Cảnh báo nguy hiểm khi tự ý điều trị sốt xuất huyết tại nhà

07/09/2022 09:59

Kinhte&Xahoi Tại Miền Bắc vào mùa nắng nóng kèm mưa nhiều là điều kiện thuận lợi để muỗi gây bệnh sốt xuất huyết phát triển. Do đó, ghi nhận tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, số ca sốt xuất huyết đang tăng mạnh.

Phòng chống sốt xuất huyết mùa mưa bão

 Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong tháng 8/2022, cả nước ghi nhận 62.411 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng hơn 12.600 ca so với tháng 7); Trong đó có 25 trường hợp tử vong (tăng 17 ca so với tháng trước).

Số ca nhập viện do sốt xuất huyết tăng hơn so với trước

Các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội những ngày qua cũng tiếp nhận nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết nặng. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang điều trị gần 30 ca sốt xuất huyết, tăng hơn so với đầu tháng 8, trong đó gần 10 ca nặng.

BS Thân Mạnh Hùng, Phó Trưởng khoa cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết hiện đang điều trị cho 4 ca sốt xuất huyết nặng nhập viện trong tuần này. Tuần trước, đã có 1 ca sốt xuất huyết tử vong.

Theo BS Hùng sốt xuất huyết thường trở nặng từ ngày thứ 4, lúc này bệnh nhân bị thoát huyết tương, tăng thấm thành mạch. Nếu có dấu hiệu như chảy máu chân răng, nôn ra máu, đau bụng, bồn chồn, vật vã... cần nhanh chóng đến bệnh viện.

Một trong những yếu tố quan trọng nhất khi bệnh nhân được chẩn đoán sốt xuất huyết Dengue thì cần phải theo dõi rất sát các dấu hiệu sinh tồn cũng như các dấu hiệu cảnh báo có thể xuất hiện trong quá trình bệnh nhân nhiễm bệnh.

Tiến sĩ, bác sĩ Thân Mạnh Hùng, Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết, có trường hợp sau khi xuất hiện triệu chứng sốt cao, đau đầu, bệnh nhân tự điều trị ở nhà 2 ngày không đỡ, kèm thêm các triệu chứng đau đầu, đau mỏi người, nôn nhiều, đặc biệt là bệnh nhân bắt đầu có tình trạng rối loạn ý thức thì gia đình mới đưa bệnh nhân vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Không nên tự ý điều trị tại nhà

 Bác sĩ Hùng khuyến cáo, trong bối cảnh dịch chồng dịch như hiện nay, người dân khi có bất kỳ triệu chứng như sốt, ho, đau mỏi người thì nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán.

Bởi khi có dấu hiệu sốt cao, nhiều bệnh nhân chủ quan cho rằng sốt thông thường nên tự ý dùng thuốc kháng sinh, thuốc hạ sốt, đến khi bệnh trầm trọng thì mới nhập viện điều trị. Điều này hết sức nguy hiểm.

Đặc biệt, nếu mắc sốt xuất huyết, người dân không nên tự truyền nước tại nhà hoặc sử dụng dịch vụ y tế tại nhà mà không có sự kiểm soát chặt chẽ của nhân viên y tế. Bởi không phải bệnh nhân sốt xuất huyết nào cũng cần truyền dịch và được truyền dịch, việc truyền dịch phải được nhân viên y tế chỉ định.

Ảnh minh họa

Tự ý truyền dịch tại nhà, mọi người có thể bị phản vệ ngay với dịch truyền. Trong khi đó, điều kiện cấp cứu tại nhà không thể tốt và đầy đủ như ở các cơ sở y tế, đặc biệt là các hộp chống sốc cũng như các phương tiện cấp cứu khác.

“Không phải bệnh nhân nào cũng cần được truyền dịch. Bởi vì dịch truyền đôi khi làm tăng gánh nặng của tim, gây ra tình trạng nguy hiểm ở nhóm người mắc bệnh tim mạch hay hô hấp. Ngoài ra, khi truyền dịch tại nhà, điều kiện về sát khuẩn như bông băng, cồn có thể không đảm bảo bằng ở các cơ sở y tế, do đó, việc nhiễm khuẩn trong khi thao tác truyền rất dễ xảy ra”, bác sĩ Thân Mạnh Hùng lưu ý.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, không để dịch chồng dịch, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương yêu cầu các đơn vị trong ngành y tế cần nỗ lực hơn nữa trong công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết

Theo đó, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội cần phối hợp chặt chẽ với các trung tâm y tế, chính quyền các quận, huyện đẩy mạnh các hoạt động phòng chống dịch sốt xuất huyết như giám sát véc tơ truyền bệnh sốt xuất huyết, muỗi trưởng thành,

Ngoài ra, trung tâm tăng cường giám sát dịch tễ, đánh giá đúng tình hình dịch, phát hiện sớm ổ dịch và ca bệnh để xử lý kịp thời; Tăng cường công tác tuyên truyền phòng chống sốt xuất huyết.

Bên cạnh đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nộitriển khai các hoạt động cao điểm chủ động phòng chống sốt xuất huyết với các nội dung cụ thể; Thực hiện các chiến dịch vệ sinh môi trường, phun hóa chất diện rộng...; Đồng thời rà soát trang thiết bị, hóa chất, vật tư… đảm bảo đủ trang thiết bị, hóa chất, vật tư phục vụ cho công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết.

Đối với các bệnh viện, trung tâm y tế các quận, huyện trên địa bàn Thủ đô, Sở Y tế chỉ đạo cần tăng cường giám sát véc tơ truyền bệnh sốt xuất huyết, muỗi trưởng thành, thường xuyên tổng vệ sinh môi trường diệt bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi; Thu dung điều trị cho người mắc sốt xuất huyết.

Bên cạnh đó, tăng cường tập huấn cho các cộng tác viên, đội xung kích, cán bộ y tế, chính quyền địa phương; Đẩy mạnh các hoạt động chuyên môn cũng như sự vào cuộc của các cấp chính quyền tại địa phương chung tay vào công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết…

Phương Thu - Ảnh: Bộ Y tế - TTTĐ

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

TP Hồ Chí Minh: Nhiều hoạt động tưởng niệm ngày mất cố Tổng Bí thư Trần Phú

Ngày 6/9, tại TP HCM diễn ra hoạt động dâng hương, dâng hoa kỷ niệm 91 năm ngày mất của cố Tổng Bí thư Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương, nay là Đảng Cộng sản Việt Nam, ngay tại nơi ông trút hơi thở cuối cùng - Khu di tích Nhà giam Bệnh viện Chợ Quán (6/9/1931 - 6/9/2022).

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/canh-bao-nguy-hiem-khi-tu-y-dieu-tri-sot-xuat-huyet-tai-nha-205056.html