Cảnh giác đột quỵ ở trẻ nhỏ

05/04/2024 15:06

Kinhte&Xahoi Nhiều người thường nghĩ, đột quỵ chỉ xảy ra với người lớn nhưng trên thực tế, trẻ em vẫn có thể mắc căn bệnh này.

Thời gian gần đây, một số bệnh viện đã ghi nhận các trường hợp trẻ nhỏ bị đột quỵ. Điều đáng nói, các triệu chứng đột quỵ ở trẻ thường mơ hồ, không điển hình như ở người lớn nên dễ gây nhầm lẫn, thách thức trong nhận biết để cấp cứu, điều trị kịp thời trong “giờ vàng”.

Các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội hội chẩn từ xa với Bệnh viện Sản nhi tỉnh Phú Thọ cứu chữa thành công một bé trai 7 tuổi bị đột quỵ.

Triệu chứng mơ hồ, dễ bị bỏ qua

Mới đây, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã tiến hành hội chẩn từ xa với Bệnh viện Sản nhi tỉnh Phú Thọ cấp cứu thành công bé trai 7 tuổi (ở huyện Tân Sơn, Phú Thọ) bị đột quỵ não. Trước đó, bé trai này xuất hiện triệu chứng yếu liệt tứ chi theo cơn ngắn, có tình trạng khó nói. Gia đình đã đưa bé tới khám tại trung tâm y tế huyện. Tại đây, trẻ được chỉ định chụp cắt lớp vi tính sọ não, nhưng không phát hiện bất thường nên được yêu cầu theo dõi tại nhà.

Về nhà, trẻ xuất hiện cơn yếu liệt tứ chi dài hơn (khoảng 15-20 phút) kèm theo khó nói, đại tiểu tiện không tự chủ. Tuy nhiên, khi hết cơn yếu liệt, trẻ vận động đi lại và nói chuyện bình thường. Đến tối, trẻ tiếp tục xuất hiện tình trạng yếu liệt tứ chi nhưng kéo dài kèm theo khó thở, khó nói, nên gia đình vội vàng đưa đến Bệnh viện Sản nhi tỉnh Phú Thọ.

Tại đây, kết quả chụp cộng hưởng từ sọ não của trẻ cho thấy, hình ảnh tổn thương phía trước cầu não. Do đây là trường hợp bệnh lý hiếm gặp nên các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực - chống độc (Bệnh viện Sản nhi tỉnh Phú Thọ) đã tiến hành hội chẩn với các chuyên gia Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ đã thống nhất kết luận trẻ bị nhồi máu nhu mô não, cầu não và thân não. Tiếp đến, bệnh nhi được áp dụng phác đồ điều trị chống phù não và thuốc chống đông. Sau 20 ngày điều trị, trẻ đi lại được bình thường, nói rõ, ăn uống tốt, đại tiểu tiện tự chủ, không sốt, không nôn, không đau đầu.

Trước đó, Bệnh viện Nhi trung ương từng cấp cứu một bé gái 8 tuổi (ở tỉnh Phú Thọ) cũng bị đột quỵ. Theo mẹ cháu bé kể lại, bé gái này có tiền sử khỏe mạnh, đi học và sinh hoạt bình thường. Sau khi tắm vào buổi chiều tối xong, bé có biểu hiện không thể tự mặc quần áo và xuất hiện co giật. Ngay lập tức, bé gái được sơ cứu ban đầu tại trung tâm y tế huyện và được chẩn đoán theo dõi nhồi máu não nhân bèo trái, liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên phải không rõ nguyên nhân. Sau đó, bé được chuyển thẳng đến Bệnh viện Nhi trung ương. Nhờ được cấp cứu và can thiệp kịp thời, bé gái đã phục hồi tốt.

Không may mắn như bé gái nói trên, một bệnh nhi 8 tuổi (ở tỉnh Bắc Giang) do đến bệnh viện muộn, quá “giờ vàng” cứu chữa của đột quỵ nên đã phải chịu di chứng nặng nề. Trước khi đến viện hơn 1 tháng, bệnh nhi này có biểu hiện đau đầu, chóng mặt thoáng qua. Thế nhưng, thời điểm đó, do gia đình không biết về bệnh đột quỵ nên không đưa trẻ đến bệnh viện. Vài ngày sau, bé xuất hiện triệu chứng liệt nửa người và hôn mê. Khi được đưa đến bệnh viện thì tình trạng của bé đã nặng.

Thạc sĩ, bác sĩ Lê Chi Viện, Khoa Đột quỵ não (Bệnh viện trung ương Quân đội 108) - người trực tiếp điều trị cho cháu bé này cho biết, do đến cơ sở y tế muộn nên dù cứu được tính mạng nhưng để lại di chứng nặng nề trong vận động và nhận thức. Sau một thời gian được điều trị với một phác đồ toàn diện và tích cực bằng thuốc, phục hồi chức năng, tâm lý trị liệu, dinh dưỡng…, cháu bé đã có dấu hiệu tiến triển tốt hơn nhưng rất khó để có thể trở lại trạng thái bình thường như trước.

Nhận biết bằng cách nào?

Tử vong do đột quỵ chiếm thứ ba sau bệnh tim mạch và ung thư. Theo công bố của Hội Đột quỵ Hoa Kỳ, cứ 10 bệnh nhân bị đột quỵ chỉ có 3 người có thể quay lại công việc trước đó. Ở Việt Nam mỗi năm có trên 200.000 trường hợp đột quỵ và ngày càng trẻ hóa, để lại di chứng rất nặng nề như: Liệt, các rối loạn về nhận thức, giao tiếp, sinh hoạt…

Đặc biệt, có khoảng 20% trong số các ca bệnh này tử vong do phát hiện trễ, điều trị muộn, xử lý không đúng quy trình. Khác với người lớn, đột quỵ ở trẻ đa phần là do bẩm sinh. Chính vì vậy, rất khó phòng, ngừa bệnh lý đột quỵ ở trẻ em.

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hồng Quân, Chủ nhiệm Khoa Nội thần kinh (Bệnh viện trung ương Quân đội 108), nếu như nguyên nhân gây đột quỵ ở người lớn chủ yếu liên quan đến xơ vữa động mạch, rối loạn nhịp tim như rung nhĩ, tăng huyết áp, tiểu đường, thì ở trẻ em, thường liên quan đến các bệnh lý về tim mạch, mạch máu, hay gặp như bệnh lý bóc tách động mạch, dị dạng động mạch, viêm động mạch. Ngoài ra, còn có các bệnh lý về máu, có thể dẫn đến tình trạng tăng đông hoặc giảm đông máu, thậm chí liên quan đến gen… là những nguyên nhân làm gia tăng tình trạng đột quỵ ở trẻ em.

Để nhận biết đột quỵ ở trẻ, các bác sĩ lưu ý, nếu như đột quỵ ở người lớn có các dấu hiệu ban đầu điển hình dễ nhận biết như: Miệng méo, nói ngọng, yếu liệt chân tay... thì ở trẻ em dấu hiệu ban đầu khá mờ nhạt, dễ nhầm lẫn với những bệnh lý thông thường như: Co giật, mất ý thức ngắn, viêm màng não... Do đó, việc phát hiện không dễ dàng và thường bị chậm so với “giờ vàng” điều trị đột quỵ.

Chính vì vậy, khi thấy trẻ có những biểu hiện như: Đau đầu, nôn ói bất thường, lơ mơ, không linh hoạt, co giật, yếu tay chân một bên, khó nói..., phụ huynh cần đưa trẻ đến bệnh viện chuyên khoa để khám, can thiệp và điều trị kịp thời.

 Thu Trang - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tiếp nhận 22 tỷ đồng tri ân người trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ

Sáng 5-4, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tổ chức Lễ tiếp nhận ủng hộ hoạt động tôn vinh, tri ân các anh hùng liệt sĩ, chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến (trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ) trong phạm vi toàn quốc từ Công đoàn Ngân hàng Việt Nam.

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.vn/canh-giac-dot-quy-o-tre-nho-662801.html