Hình ảnh trong clip của Thơ Nguyễn.
Lo ngại trẻ nhỏ bị “đầu độc”
Vào ngày 25 và 27/2/2021, TikToker Thơ Nguyễn đã đăng tải 2 đoạn clip Tik Tok thể hiện việc cho búp bê uống nước ngọt để “xin vía học giỏi”.
Ngay lập tức, clip đã khiến cho các bậc phụ huynh, dư luận giận dữ vì TikToker Thơ Nguyễn đang truyền bá việc nuôi KumanThong. Đồng thời họ cũng không hài lòng khi Thơ Nguyễn thực hiện hành động này khiến nhiều bé có thể lầm tưởng chỉ cần cầu khấn là có thể học giỏi, không cần nỗ lực ở bản thân.
Thơ Nguyễn là một trong những YouTuber nổi tiếng trên cộng đồng mạng với các video giải trí dành cho trẻ em với kênh sở hữu hơn 8,7 triệu lượt đăng ký theo dõi. Nhiều phụ huynh lo ngại, với clip trên, Thơ Nguyễn có thể lan truyền mê tín, dị đoan, đầu độc các em nhỏ một cách nhanh chóng.
Trước “bão” dư luận, Thơ Nguyễn đã xin lỗi các phụ huynh, trẻ nhỏ và cộng đồng mạng. Tuy nhiên, dư luận không nguôi giận dữ và mong muốn Thơ Nguyễn phải chịu bị xử lý theo pháp luật. Lo ngại của phụ huynh trước hành xử của Thơ Nguyễn không phải là không có lý khi những năm gần đây, một số giới trẻ nuôi búp bê Kuma Thong như một trào lưu, một cách thể hiện “văn hóa tâm linh” mới.
Về nguồn gốc, KumanThong là một loại thần giám hộ huyền bí theo tín ngưỡng dân gian Thái Lan. Trong tiếng Thái, KumanThong có nghĩa là “cậu bé vàng” hay còn gọi là “Quỷ linh nhi”. KumanThong được tạo ra bằng cách lấy bào thai ra khỏi xác người mẹ, sau đó thầy phù thủy đưa đến nghĩa trang để tiến hành lễ gọi hồn KumanThong.
Đó được coi là hành động mang tính nhân văn, thể hiện tình mẫu tử. Thế nhưng sau đó, ý nghĩa này bị nhiều kẻ xấu thêu dệt biến tướng, cho rằng KumanThong có thể đem lại may mắn, tài lộc hòng lừa gạt người nhẹ dạ, mục đích kiếm tiền bất chính.
Trầm cảm vì KumaThong
Lợi dụng lòng tin của giới trẻ, búp bê KumanThong đang được rao bán đầy rẫy trên mạng xã hội. Việc mua bán “búp bê KumanThong” khá dễ dàng khi hàng chục hội nhóm kín được lập ra trên mạng xã hội chuyên trao đổi, mua bán và chăm sóc “Búp bê KumanThong”.
Những đồn thổi về quyền năng siêu phàm khiến cho “búp bê KumanThong” bị thổi giá từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng tùy vào chất liệu (đồng, gỗ, nhựa, cao su…), kích cỡ và phép xăm (năng lực) của mỗi loại. Nhưng hoàn toàn không có cơ sở khoa học.
Chị L, 35 tuổi (Hà Nội) bủn rủn nhớ lại, con trai chị tên là Q. - học lớp 11, nghe bạn bè đã đi rước một búp bê KumaThong nam về làm “thần hộ mệnh” cho mình. Từ lúc có KumaThong, Q. không thiết học hành, suốt ngày nhốt mình trong phòng với KumanThong chơi cờ bạc online. Vì ngỡ KumanThong giúp mình may mắn, Q. đã lấy cắp tiền của bố mẹ để cờ bạc.
Chỉ một thời gian ngắn, Q. đã “đốt” của bố mẹ hơn 30 triệu đồng. Lúc bố mẹ phát hiện số tiền bị ăn cắp cũng là lúc họ phát hiện con trai mình nuôi KumanThong trong nhà. Nghĩ búp bê – KumanThong “trả thù” vì không được “nuôi” tử tế, Q. liên tục lảm nhảm tự chửi bới, sỉ vả mình. Tinh thần Q. sa sút, trầm cảm tới nỗi bố mẹ phải đưa tới bệnh viện tâm thần kiểm tra, chữa trị.
Tháng 2/2019, tại chung cư G.V, đường Bến Vân Đồn, quận 4, TP Hồ Chí Minh, một cô gái trẻ 24 tuổi được phát hiện rơi từ tầng 17 xuống đất tử vong. Điều đặc biệt là, cái chết bất thường của cô gái này được cho là có liên quan tới việc nạn nhân nuôi búp bê KumanThong trong nhà.
Cụ thể, trong một tin nhắn gửi tới bạn của mình, cô gái trẻ này tự hào khoe: “Con em ngoan hiền lắm, tình cảm. Em may mắn lắm con mới chọn em để nuôi”. Nhưng trong một loạt các tin nhắn khác gửi bạn mình, cô gái trẻ này lại thể hiện sự tuyệt vọng về thế giới này. Thậm chí còn có cảm giác như bị dính vào ma quỷ, bùa ngải.
Nói về vấn đề này, PGS.TS Phạm Ngọc Trung – Giảng viên cao cấp Học viện Báo chí Tuyên truyền - chỉ ra: “Chính niềm tin mù quáng là căn cứ để những người kinh doanh lợi dụng các bạn trẻ. Nếu các bạn có đủ trí tuệ, sự tìm hiểu chắc chắn và đặc biệt là niềm tin về bản thân mình thì các bạn chắc chắn sẽ không bị dính mắc vào những chiêu trò mà người bán tạo dựng ra”.
Thùy Dương - Pháp luật Plus