Khi có nhu cầu về Việt Nam, công dân cần đăng ký với Đại sứ quán hoặc cơ quan đại diện Việt Nam có thẩm quyền tương đương ở nước sở tại. (Ảnh: minh họa)
Cụ thể, các đối tượng tự xưng là đại diện của Vietnam Airlines gửi các lời mời mua vé bay từ nước ngoài về Việt Nam cho người dân qua email hoặc tin nhắn. Những lời mời này đi kèm các thông tin giả nhưng rất chi tiết để tạo độ tin cậy cho người nhận, như đưa ra đầy đủ số hiệu chuyến bay, hành trình, mức giá, các bước chuyển khoản, xác nhận...
Đồng thời, đối tượng còn lồng ghép các thông tin đánh vào tâm lý nôn nóng của người có nhu cầu như thông báo người nhận là người được chọn trong số hàng nghìn người đăng ký, cần nhanh chóng chuyển tiền vào tài khoản cá nhân của các đối tượng trước khi hết hạn mua vé.
Để bảo vệ quyền lợi của mình, Vietnam Airlines lưu ý người dân không mua vé máy bay về nước từ những đối tượng không rõ danh tính hay các lời đề nghị không rõ nguồn gốc; không chuyển tiền cho các tài khoản đứng tên cá nhân. Khi có nhu cầu về Việt Nam, công dân cần đăng ký với Đại sứ quán hoặc cơ quan đại diện Việt Nam có thẩm quyền tương đương ở nước sở tại để tổng hợp, báo cáo các cơ quan chức năng quyết định.
Công dân trong danh sách về nước sẽ nhận được thông báo từ một nguồn duy nhất là Đại sứ quán Việt Nam hoặc cơ quan đại diện Việt Nam có thẩm quyền tương đương ở nước sở tại. Các cơ quan này nhận thông tin về chuyến bay, giá vé, cách thức thanh toán… từ Vietnam Airlines để thông báo cho công dân bằng email chính thức. Các thông tin nếu do Vietnam Airlines trực tiếp gửi sẽ xuất phát từ địa chỉ email có đuôi @vietnamairlines.com.
Châu Anh