Chàng bác sĩ 9X, hai lần đến tuyến đầu

16/02/2021 07:03

Kinhte&Xahoi "Ở đâu cần, là thầy thuốc chúng tôi có mặt" - Th.S.BS Vương Xuân Toàn nói.

Làn da trắng như con gái, nụ cười luôn tươi trên môi, chàng bác sĩ thuộc thế hệ 9X của Khoa Hồi sức tích cực, BV Bạch Mai đã hai lần xung phong vào tuyến đầu chống dịch. "Ở đâu cần, là thầy thuốc chúng tôi có mặt" - Th.S.BS Vương Xuân Toàn nói.

Đây là lần thứ 2 tôi được gặp BS Vương Xuân Toàn. Và cả 2 lần, gặp ở nơi cả 2 đều không ai muốn. Lần gặp đầu tiên ở Đà Nẵng khi dịch COVID-19 đang ở thời kỳ căng thẳng nhất.

"Chúng tôi yên tâm vì luôn có các thầy"

Nghe tiếng nói sang sảng của anh qua máy bộ đàm từ phòng điều trị hồi sức tịch cực (ICU) của Bệnh viện Dã chiến Hòa Vang báo cáo với Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn về tình hình bệnh nhân, hình dung của tôi về chàng bác sĩ này già dặn lắm. 

         Th.S. BS Vương Xuân Toàn khi chống dịch tại Đà Nẵng

Gặp ở ngoài đời, cởi bỏ đồ bảo hộ của phòng Hồi sức tích cực điều trị bệnh nhân COVID-19, là chàng trai dễ mến, ưa nhìn.

2 tháng "chiến đấu" với COVID-19 trong tâm dịch Đà Nẵng để lại nhiều bài học và kinh nghiệm quý giá. Vì vậy, khi được lựa chọn đến Hải Dương đợt dịch lần này, chàng bác sĩ trẻ không ngại ngần xếp quần áo vào ba lô lên đường. 

Dịch ở bùng phát ở Đà Nẵng và Hải Dương đều rất nhanh. Tuy nhiên, tại Đà Nẵng virus lan nhanh trong bệnh viện, đặc biệt trong Khoa thận nhân tạo và Khoa Cấp cứu. bệnh nhân tử vong trong đợt dịch đó đa phần đều mắc suy thận mạn và những bệnh nhân có bệnh lý nền nặng, tiên lượng xấu ngay từ đầu.

Còn ở “chiến trường” Hải Dương, bác sĩ Toàn cho rằng điều may mắn là tại ổ dịch Poyun đa phần những công nhân thể chất đều khỏe. Ít bệnh lý nền, sức đề kháng tốt, khả năng diễn biến nặng thấp hơn so với Đà Nẵng.

Ngay sau khi tiếp nhận các ca nặng vào đêm 6/2, bác sĩ Toàn cơ bản tiên lượng của các bệnh nhân đều tốt bởi đây đều là đối tượng tuổi không quá cao.

BS Vương Xuân Toàn động viên người bệnh

Ngoài ra, việc phát hiện nhanh giúp các bệnh nhân được điều trị và tiếp cận với phác đồ sớm. “Tôi tiên lượng những bệnh nhân này khả quan hơn so với những bệnh nhân tôi đã điều trị tại Đà Nẵng” – bác sĩ Toàn nhận định.

Bên cạnh chúng tôi luôn có các thầy. Giám đốc bệnh viện luôn trực tiếp đến động viên và có chỉ đạo trực tiếp. Ngoài ra, còn nhiều thầy thuốc giỏi nhất cả nước, lãnh đạo Bộ Y tế luôn sẵn sàng hội chẩn từ xa qua truyền hình trực tuyến. Giúp chúng tôi thêm vững vàng.

Đêm 29 Tết, vừa qua, một bệnh nhân COVID-19 được đưa đến bệnh viện trong tình trạng suy hô hấp nặng, tim đập nhanh, huyết áp cao, khó thở và toàn thân tím tái.

Khám nhanh bệnh nhân, bác sĩ Toàn phát hiện bệnh nhân có triệu chứng giảm ô xy máu thầm lặng, khiến diễn biến bệnh trở nặng nhanh hơn.

Ngay lập tức, anh cùng các đồng nghiệp trong tua trực, cho bệnh nhân thở máy. Sau khi bệnh nhân đã có đáp ứng với máy thở, ê-kíp nhanh chóng xin hội chẩn của các chuyên gia đầu ngành.

Các thầy chỉ định dùng tất cả các trang thiết bị vật tư có tại Bệnh viện dã chiến 2 để điều trị cho bệnh nhân.

Ngay trong đêm, ê-kíp đã tiến hành lọc máu liên tục cho bệnh nhân để loại bỏ bớt các chất độc trong máu đồng thời tăng cường thêm thầy thuốc để theo sát diễn tiến bệnh nhân.

“Tôi đang điều trị theo những khuyến cáo của Bộ Y tế nhưng diễn biến người bệnh bất ngờ thay đổi  nhanh. Buổi sáng bệnh nhân chỉ có biểu hiện khó thở nhưng đến chiều chỉ số oxy trong máu trung bình chỉ còn 60% so với 95% của người bình thường. Đây là con số vô cùng thấp. Tôi và ê-kíp đã thức trắng đêm. Sau 6 giờ cấp cứu, bệnh nhân đã vượt qua cơn nguy kịch, dần ổn định và đáp ứng tốt phác đồ điều trị”.

Hết dịch ta lại về với Mẹ

"Hết dịch ta lại về Mẹ của ta"

Chàng bác sĩ trẻ quê huyện Tứ Kỳ. Nhà anh chỉ cách Bệnh viện Dã chiến số 2, 15 km. Gần lắm! Nếu không có COVID, không vướng bận những ca trực, chỉ 30 phút, tôi có thể sà vào lòng mẹ. "Đòi mẹ nấu những món ăn mình thích" - BS Toàn ngậm ngùi.

Qua điện thoại, bố mẹ Toàn cũng biết anh đang chống dịch ngay tại quê hương. Tự hào lắm, khi đứa con út đã trưởng thành, chung tay cùng cả nước đẩy lùi dịch bệnh.

Anh động viên rằng, bố mẹ an tâm, con đi chống dịch, quê hương Hải Dương sớm trở lại yên bình. Chiến thắng rồi, con lại về với bố mẹ thân yêu.

4 bệnh nhân nặng đang điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 2 đã bước vào giai đoạn "đỉnh điểm" của bệnh. "Hy vọng những bệnh nhân này tiếp tục đáp ứng tốt phác đồ điều trị. Thời gian, tới diễn biến theo hướng tốt hơn để họ có thể ra viện."

"Nàng Xuân" đem lại tiết trời của Hải Dương những ngày này thật đẹp. Nắng vàng nhẹ đậu trên những cành đảo đỏ thắm. "Thầy thuốc chúng tôi chỉ vui với Tết khi đã sạch bóng cô-vy", bác sĩ Toàn quả quyết.

Anh Văn (từ Hải Dương)  -  Theo Sức Khỏe Đời Sống

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

19 người tử vong vì tai nạn giao thông trong ngày mùng 4 Tết

Ngày 15-2, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) thông tin, trong ngày mùng 4 Tết Tân Sửu, cả nước xảy ra 31 vụ tai nạn giao thông, làm chết 19 người, bị thương 24 người. Đường sắt và đường thủy nội địa không xảy ra sự cố. So với cùng kỳ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, giảm 5 vụ, giảm 1 người chết, giảm 18 người bị thương.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/giao-duc-suc-khoe/chang-bac-si-9x-hai-lan-den-tuyen-dau-d148634.html