Cấp thiết xóa lối đi tự mở qua đường sắt, không để người dân đối mặt với “tử thần”

08/02/2023 12:51

Kinhte&Xahoi Liên tiếp các vụ tai nạn đường sắt xảy ra trong những ngày đầu năm 2023 qua địa phận các huyện Thường Tín, Thanh Trì (Hà Nội) đã gióng lên hồi chuông báo động về vấn đề an toàn giao thông đường sắt tại các vị trí lối mở.

3 vụ tai nạn đường sắt liên tiếp xảy ra ngay từ đầu năm 2023

 Mới đây, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) thông tin về vụ việc va chạm giữa tàu hỏa với xe máy tại khu vực đường ngang cầu Văn Điển, thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì (Hà Nội).

Cụ thể, khoảng 22h20 ngày 4/2, tại Km8+050 đường sắt Bắc Nam, khu vực ngõ 268 đường Ngọc Hồi, thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì (Hà Nội), đoàn tàu hỏa đang chạy chậm xin tín hiệu về ga Giáp Bát, bất ngờ xuất hiện xe máy biển kiểm soát 35B1-605.xx đi từ hướng đường Ngọc Hồi rẽ vào.

Hiện trường vụ tai nạn tại khu vực đường ngang cầu Văn Điển, thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì (Hà Nội)

Do trời mưa, đường trơn, người điều khiển xe máy thiếu quan sát đã va chạm với đoàn tàu. Hậu quả, theo quán tính, xe máy bị kéo lê, hất văng về phía đoàn tàu đang chạy cách đường chắn gần 10m. Người điều khiển xe máy đã kịp nhảy ra ngoài thoát nạn trong gang tấc.

Trước đó, ngày 28/1, trên quốc lộ 1 đoạn qua xã Văn Tự (Thường Tín, Hà Nội) xảy ra tai nạn giữa tàu khách SE5 và xe đầu kéo chở sắt, làm một nhân viên gác chắn bị thương, xe đầu kéo và đầu máy HSE5 hư hỏng.

Ngay hôm sau (ngày 29/1), vụ tai nạn thứ 2 xảy ra tại thị trấn Văn Điển (Thanh Trì, Hà Nội) giữa ô tô với tàu khách SE36 đang di chuyển theo hướng Thường Tín - Giáp Bát, khiến một ô tô con bị nát đầu, thanh chắn tự động bị gãy hỏng.

Nguyên nhân ban đầu được xác định do nhân viên cảnh giới địa phương đã không làm tín hiệu cho lái tàu dừng tàu khi xe đầu kéo rơ moóc chở sắt mắc kẹt trên lối đi tự mở. Mặc dù trước khi tàu va, xe đầu kéo mắc kẹt khá lâu trên giao cắt này và các nhân viên cảnh giới tại chỗ đều đã được học bài bản về nghiệp vụ gác đường ngang, cấp chứng chỉ. Thêm vào đó, tại các vị trí lối mở xảy ra tai nạn chưa cắm biển hạn chế nên xe đầu kéo mới đi qua.

Nỗ lực xóa lối đi tự mở

 Tuyến đường sắt Bắc Nam đi qua các phố Lê Duẩn (quận Hai Bà Trưng), Giải Phóng (quận Hoàng Mai), Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì) của TP Hà Nội chỉ khoảng 4 km nhưng có đến cả trăm lối mở lớn nhỏ băng qua đường sắt. Thực tế này rất đáng báo động khi theo rà soát của Cục Đường sắt Việt Nam (Bộ GTVT), có tới 70% số vụ tai nạn đường sắt xảy ra hiện nay tại các vị trí lối mở, còn lại là tại các vị trí giao cắt có gác chắn.

Các lối mở này chủ yếu là do các hộ dân sinh sống dọc tuyến đường sắt tự mở để tiện di chuyển tắt ra đường bộ, không phải đi ra đường gom, đường ngang có cảnh báo, gác chắn của ngành đường sắt. Các lối mở này thường đi vào các ngõ xóm có đông các hộ dân sinh sống nên có đặc điểm chung là dốc về hai bên lên xuống đường sắt, được lát đá và gắn biển báo “chú ý tàu hỏa” tạm bợ, thậm chí trở thành những điểm tập kết rác thải, có nhiều chướng ngại vật che khuất tầm nhìn mỗi khi có tàu đi qua… nên tiềm ẩn nguy cơ tai nạn thường trực. Chưa kể nhiều hộ dân ngay sát đường tàu còn “bàng quang” tổ chức sinh hoạt cuộc sống gia đình ngay các vị trí lối mở, coi như hành lang nhà mình...

Hiện trường vụ tai nạn đường sắt trên quốc lộ 1 đoạn qua xã Văn Tự (Thường Tín, Hà Nội) giữa tàu khách SE5 và xe đầu kéo chở sắt ngày 28/1

Rà soát của Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội cho thấy, TP Hà Nội hiện có 6 tuyến đường sắt đi qua 18 quận, huyện, với tổng chiều dài hơn 162 km gồm: Hà Nội - TP Hồ Chí Minh dài 40,85 km; Yên Viên - Lào Cao dài 37 km; Gia Lâm - Hải Phòng dài 11,61 km; Hà Nội - Đồng Đăng dài 13,6 km; Đông Anh - Quán Triều dài 20,3 km; Bắc Hồng - Văn Điển dài 38,7 km.Toàn thành phố hiện tồn tại 363 lối mở qua đường sắt trên địa bàn 17 quận, huyện, đây là những ''điểm đen'' tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông cao. Bên cạnh đó, Hà Nội vẫn còn 545 vị trí giao cắt giữa đường bộ và đường sắt, trong đó: 182 vị trí đường ngang hợp pháp (78 đường ngang có gác chắn, 77 đường ngang phòng vệ bằng cảnh báo tự động, 27 đường ngang phòng vệ bằng biển báo).

Để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trước đó, UBND TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch số 216/KH-UBND thực hiện Quyết định số 358/QĐ-TTg ngày 10/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) và xử lý dứt điểm lối mở qua đường sắt.

Giai đoạn 2021 - 2025, TP Hà Nội cũng đề ra kế hoạch xây dựng đường gom, hàng rào và các công trình phụ trợ, trong đó, hoàn thành hệ thống đường gom dài gần 16.000 km và xóa bỏ toàn bộ các lối mở còn lại, xóa bỏ vị trí đường sắt chuyên dùng giao cắt với đường sắt quốc gia… Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên kế hoạch chưa hoàn thành.

Thời gian qua, để đảm bảo an toàn giao thông đường sắt tại địa phương, huyện Thường Tín đã phối hợp với đường sắt rào, thu hẹp và xóa lối đi tự mở. Cụ thể, năm 2018 đóng 43 lối, năm 2020 đóng 50 lối, thu hẹp 11 lối, năm 2022 đóng 10 lối... Kế hoạch năm 2023 sẽ tiếp tục khảo sát để thực hiện đóng tiếp.

Thực tế, đường sắt ít xảy ra tai nạn giao thông nhưng mỗi khi tai nạn xảy ra đều để lại hậu quả nghiêm trọng. Do đó, công tác phối hợp giữa Sở GTVT và các quận, huyện nhằm quản lý, đảm bảo ATGT dọc theo các tuyến đường sắt, xóa bỏ các lối mở, điểm giao cắt mất an toàn hiện nay là vấn đề cấp thiết. Bởi nguyên nhân của các vụ tai nạn đường sắt thời gian qua chủ yếu là do người tham gia giao thông không chú ý quan sát và chuyển hướng sai quy định, cũng như hệ thống cảnh báo tàu hỏa vừa thiếu vừa yếu.

Cuối năm 2022, Cục Đường sắt Việt Nam cũng đã làm việc với Ban an toàn giao thông (ATGT) TP Hà Nội và chính quyền các quận, huyện có đường sắt đi qua để tìm hướng xử lý dứt điểm những tồn tại trong công tác đảm bảo ATGT đường sắt trên địa bàn Thủ đô. Qua đó, đề nghị TP Hà Nội sớm có quy hoạch về các giao cắt đường bộ - đường sắt, nhất là các vị trí giao cắt khác mức bằng cầu vượt hoặc hầm chui qua đường sắt, để có phương án, kế hoạch triển khai; Đồng thời, khẩn trương xây dựng kế hoạch quản lý, xóa bỏ các lối mở theo lộ trình tại Quyết định số 358/QĐ-TTg ngày 10/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về đảm bảo trật tự hành lang ATGT và xử lý dứt điểm lối mở qua đường sắt. Theo đó, từ nay đến 2025, Hà Nội cần bố trí hơn 220 tỷ đồng để xóa bỏ hoàn toàn các lối mở này.

Bên cạnh nguồn vốn, để xóa bỏ triệt để các lối tự mở qua đường sắt, thành phố cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân sống cạnh đường sắt đồng thuận triển khai; Đồng thời cần quy định rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp đối với hành lang ATGT đường sắt và phải thực thi nghiêm với những địa phương không hoàn thành nhiệm vụ.

Ánh Dương - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/cap-thiet-xoa-loi-di-tu-mo-qua-duong-sat-khong-de-nguoi-dan-doi-mat-voi-tu-than-216903.html