Cụ thể, tại điểm đo Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc (số 556 Nguyễn Văn Cừ, Hà Nội), chỉ số chất lượng không khí (AQI) là 151 - tương ứng với thang màu đỏ, thể hiện chất lượng không khí ở mức xấu; điểm đo tại cổng Trường Đại học Bách Khoa (đường Giải Phóng) chỉ số AQI là 106 - tương ứng với thang màu cam, thể hiện chất lượng không khí ở mức kém.
Ảnh chụp từ đường Nguyễn Trãi hướng ra Ngã Tư Sở.
Ảnh tư liệu: Hoàng Hiếu/TTXVN
Kết quả quan trắc được đăng tải trên Cổng thông tin quan trắc môi trường của UBND thành phố Hà Nội tại địa chỉ moitruongthudo.vn cũng cho thấy tại điểm đo Chi cục Bảo vệ môi trường (số 17 Trung Yên 3, Trung Hòa, Cầu Giấy) chỉ số AQI là 119; tại UBND xã An Khánh, huyện Hoài Đức là 109, mức kém.
Cục Quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế) khuyến cáo, khi chỉ số chất lượng không khí ở mức kém (AQI ở mức 101-150), người dân giảm thời gian tham gia các hoạt động ngoài trời, nhất là đối với những người có triệu chứng đau mắt, ho, đau họng; hạn chế hoặc tránh hoạt động tại các khu vực có nguy cơ ô nhiễm không khí cao (như đường phố, các điểm giao cắt giao thông, các công trình xây dựng, khu vực sản xuất công nghiệp, làng nghề và các khu vực ô nhiễm khác); học sinh có thể tham gia các hoạt động ngoài trời, tuy nhiên hạn chế các hoạt động tập thể dục hoặc vận động cần gắng sức trong thời gian dài.
Khi chỉ số chất lượng không khí ở mức xấu (AQI ở mức 151-200), người dân hạn chế hoạt động ngoài trời hoặc tham gia các hoạt động vận động cần gắng sức; nếu phải làm việc, hoạt động ngoài trời nên bố trí, lựa chọn thời điểm ít bị ô nhiễm trong ngày, cần nghỉ ngơi nhiều hơn, thực hiện các hoạt động với cường độ vừa phải.
Người dân tránh hoạt động tại các khu vực có nguy cơ ô nhiễm không khí cao; nếu phải tham gia giao thông nên tăng cường sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, hạn chế sử dụng xe máy, xe đạp để giảm tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm. Đồng thời, hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng, đặc biệt các gia đình gần đường giao thông, gần khu vực bị ô nhiễm không khí; vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường.
Đối với những người nhạy cảm (người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người có bệnh về đường hô hấp…), tránh các hoạt động ngoài trời hoặc các hoạt động vận động cần gắng sức; vận động, tập thể dục trong nhà; hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào trong những thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng; vệ sinh mũi, súc họng sáng, tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường; tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ; theo dõi sức khỏe, nếu xuất hiện các triệu chứng cấp tính như khó thở, ho, sốt cần đến ngay các cơ sở y tế để khám và được tư vấn, điều trị.
Theo Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, từ tháng 9 năm trước đến tháng 3 năm sau là “mùa” ô nhiễm không khí tại một số địa phương, đặc biệt là các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và Thủ đô Hà Nội. Khi chất lượng không khí ở mức từ 100 trở lên sẽ gây ảnh hưởng tới sức khỏe của cộng đồng, đối với nhóm người nhạy cảm có thể gặp những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn.
Để bảo vệ sức khỏe trước những ảnh hưởng của ô nhiễm không khí, Bộ Tài nguyên và Môi trường khuyến cáo, người dân theo dõi diễn biến chất lượng không khí qua app VN AIR (cài đặt trên hệ điều hành Android, IOS) và trang web: https://cem.gov.vn, https://enviinfo.cem.gov.vn. Ngày 1-8-2024, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường cũng đã ban hành Công văn số 2796/KSONMT-CLMT gửi 63 Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị kiểm soát ô nhiễm không khí trong thời gian giao mùa.
hanoimoi.vn