Danh sách 100.000 nhà khoa học hàng đầu thế giới do nhóm tác giả từ ĐH Stanford (Mỹ) công bố trên tạp chí PloS Biology, được lọc ra trên cơ sở dữ liệu của Scopus trong khoảng thời gian từ năm 1960 đến 2017 của gần 7 triệu tác giả.
Đáng lưu ý là trong bảng xếp hạng này có hơn 40 nhà khoa học Việt Nam, chủ yếu là các giáo sư gốc Việt đang làm việc tại các trường đại học danh tiếng trên thế giới.
Một số rất ít các nhà khoa học trong nước có tên trong danh sách này, tiêu biểu là PGS.TS Trần Xuân Bách (ĐH Y Hà Nội) - chuyên gia nghiên cứu về y tế cộng đồng; GS.TSKH Nguyễn Đình Đức (Đại học Quốc gia Hà Nội) - chuyên gia về cơ học, vật liệu và kết cấu tiên tiến; PGS.TS Nguyễn Thời Trung, Viện trưởng Viện khoa học tính toán của Đại học Tôn Đức Thắng.
Qua đó có thể thấy, Việt Nam chúng ta không thiếu người tài, và những nhà khoa học người Việt dù họ có ở bất cứ đâu, cống hiến trong lĩnh vực nào… cũng đều có thể làm rạng danh nước nhà.
Tuy nhiên, việc 40 nhà khoa học người Việt góp mặt trong danh sách 100.000 người, nếu tính tỷ lệ thì vẫn khiêm tốn lắm bởi với khoảng 200 quốc gia trên thế giới thì bình quân mỗi nước cũng có khoảng 500 người và đáng nói hơn nữa, phần lớn trong số các nhà khoa học Việt lại sống ở nước ngoài. Điều này phản ánh rõ nét tình trạng “chảy máu chất xám” đang diễn ra, hơn nữa, đây lại còn là những nhân tài “chất lượng cao”.
Dù như đã đề cập ở trên, trong “thế giới phẳng” hiện nay, nếu muốn cống hiến nhiều hơn cho đất nước, các nhà khoa học hoàn toàn có điều kiện. Nhưng nói gì thì nói, thiếu hụt sự cống hiến trực tiếp của những nhà khoa học hàng đầu ngay tại quê hương vẫn là điều thiệt thòi cho đất nước.
Trong số những nhà khoa học người Việt thành danh ở nước ngoài kể trên có GS Trương Nguyện Thành. Phải chứng kiến chặng đường trở về của ông Thành, từ Mỹ về Việt Nam làm Hiệu phó ĐH Hoa Sen, rồi bất đắc dĩ chọn quay trở lại Mỹ, và tiếp tục trở về lần nữa làm Hiệu phó tại ĐH Văn Lang vì nặng tình với đất nước, với nền giáo dục nước nhà, mới thấy khát khao được cống hiến của nhà khoa học này mãnh liệt như thế nào.
Bên cạnh những phương pháp giáo dục mới, tạo ra môi trường giáo dục hiện đại, với mối quan hệ rộng rãi trong giới học thuật quốc tế, ông Trương Nguyện Thành còn có thể mời các giáo sư nước ngoài về Việt Nam giảng dạy cho sinh viên. Đó là những điều thiết thực nhất mà chúng ta có thể chứng kiến.
Tuy nhiên, không nhiều người có đủ kiên nhẫn và nhiệt huyết như GS Thành - chúng ta buộc phải thừa nhận thực tế đó. Câu hỏi đặt ra là vì sao rất nhiều nhân tài trưởng thành ở trong nước, đi du học, tu nghiệp ở nước ngoài rồi không trở lại? Vì sao có những người muốn trở lại nhưng vì lý do này lý do khác lại ra đi, lại có những người muốn được cống hiến nhưng “ngại” hay “không đủ điều kiện”? Chẳng lẽ đất nước chỉ mãi là “cái nôi”, là nơi “ươm mầm” tài năng thôi?
Cách đây ít hôm, khi quán quân Đường lên đỉnh Olympia Trần Thế Trung nói lên nguyện vọng “sau khi nhận học bổng sang Úc học tập, em sẽ trở về”, không ít người đã tỏ ra hoài nghi. Sự hoài nghi đó có cơ sở bởi “ra đi rồi không trở lại” đã là một tiền lệ không lạ của nhiều tài năng Việt Nam.
Có thể, lý do xuất phát từ việc trong nước không có đủ điều kiện về phương tiện cũng như kinh phí để phục vụ nghiên cứu, nhưng còn một nguyên nhân sâu xa là môi trường phát triển, cơ chế khuyến khích, sự ưu đãi nhân tài ở ta còn hạn chế.
Một khi dân gian còn câu “nhất hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ, bốn đồ đệ, năm trí tuệ” thì nỗi đau “chảy máu chất xám” sẽ vẫn còn nhức nhối.