Chấn chỉnh việc liên danh, liên kết ở các cơ sở y tế công lập

06/10/2020 16:59

Kinhte&Xahoi Sau một loạt vụ việc lợi dụng chủ trương liên kết, liên doanh để cấu kết thổi giá thiết bị để trục lợi từ người bệnh tại một số bệnh viện bị cơ quan điều tra phát hiện, xử lý gây bức xúc dư luận, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long vừa có chỉ thị gửi Sở y tế các địa phương yêu cầu chấn chỉnh công tác liên danh, liên kết trong các cơ sở y tế công lập.

Vụ “thổi” giá thiết bị nhiều tỉ đồng tại Bệnh viện Bạch Mai gây bức xúc trong dư luận.

Theo Chỉ thị số 22/CT-BYT ban hành ngày 1/10/2020 trong thời gian qua, nhiều cơ sở y tế đã thực hiện xã hội hóa theo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm huy động các nguồn lực tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao năng lực cung cấp, chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. 

Bộ này nhận định, việc liên doanh, liên kết trang thiết bị đã từng bước đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng tăng và đa dạng của các tầng lớp nhân dân; làm thay đổi nhận thức của các đơn vị trong việc đầu tư trang thiết bị, không chỉ trông chờ ngân sách để có trang thiết bị đáp ứng nhu cầu chẩn đoán, điều trị, phát triển các kỹ thuật cao, kỹ thuật mới, góp phần nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị tại đơn vị, người dân được thụ hưởng dịch vụ ngay tại địa bàn, hạn chế chuyển tuyến trên và đi nước ngoài khám, chữa bệnh. 

Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, việc liên kết, liên doanh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế mà cơ quan thanh tra, kiểm toán, cơ quan bảo vệ pháp luật đã nêu ra như: Một số đơn vị chưa làm đúng quy định, quy trình trong việc xây dựng và thực hiện các đề án liên doanh, liên kết; chưa thực hiện công khai, dân chủ; đặc biệt việc xác định giá trị tài sản đưa vào liên doanh, liên kết chưa đủ cơ sở; chưa xây dựng cơ cấu giá dịch vụ theo quy định, chưa công khai để người dân biết để lựa chọn. 

Để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những tồn tại và xử lý nghiêm các sai phạm trong liên kết, liên doanh, liên kết trang thiết bị y tế, Bộ Y tế đề nghị Giám đốc Sở Y tế các địa phương, cơ quan quản lý y tế Bộ, ngành tăng cường công tác thanh, kiểm tra công tác xã hội hóa, việc liên doanh, liên kết để kịp thời phát hiện các bất hợp lý, tồn tại, phòng ngừa sai phạm có thể xảy ra; khắc phục ngay các hạn chế, thiếu sót, vi phạm mà các cơ quan quản lý, cơ quan thanh tra, kiểm toán đã phát hiện chỉ ra và phải xử lý nghiêm các vi phạm. 

Bộ Y tế yêu cầu tập trung rà soát các đề án liên doanh, liên kết đang thực hiện, kể cả các đề án đã triển khai trước thời điểm Luật Quản lý sử dụng tài sản công năm 2017 có hiệu lực, trong đó cần lưu ý các nội dung như: Rà soát các trang thiết bị đã đưa vào liên doanh, liên kết. Trường hợp phát hiện trang thiết bị y tế không rõ ràng về nguồn gốc, xuất xứ phải dừng ngay hợp đồng với phía đối tác, báo cáo cấp có thẩm quyền và đề xuất giải pháp giải quyết. Phải thực hiện rà soát lại giá của các trang thiết bị y tế đã đưa vào liên doanh, liên kết, trường hợp phát hiện giá không phù hợp phải xem xét điều chỉnh ngay hợp đồng, phương án tài chính của đề án và mức giá của dịch vụ; 

Đồng thời, rà soát phương án chi phí, mức thu, thời gian thu hồi vốn của các nhà đầu tư. Trường hợp thời gian thu hồi vốn nhanh hơn so với hợp đồng đã ký phải kịp thời điều chỉnh lại thời gian, rà soát tỷ lệ phân chia hoặc giảm giá dịch vụ cho phù hợp để bảo đảm quyền lợi cho người bệnh. Trường hợp các tài sản đã kết thúc thời hạn liên doanh, liên kết theo đề án và hợp đồng đã ký kết phải thực hiện xử lý tài sản theo quy định của Luật quản lý sử dụng tài sản công. Trường hợp phát hiện có sai phạm phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.  

Bên cạnh đó, Bộ quản lý nhà nước về y tế cũng yêu cầu tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý tài sản công trong quá trình xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các đề án thuê tài sản, sử dụng tài sản công vào mục đích liên doanh, liên kết, trong đó lưu ý cần phải căn cứ vào quy định của pháp luật hiện hành về các trường hợp được thuê tài sản, sử dụng tài sản công vào mục đích liên doanh, liên kết để đề xuất chủ trương và xây dựng nội dung đề án.

Phải công khai, minh bạch, khách quan việc lựa chọn đối tác và nhà đầu tư theo quy định tại khoản 3 Điều 47 của Luật Quản lý sử dụng tài sản công năm 2017; Các đơn vị phải theo dõi, hạch toán riêng doanh thu, chi phí và phản ánh vào báo cáo tài chính hàng năm của đơn vị, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với ngân sách nhà nước. Thực hiện việc quản lý chặt chẽ các khoản thu, chi từ nguồn thu từ các Đề án xã hội hóa trên nguyên tắc công khai, minh bạch và đúng quy định; Tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác xã hội hóa trong y tế để kịp thời phát hiện các bất hợp lý, tồn tại, phòng ngừa sai phạm có thể xảy ra; kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét xử lý nếu có sai phạm. 

Bộ Y tế nghiêm cấm các hành vi để ngoài sổ kế toán, báo cáo tài chính các khoản thu, chi từ nguồn xã hội hóa, gian lận trốn thuế, thông đồng với nhà đầu tư để nâng khống giá, thu các khoản thu ngoài giá thu đã công khai ảnh hưởng đến quyền lợi người bệnh. 

 Gia Khánh  - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Bí mật của con

Trong nhiều sự việc không hay xảy ra cho những đứa trẻ, đến khi sự đã rồi, người ta mới giật mình, đáng ra mọi thứ sẽ không tồi tệ đến thế, nếu các bậc phụ huynh sớm biết được những gì xảy đến với con cái mình.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/chan-chinh-viec-lien-danh-lien-ket-o-cac-co-so-y-te-cong-lap-d137023.html