Chấm dứt tình trạng “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”

25/02/2024 07:58

Kinhte&Xahoi Kết thúc chuỗi ngày nghỉ Tết Nguyên đán, người lao động bắt đầu đi làm từ ngày 15/2 (mùng 6 Tết Âm lịch), phần lớn cơ quan, doanh nghiệp đã hoạt động trở lại. Tuy nhiên, có không ít người vẫn giữ tư tưởng “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” khiến công việc bị giải quyết chậm chạp, trì trệ. Để động viên, khích lệ người lao động, các cơ quan, tổ chức đã có nhiều hoạt động, phần quà tặng đầu năm.

Đừng để tâm lý “còn mùng là còn Tết”

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, bắt đầu một năm mới, người Việt Nam thường giữ tâm lý xả hơi “vui xuân”, “du xuân”, chưa chuẩn bị tinh thần khởi động để vào guồng quay, trở lại với công việc thường ngày. Mọi người dành thời gian đi chúc Tết, thăm hỏi đồng nghiệp, bạn bè, lễ chùa chiền.

Điều này không có gì đáng nói, nếu dư âm của những ngày nghỉ lễ chỉ kéo dài một, hai buổi đầu sau khi đi làm. Nhưng thực tế, tâm lý “còn mùng là còn Tết”, khiến không ít người lao động, học sinh, sinh viên trì hoãn làm việc, học tập cả tuần, thậm chí là một tháng.

Ví dụ như một bộ phận cán bộ, công nhân viên chức nghỉ làm trong giờ hành chính đi chùa, lễ hội; hay những làng nghề đợi hết tháng Giêng mới bắt đầu giải quyết công việc; hoặc có tốp công nhân dứt khoát đợi qua rằm tháng Giêng (tức ngày 15/1 Âm lịch) mới quay trở lại xí nghiệp. Tình trạng này gây ảnh hưởng, làm chậm trễ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tâm lý “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” khiến nhiều công ty, cơ quan, xí nghiệp chậm trễ hoạt động trở lại. (Ảnh minh họa - Nguồn: VietNamNet).

Tâm lý cố “níu kéo” những ngày Tết có lẽ xuất phát từ quan niệm thời xưa, như dân gian có câu “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”. Người Việt Nam trước kia chủ yếu làm nông để sinh sống.

Tết đến, Xuân về là thời gian mọi người nghỉ ngơi, hy vọng một năm mới được mùa màng bội thu, lúa thóc đầy nhà, thư thái, yên bình.

Vì vậy, đầu năm là thời gian mọi người đi chơi xuân, lễ đền chùa, cầu cho năm mới mưa thuận, gió hòa, người nông dân an nhàn, ít gặp thiên tai, bão lũ, mất mùa đói kém.

Báo cáo triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2024 được các tổ chức tài chính quốc tế công bố mới đây đều nhận định kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2024, sau một năm “kiên định” vượt qua các “cơn gió ngược” từ kinh tế thế giới. Đây là một năm cần sự năng động, tích cực làm việc của người lao động.

Giữ theo thói xưa, nếp cũ, nhiều người dân hiện nay vẫn vui xuân, đi lễ tấp nập. Chỉ riêng ba ngày sau khi Lễ hội chùa Hương năm 2024 khai mạc, khu di tích thắng cảnh đã đón khoảng 80.000 người.

Trong ngày 15/2 (mùng 6 Tết), dù người lao động đã đi làm trở lại, nhưng lễ hội vẫn tiếp đón xấp xỉ 30.000 lượt khách đến “du xuân, vãn cảnh”.

Mới gần đây nhất, hình ảnh cung đường đi lên Hà Giang tắc nghẽn xe máy, ô tô du lịch lên xuống tấp nập tại những điểm nổi tiếng như nhà của Pao, dốc Thẩm Mã, cột cờ Lũng Cú,... Cùng việc nhiều nhà nghỉ, khách sạn, homestay “cháy” phòng đến hết tháng 2, cho thấy rất nhiều người dân đang giữ tâm lý “ăn chơi” hậu Tết.

Theo thống kê của Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH,TT&DL), Việt Nam có trên 9.000 lễ hội, đa phần là các lễ hội truyền thống, dân gian và thường được diễn ra vào đầu năm. Thời xưa, là một nước nông nghiệp, việc người nông dân vui xuân, đón lễ hội không ảnh hưởng nhiều đến mùa màng, thóc lúa.

Tuy nhiên, trong thời đại kinh tế thị trường, xã hội, công nghệ phát triển, việc chậm trễ làm ăn, kinh doanh, sản xuất sẽ gây tổn thất rất nhiều cho các cơ quan, doanh nghiệp.

Đặc biệt, sau ảnh hưởng của dịch COVID-19, năm 2024, hứa hẹn là dấu mốc quan trọng cho sự phát triển và phục hồi nền kinh tế của thế giới, trong đó có Việt Nam.

Mặc dù Tết Nguyên đán là một dịp lễ truyền thống quan trọng, để gia đình sum họp, con cháu hiếu kính tổ tiên, ông bà, cha mẹ và giúp người dân thư giãn, nghỉ ngơi sau một năm làm việc, học tập vất vả. Nhưng để kỳ nghỉ Tết trọn vẹn, hạnh phúc cho tất cả các cá nhân và doanh nghiệp, cơ quan, thì việc giữ tâm thế đi làm hứng khởi, chăm chỉ sau Tết cũng vô cùng quan trọng.

Năm nay, số lượng người lao động quay lại làm việc sau Tết đạt tỷ lệ cao. (Ảnh minh họa - Nguồn: Vieclamnhamay)

Vui xuân mới, không quên nhiệm vụ

Năm 2024, dự báo tình hình thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức, tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; gây áp lực lớn đối với công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 15/2/2024 về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương, tập thể, cá nhân liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn phải tập trung ngay vào xử lý công việc, không để chậm trễ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và các hoạt động kinh tế - xã hội, nhất là đối với các công việc bị tồn đọng do nghỉ Tết.

Năm nay, hứa hẹn là thời gian “bận rộn” của Việt Nam có rất nhiều công việc cần giải quyết. Trong Chỉ thị số 06/CT-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho các Bộ trưởng, Chủ tịch các địa phương, yêu cầu rà soát, xác định các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm theo từng tháng, quý để tập trung chỉ đạo, điều hành, có phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả, giải quyết tháo gỡ dứt điểm gắn với tăng cường kiểm tra, đôn đốc, nhất là đối với những nội dung, vấn đề còn vướng mắc, phức tạp, tồn đọng kéo dài, những vấn đề phát sinh...

Thủ tướng yêu cầu triển khai quyết liệt giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ những ngày đầu của năm 2024; coi đây là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm để tạo ra động lực tăng tốc cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm chất lượng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Bên cạnh đó, Thủ tướng chỉ đạo, thúc đẩy tiến độ thi công các công trình hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia như các dự án thành phần thuộc tuyến đường bộ cao tốc,...

Việc cán bộ, công chức bỏ việc, đi lễ hội, du xuân trong giờ hành chính là hành vi trốn tránh trách nhiệm, tự ý trốn việc trong thời gian làm, có thể bị xử phạt tùy theo mức độ nặng nhẹ. Như theo Điều 7 Nghị định 112/2020/NĐ-CP của Chính phủ, cán bộ vi phạm có thể bị áp dụng các hình thức kỷ luật gồm khiển trách, cảnh cáo, cách chức hoặc bãi nhiệm. Đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thì bị áp dụng các hình thức như khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương,...

Ngay từ ngày làm việc đầu tiên của năm 2024, những số liệu cho thấy dấu hiệu tích cực của người lao động sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Theo báo cáo của các cấp Công đoàn Thủ đô, tính đến ngày 15/2/2024 (tức ngày mùng 6 Tết), đã có hơn 80% doanh nghiệp mở xưởng để sản xuất với gần 90% số công nhân lao động trở lại làm việc, đây là số lao động trở lại làm việc tại các doanh nghiệp đã mở cửa sản xuất.

Đến ngày 19/2 (tức mùng 10 Tết), hầu hết các doanh nghiệp tại Hà Nội đã quay trở lại làm việc, tỷ lệ người lao động đi làm trở lại tăng cao.

Còn tại Đồng Nai, ngày 16/2, thông tin từ Liên đoàn lao động tỉnh Đồng Nai cho biết, toàn tỉnh có gần 80% lao động trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2024.

Nguyên do năm nay trên địa bàn Đồng Nai đa số doanh nghiệp sản xuất trở lại sau Tết muộn hơn so với mọi năm. Ngoài ra, ở một số công ty, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, người lao động ở tỉnh đã quay trở lại làm việc trong thời gian sớm hơn để bảo đảm nhu cầu của khách hàng.

Một tin vui, nhiều tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp, công ty không chỉ quay trở lại hoạt động đúng thời hạn, mà còn có nhu cầu tuyển dụng thêm lao động.

Như một số nhà máy, công ty ở tỉnh Bắc Giang đang cần sự phối hợp của cấp chính quyền, tuyên truyền, vận động những người lao động có trình độ về “đầu quân” làm việc trong thời gian sắp tới.

Để người lao động hứng khởi lao động, việc chăm lo đời sống tinh thần, các tổ chức, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang tạo khí thế hăng say sản xuất và được mọi người tích cực hưởng ứng.

Cụ thể, trước kỳ nghỉ lễ có rất nhiều công ty, xí nghiệp ra các thông báo, động viên, lên “giây cót” cho người lao động bằng những phần quà cuối năm, lì xì, chuyến xe công đoàn với tấm vé hai chiều,... Đầu năm mới, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tại các địa phương, cũng có những cách riêng để chào đón người lao động quay trở lại làm việc.

Một số công ty phát phong bao lì xì, tổ chức động viên, thăm hỏi, chúc Tết vào ngày đầu tiên đi làm trở lại. Có công ty lại thực hiện bốc thăm may mắn với phần quà hấp dẫn bằng vàng, tiền mặt, vật phẩm hữu dụng.

Như một công ty ở tỉnh Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, tặng 50 chỉ vàng 9999 cho những công nhân may mắn. Các hoạt động này đã tạo ra không khí phấn khởi, vui tươi, ấm cúng để người lao động bắt đầu công việc, đồng thời họ cũng hy vọng năm mới công ty có nhiều đơn hàng để được tăng ca, có thêm thu nhập.

 Hương Ngọc - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/xa-hoi/cham-dut-tinh-trang-thang-gieng-la-thang-an-choi-d204669.html