Cảnh báo nguy cơ đột quỵ vào những ngày thời tiết nắng nóng đỉnh điểm và cách phòng tránh

20/05/2023 11:48

Kinhte&Xahoi Thời tiết nắng nóng đỉnh điểm, gây mất nước và dẫn đến nhiều nguy huỷ cho sức khoẻ, đặc biệt nguy cơ đột quỵ có thể xảy ra.

Các chuyên gia cảnh báo, 2023 có thể là năm nóng nhất trong lịch sử do El Nino trở lại. Trong khi đó, nắng nóng càng gay gắt, đặc biệt giai đoạn chuyển mùa cũng là lúc bệnh đột quỵ vào guồng gia tăng.

Thời tiết nắng nóng đỉnh điểm là một trong những nguyên nhân dẫn đến nguy cơ đột quỵ gây nguy hiểm đến tính mạng (Ảnh minh hoạ).

Thời tiết nắng nóng, giao mùa không phải là nguyên nhân chính dẫn đến đột quỵ nhưng lại là yếu tố mật thiết thúc đẩy nguy cơ này xảy ra nhanh hơn, sớm hơn. Khi nhiệt độ tăng cao, cơ thể bài tiết nhiệt, thoát mồ hôi, gây mất nước.

Điều này dẫn tới lưu thông máu kém, tăng huyết áp, tăng nguy cơ bị đột quỵ. Nắng nóng còn khiến hệ tuần hoàn, đặc biệt là tim hoạt động kém, kèm theo sự giãn mạch dễ dẫn đến thiếu máu nuôi não, đặc biệt ở người có tiền sử xơ vữa động mạch, tăng huyết áp.

Song song đó, bia rượu, thuốc lá, với những thói quen xấu mùa nắng nóng như thay đổi nhiệt độ đột ngột từ phòng máy lạnh ra môi trường bên ngoài hoặc ngược lại, tắm ngay sau khi đi nắng về… đều trở thành yếu tố nguy cơ của đột quỵ.

Tại Việt Nam, việc cấp cứu, điều trị đột quỵ đã có nhiều bước tiến vượt bậc, áp dụng nhiều kỹ thuật tiên tiến. Song các chuyên gia đánh giá, so với nước ngoài, dù việc điều trị đột quỵ ở nước ta đã có những thay đổi nhưng chất lượng điều trị cần cải thiện hơn nữa.

Bên cạnh đó,với dân số gần 100 triệu người, cả nước cần khoảng 400 cơ sở điều trị đột quỵ chuyên sâu như khoa hoặc trung tâm điều trị đột quỵ, nhưng thực tế hiện nay mới có 125 cơ sở.

Do vậy, điều tiên quyết là cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa. Lưu ý, khi nhiệt độ ngoài trời cao nên hạn chế ra đường vào lúc nắng gắt, nhất là người lớn tuổi. Khi dùng máy lạnh, nhiệt độ trong và ngoài phòng không được chênh lệch quá 7 độ C.

Ngoài ra, nên mặc quần áo rộng rãi, chất liệu thoáng mát, che chắn, đội mũ, nón rộng vành, sử dụng kem chống nắng, kính râm khi ra ngoài trời. Cần uống đủ 1,5 - 2 lít nước/ngày; hạn chế tham gia các hoạt động ngoài trời hoặc tập luyện quá sức; không uống rượu bia, chất kích thích. Sau khi đi nắng về, nên ngồi nghỉ 15 - 20 phút, sau đó lau người trước cho cơ thể thích ứng với nhiệt độ của nước rồi mới bắt đầu tắm toàn thân.

Song song đó, cần kiểm soát các yếu tố nguy cơ mật thiết với đột quỵ như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, rung nhĩ… bằng cách sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý ngưng hoặc đổi thuốc.

Đồng thời, cần vận động, tập luyện thể thao đều đặn, kết hợp với chế độ dinh dưỡng hợp lý, lành mạnh, sử dụng thêm các sản phẩm phòng ngừa đột quỵ uy tín, có nghiên cứu chứng minh tính hiệu quả, an toàn.

 Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong 2 ngày cuối tuần (20-21/5), ở Bắc Bộ tiếp diễn nắng nóng và nắng nóng gay gắt. Cụ thể, ngày 20, nhiệt độ cao nhất 35-38 độ, có nơi trên 38 độ; ngày 21, mức này tăng mạnh hơn với 36-39 độ, có nơi trên 39 độ. Độ ẩm tương đối thấp nhất 45-60%.

Trong khi đó, khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên vẫn duy trì mức 37-39 độ, có nơi trên 40 độ; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 35-50%. Nắng nóng chủ yếu tập trung vào khung giờ từ 10-18h.

Dự báo, nắng nóng và nắng nóng gay gắt ở những khu vực trên có thể kéo dài tới khoảng ngày 23/5.

Đáng lưu ý, nhiệt độ dự báo trong các bản tin nắng nóng và cảm nhận thực tế ngoài trời có thể chênh lệch từ 2-4 độ, thậm chí có thể cao hơn phụ thuộc vào các điều kiện mặt đệm như bê tông, đường nhựa.

Ngoài ra, khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ tuy vẫn tiếp diễn có nắng và nắng nóng, nhưng xu hướng dịu dần khi chiều tối có mưa giông. 

 Minh Anh - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

ĐANG TRỰC TUYẾN: Đối thoại, nâng cao kiến thức pháp luật lao động và hoạt động Công đoàn

Sáng nay (20/5), Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Công đoàn ngành Công Thương Hà Nội tổ chức buổi Đối thoại, giao lưu trực tuyến với chủ đề “Nâng cao kiến thức pháp luật và hoạt động Công đoàn”. Chương trình đang được truyền trực tuyến trên Báo Lao động Thủ đô điện tử Laodongthudo.vn và các ấn phẩm của Báo Lao động Thủ đô.

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/suc-khoe-doi-song/canh-bao-nguy-co-dot-quy-vao-nhung-ngay-thoi-tiet-nang-nong-dinh-diem-va-cach-phong-tranh-d193881.html