khai thực hiện, đến nay, Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã thực sự trở thành “bà đỡ” giúp doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ; Đồng thời đáp ứng yêu cầu công tác xây dựng Đảng và đoàn thể trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước.

Các tổ chức Đảng trong doanh nghiệp hoạt động ổn định

Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 27/2/2012 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể Nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2020-2025”, từ đầu năm 2022 đến nay, các quận, huyện, thị ủy đã có nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp. Nhờ đó, các tổ chức Đảng trong doanh nghiệp hoạt động ổn định.

Lễ công bố Quyết định thành lập Chi bộ Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng và Thương mại Thăng Long (quận Nam Từ Liêm)

Điển hình, tại quận Bắc Từ Liêm, trong 6 tháng đầu năm 2022, quận khảo sát cho thấy có 3 doanh nghiệp đủ điều kiện thành lập tổ chức Đảng và đã hướng dẫn, hoàn thiện hồ sơ đề nghị thành lập tổ chức Đảng với 2 doanh nghiệp (đạt 66,7% chỉ tiêu giao); phát triển được 15 đảng viên mới trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước (đạt 60%)...

Đảng bộ khối Doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước của huyện Thanh Oai được thành lập ngày 13/10/2014 trên cơ sở sáp nhập 11 tổ chức cơ sở Đảng và chi bộ Văn phòng cơ quan Đảng bộ khối. Hiện, Đảng bộ khối của huyện có 25 chi bộ trực thuộc và 192 đảng viên. Chi bộ đảng trong doanh nghiệp được phân công theo lĩnh vực ngành nghề: Sản xuất công nghiệp, xây dựng 16 đơn vị; dịch vụ thương mại 3 đơn vị; trường học 4 đơn vị và sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp 1 đơn vị.

Đảng bộ Khối Doanh nghiệp quận Hà Đông được thành lập năm 2014 gồm 15 chi bộ doanh nghiệp với 174 đảng viên. Đến nay, đã tăng lên 78 chi bộ với 771 đảng viên. Tuy nhiên, trong hai năm 2020-2021 do tác động của dịch COVID-19 nên các doanh nghiệp gặp khó khăn, người lao động tìm kiếm việc làm mới hoặc bị chấm dứt hợp đồng. Vì thế, số chi bộ giải thể trong giai đoạn từ năm 2019 đến nay cũng tăng với tổng số 10 chi bộ.

Trong khi đó, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp huyện Mỹ Đức được thành lập ngày 22/22/2021 với 12 chi bộ và 123 đảng viên. Đến nay, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp của huyện có 13 chi bộ và 132 đảng viên. Dù mới thành lập nhưng Đảng ủy Khối Doanh nghiệp đã nhận thức rõ vị trí, vai trò của sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy trực thuộc đối với việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ đảng và đảng viên.

Là nhân viên Công ty cổ phần Đầu tư phát triển đô thị An Phúc Hưng (quận Hà Đông), chị Nguyễn Thị Mai Hoa mới được kết nạp Đảng sau một thời gian phấn đấu. Chị Hoa chia sẻ: “Tại công ty nơi tôi làm việc đã có chi bộ Đảng nên việc học tập các nghị quyết cũng như sinh hoạt hằng tháng luôn được lãnh đạo đơn vị tạo điều kiện thuận lợi. Là đảng viên, tôi luôn ý thức trách nhiệm của mình, không chỉ hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao mà còn ý thức chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước”.

Theo Bí thư Đảng ủy Khối doanh nghiệp huyện Mỹ Đức Nguyễn Thị Hương, Đảng bộ hiện có 51 tổ chức Đảng với 443 đảng viên. “Chúng tôi luôn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, chia sẻ những khó khăn với doanh nghiệp, từ đó tạo lòng tin, sự đồng thuận của các chủ doanh nghiệp đối với cấp ủy Đảng từ huyện đến cơ sở. Điều quan trọng là có sự đồng hành, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền đối với sự ổn định và phát triển của mỗi doanh nghiệp”, bà Hương chia sẻ.

Quan tâm hơn nữa đến việc phát triển tổ chức Đoàn thanh niên và Công đoàn

Theo Ban Chỉ đạo thành phố thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU, hiện việc phát triển Đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn Thủ đô còn nhiều khó khăn.

Đại diện Liên đoàn Lao động TP Hà Nội trao túi An sinh tặng công nhân có hoàn cảnh khó khăn do dịch COVID-19

Về vấn đề này, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Hoài Đức Trần Văn Nghĩa nêu thực trạng, một số Bí thư Chi bộ không phải chủ doanh nghiệp nên việc triển khai các nhiệm vụ công tác Đảng gắn với nhiệm vụ chính trị của đơn vị còn gặp khó khăn. Việc khảo sát, thành lập mới các chi bộ và phát triển Đảng trong các doanh nghiệp không đơn giản do doanh nghiệp chủ yếu là hộ sản xuất, kinh doanh hoặc doanh nghiệp quy mô nhỏ, siêu nhỏ.

Theo Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo thành phố thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU, thời gian tới, các địa phương cần quan tâm củng cố các tổ chức cơ sở Đảng yếu kém, chú trọng việc sinh hoạt chi bộ trong các doanh nghiệp, qua đó giúp nâng cao chất lượng đảng viên; Đồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi trong sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước có tổ chức Đảng.

Ghi nhận những khó khăn ở các địa phương, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, Trưởng ban Chỉ đạo thành phố thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU yêu cầu các địa phương nâng cao nhận thức hơn nữa về công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể Nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn và triển khai thực chất, hiệu quả với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Các địa phương rà soát lại hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU, trong đó cần phân công, phân nhiệm rõ ràng đối với từng thành viên. Mỗi địa phương cần xác định rõ khó khăn cụ thể là gì, để từ đó có giải pháp khắc phục; bố trí cán bộ có năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ để đáp ứng được yêu cầu công việc.

Các quận, huyện ủy cần chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời tháo gỡ khó khăn cũng như hoạt động nghiệp vụ công tác Đảng; chia sẻ các mô hình, cách làm hay để các chi bộ khác học tập; Tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp có tổ chức Đảng những thông tin, tài liệu sinh hoạt sao cho phù hợp với mô hình hoạt động của doanh nghiệp. Về phía thành phố sẽ tổ chức tập huấn cho các bí thư chi bộ của doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước để qua đó nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng và đảng viên.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, dù thành phố không giao chỉ tiêu kết nạp đảng viên từng năm nhưng các địa phương cần tiếp tục rà soát, tăng cường công tác tuyên truyền để các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước nhận thức được tầm quan trọng của tổ chức Đảng. Về phía các cấp ủy, chính quyền, cần quan tâm hơn nữa đến việc phát triển tổ chức Đoàn thanh niên và Công đoàn trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước nhằm tạo nguồn cho công tác phát triển Đảng. Thành phố sẽ luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi, hỗ trợ lực lượng cộng tác viên của các địa phương tham gia công tác này.

 Diệu Linh - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/can-tang-cuong-tuyen-truyen-tao-su-dong-thuan-cua-cac-chu-doanh-nghiep-204347.html