Cảnh báo lợi dụng tính năng chuyển hướng cuộc gọi để đánh cắp thông tin mã OTP

26/03/2022 10:52

Kinhte&Xahoi Gần đây, xuất hiện hiện tượng tội phạm lợi dụng tính năng chuyển hướng cuộc gọi (Call Forwarding) của nhà mạng để đánh cắp thông tin mã OTP các dịch vụ của khách hàng.

VinaPhone khuyến cáo khách hàng cảnh giác khi sử dụng điện thoại. Nguồn: VinaPhone

Kẻ gian thường giả danh là nhân viên chăm sóc khách hàng của các nhà mạng, ngân hàng, ví điện tử để gọi cho khách hàng hướng dẫn sử dụng dịch vụ, hay giải quyết sự cố bất kỳ và yêu cầu khách hàng có các thao thác xác nhận trên máy điện thoại.

Sau khi khách hàng đồng ý thực hiện theo hướng dẫn, chúng yêu cầu khách hàng thao tác mã lệnh trên bàn phím là **21*số điện thoại kẻ lừa đảo#OK (lệnh theo giao thức USSD). Thực chất đây là tính năng chuyển hướng cuộc gọi cho phép thuê bao di động chuyển hướng cuộc gọi đến một số điện thoại khác.

Khi thực hiện lệnh chuyển cuộc gọi thành công theo hướng dẫn của kẻ lừa đảo, thuê bao khách hàng vẫn có sóng, nhận được tin nhắn (SMS) hay vào mạng bình thường nhưng tất cả các cuộc gọi đến từ thời điểm đó đã được chuyển hướng nhận cuộc gọi đến "số điện thoại kẻ lừa đảo".

Sau khi lừa đảo chiếm quyền nhận cuộc gọi, kẻ gian sẽ đăng nhập ứng dụng ví điện tử, tài khoản mạng xã hội... của nạn nhân và khai báo "quên mật khẩu đăng nhập", chọn tính năng nhận cuộc gọi thông báo mã OTP, do trước đó khách hàng đã bị lừa thực hiện thao tác chuyển cuộc gọi nên các cuộc gọi từ tổng đài ứng dụng sẽ được chuyển hướng đến số điện thoại của kẻ gian. Từ đó chúng dễ dàng chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội, kiểm soát chiếm đoạt tiền trong ví, tài khoản ngân hàng liên kết với ví điện tử.

Vì vậy, để bảo vệ khách hàng hạn chế tối đa thiệt hại do kẻ lừa đảo gây ra, VinaPhone khuyến cáo khách hàng cảnh giác trước các cuộc gọi lừa đảo hướng dẫn thực hiện chuyển cuộc gọi.

VinaPhone khuyến cáo khách hàng cảnh giác khi sử dụng điện thoại. Nguồn: VinaPhone

Theo đó, người dùng cần cảnh giác trước các cuộc gọi lừa đảo, không thao tác thực hiện mã lệnh **21*Số điện thoại# theo hướng dẫn từ các cuộc gọi này.

Khi điện thoại có các dấu hiệu bất thường như không nhận được cuộc gọi đến (có biểu tượng chuyển cuộc gọi ở cạnh logo nhà mạng) khách hàng lập tức thao tác lệnh ##21# để hủy lệnh chuyển cuộc gọi ngoài ý muốn đồng thời liên hệ với VinaPhone qua số tổng đài miễn phí 18001091 để kiểm tra tình trạng của thuê bao và được tư vấn, giải đáp hoặc khuyến nghị cách xử lý.

Ngoài việc lừa đảo chuyển cuộc gọi như trên, có xuất hiện một số trường hợp lừa đảo thay sim 4G miễn phí; trong khi đó, VinaPhone chỉ thực hiện mời thay sim cho khách hàng đang sử dụng phôi sim cũ (phôi sim 2G/3G).

Cách kiểm tra loại phôi sim đang dùng: Soạn tin nhắn sms nội dung "DS4G" gửi đến số 888 hoặc bấm giao thức USSD với câu lệnh *0888#. Đối với các thuê bao đang sử dụng phôi sim 4G, VinaPhone không gọi mời thay sim khác.

Nhân viên VinaPhone sẽ liên hệ và đến trực tiếp tại địa chỉ khách hàng, không thay sim từ xa qua điện thoại hay bất kỳ hình thức trực tuyến nào.

Sau khi nhân viên VinaPhone thực hiện thao tác thay sim xong, khách hàng kiểm tra xác thực lại thuê bao bằng cách thực hiện cuộc gọi đi/đến từ số thuê bao đảm bảo liên lạc thông suốt 2 chiều từ thuê bao của mình.

Trường hợp phát hiện sim điện thoại có các dấu hiệu bất thường, như mất tín hiệu, không nhận được cuộc gọi, tin nhắn... mà không rõ nguyên nhân, người dùng cần khẩn trương liên hệ với VinaPhone qua số tổng đài miễn phí 18001091 để được hỗ trợ kiểm tra tình trạng của thuê bao và được tư vấn, khuyến nghị hướng xử lý kịp thời.

 Thanh Hà - Hà Nội mới 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Khuyến khích người dân dùng định danh điện tử

Ứng dụng định danh và xác thực điện tử đã được sử dụng nhiều trong các giao dịch chứng khoán, ngân hàng, viễn thông và thương mại điện tử. Trong bối cảnh dịch Covid-19 trên thế giới và Việt Nam diễn biến phức tạp dẫn đến yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin từ hoạt động hằng ngày của người dân cũng như công tác quản lý nhà nước thì định danh công dân trên môi trường điện tử đặc biệt cần thiết.

Vì sao mất ngủ hậu COVID-19?

Sau khi bị nhiễm COVID-19, một số người có thể khó ngủ vào ban đêm hoặc thức dậy với cảm giác không sảng khoái.

Nguồn: Hà Nội mới http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Oto-xemay/1027855/canh-bao-loi-dung-tinh-nang-chuyen-huong-cuoc-goi-de-danh-cap-thong-tin-ma-otp