Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ có thể bị dừng thu phí từ 10/6/2019

07/06/2019 14:49

Kinhte&Xahoi Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết sẽ yêu cầu Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ dừng thu phí tại trạm thu phí Pháp Vân kể từ ngày 10/6/2019 do chưa đảm bảo các yêu cầu về sao lưu dữ liệu theo quy định.

Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ có lưu lượng xe rất đông, thường bị ùn tắc giao thông ngày lễ, tết.(Hình minh họa)

Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết sẽ yêu cầu Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ dừng thu phí tại trạm thu phí Pháp Vân kể từ ngày 10/6/2019 do chưa đảm bảo các yêu cầu về sao lưu dữ liệu theo quy định.

Theo văn bản báo cáo Bộ GTVT về công tác sao lưu dữ liệu thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ tại các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ Pháp Vân - Cầu Giẽ của Tổng cục Đường bộ Việt Nam ngày 28/11/2018, đoàn kiểm tra của Tổng cục thực hiện kiểm tra công tác sao lưu dữ liệu thu phí tại các trạm thu phí thuộc dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ theo hình thức BOT do Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ quản lý và khai thác. Trên cơ sở kết quả kiểm tra, Tổng cục đã có thông báo yêu cầu Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ phải thực hiện ngay công tác sao lưu dữ liệu thu phí.

Tuy nhiên, ngày 13/5/2019, Cục Quản lý Đường bộ I (Tổng cục Đường bộ) có văn bản báo cáo việc kiểm tra việc sao lưu dữ liệu thu phí tại Trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ Pháp Vân - Cầu Giẽ. Theo báo cáo của Cục Quản lý Đường bộ I, Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ vẫn chưa thực hiện sao lưu dữ liệu thu phí theo yêu cầu.

Thực hiện chức năng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong giai đoạn kinh doanh, khai thác, Tổng cục Đường bộ báo cáo Bộ GTVT phương án xử lý là yêu cầu đơn vị này dừng thu phí kể từ ngày 10/6/2019 cho đến khi Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ thực hiện sao lưu dữ liệu thu phí dịch vụ theo đúng quy định.

Đại diện Tổng cục đường bộ cho biết, cơ quan này sẽ kiểm tra công tác thực hiện của nhà đầu tư, nếu nhà đầu tư đã thực hiện sao lưu theo quy định sẽ không dừng thu phí, nếu không thực hiện trước 10/6 sẽ dừng thu phí theo quy định.

Liên quan đến công tác sao lưu dữ liệu phục vụ hậu kiểm, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã yêu cầu các trạm thu phí định kỳ sao lưu dữ liệu thu phí phục vụ công tác giám sát, hậu kiểm (bao gồm các tập tin cơ sở dữ liệu; các tập tin hình ảnh chụp phương tiện lưu thông qua trạm; các tập tin video liên tục giám sát làn sao lưu dưới dạng tập dữ liệu và lưu giữ tối thiểu 5 năm; các tập tin video giám sát cabin và giám sát cách sao lưu dưới dạng tập dữ liệu và lưu giữ tối thiểu 1 năm).

Trước đó, tại buổi họp về việc thu phí hoàn vốn cho các trạm BOT hồi cuối tháng 3/2019 vừa qua, ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết:  “Thực tế, có một số nhà đầu tư chưa đáp ứng được công tác sao lưu dữ liệu. Trong khi đó, theo quy định tại Thông tư 49/2016, nếu đơn vị thu phí không thực hiện sao lưu dữ liệu thu từ 10-15 ngày sẽ bị trừ 2 ngày thu phí; không sao lưu dữ liệu 16-30 ngày sẽ bị trừ 4 ngày thu phí… Việc sao lưu là trách nhiệm của nhà đầu tư. Đây cũng chính là quyền lợi của nhà đầu tư khi hậu kiểm sau này”.

Trả lời báo điện tử Chính phủ, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cũng cho biết, việc quan trọng nhất hiện nay là lấy lại lòng tin của nhân dân, để người dân tin tưởng. Muốn làm được việc này thì Tổng cục Đường bộ phải phối hợp với nhà đầu tư thực hiện tất cả các giải pháp để minh bạch quá trình thu phí, trong đó có công tác sao lưu dữ liệu. Đây là chỉ đạo chung để thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo quy định của Thông tư 49/2016 của Bộ GTVT.

Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ là tuyến huyết mạch cửa ngõ phía Nam của Hà Nội, có lưu lượng phương tiện rất lớn hàng ngày và thường ùn tắc vào dịp lễ tết. 

 Theo Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Người bệnh có thêm nhiều quyền lợi hơn trong khám, chữa bệnh

Tại cuộc họp ngày 4/6, Bộ Y tế tổ chức gặp mặt báo chí cung cấp thông tin y tế. Bộ cho biết đã xây dựng Thông tư hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập. Hoàn thành việc chuyển chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước trực tiếp cho cơ sở khám chữa bệnh sang hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm y tế.