Cháy mãi một tình yêu Hà Nội

10/10/2022 11:48

Kinhte&Xahoi Đi giữa các phố phường trong những ngày thu, mỗi chúng ta đều nhận thấy Hà Nội thật đẹp, đang bừng sáng lên với một tư thế mới, diện mạo mới, sức sống mới. Càng thêm yêu và tự hào, mỗi người dân, đặc biệt tuổi trẻ càng phải trách nhiệm hơn để đưa Hà Nội vượt qua mọi thử thách, tiếp tục lập thêm những kỳ tích mới, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và đồng bào cả nước dành cho Thủ đô.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri quận Ba Đình, Hà Nội

Tự hào, tin yêu, trách nhiệm với Hà Nội

 Trong dòng chảy ngàn năm Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, kể từ “Chiếu dời đô” của Vua Lý Thái Tổ năm Canh Tuất 1010 đến nay, hơn 1.010 năm Thăng Long - Hà Nội, quân và dân Thủ đô đã trải qua và chứng kiến biết bao thăng trầm lịch sử, nhưng Thăng Long - Hà Nội vẫn luôn là "chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước".

Ngày 10/10/1954 đi vào lịch sử như một mốc son đánh dấu bước ngoặt có ý nghĩa to lớn, mở ra thời kỳ phát triển cho Thủ đô và đất nước, khắc ghi dấu ấn thời đại Hồ Chí Minh trong tiến trình phát triển của Thăng Long - Hà Nội.

Ngay trong những ngày đầu tiên trở về Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở Đảng bộ và Nhân dân Hà Nội: “Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới nhìn vào Thủ đô ta. Tất cả chúng ta phải ra sức giữ gìn trật tự an ninh, làm cho Thủ đô ta bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần”. Thực hiện lời dạy của Bác, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, Đảng bộ và Nhân dân Hà Nội tiếp tục lập nên những chiến công cả trên mặt trận chống quân xâm lược và mặt trận lao động sản xuất…

Thực hiện lời dạy đó của Bác và nhìn lại quá trình phát triển của Hà Nội từ mốc son rực rỡ ngày 10/10/1954, càng thấy rõ điểm tựa để Hà Nội phát triển như hôm nay chính là tinh thần đoàn kết, ý chí quật cường, sáng tạo không bao giờ lùi bước trước khó khăn của các thế hệ cán bộ, Nhân dân Hà Nội. Mạch nguồn sức mạnh ấy luôn là động lực để vươn lên mạnh mẽ, ngày càng đổi mới để “Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn thịnh” như Bác hằng mong muốn.

Trong hành trình đầy tự hào của thời kỳ xây dựng và phát triển đã qua, ngày 1/8/2008, thực hiện Nghị quyết số 15 của Quốc hội khoá XII, Hà Nội chính thức hợp nhất với tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình. Quyết định lịch sử này đã tạo cho Hà Nội những điều kiện phát triển mới, xứng tầm với vị trí Thủ đô.

68 năm qua là khoảng thời gian không dài so với hàng nghìn năm lịch sử dân tộc, nhưng chỉ với từng ấy thời gian, Hà Nội đã trải qua biết bao thăng trầm và đã có bước chuyển mình lớn lao chưa từng có. Hà Nội hôm nay không chỉ đóng vai trò là Thủ đô của đất nước mà còn là cầu nối quan trọng để đất nước hội nhập với cộng đồng quốc tế. Hà Nội không chỉ là biểu tượng của nền văn hiến Việt Nam, là nơi hội tụ của văn minh Đại Việt mà còn là nơi kết tinh những giá trị cao đẹp của thời đại Hồ Chí Minh.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo TP Hà Nội

Dành tình cảm đặc biệt cho Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mong muốn Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Hà Nội cần nhận thức sâu sắc, đầy đủ hơn nữa vị trí, vai trò, vị thế và trách nhiệm của Thủ đô và Đảng bộ Thủ đô. Hà Nội có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng, vì Hà Nội là Thủ đô của cả nước, Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người, bộ mặt của quốc gia, trái tim của cả nước, thành phố vì hòa bình. Vị thế Hà Nội bây giờ khác xưa nhiều, quy mô lớn, không chỉ có 36 phố phường, không chỉ có Cổ Loa, mà bây giờ mở rộng ra rất nhiều. Nếu nói đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ như ngày nay, thì Hà Nội chưa bao giờ có được quy mô, vị thế, tầm vóc và yêu cầu cao như bây giờ.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, cần khơi dậy tinh thần tự hào, tình yêu, trách nhiệm với Hà Nội, nơi tụ khí của tinh hoa, địa linh nhân kiệt với biết bao địa danh và anh tài nổi tiếng, khí phách Thăng Long, hồn thiêng sông núi… Hà Nội có nhiều thời cơ, thuận lợi phát triển, nơi các cơ quan Trung ương đặt trụ sở… Người Hà Nội hào hoa, thanh lịch: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”; Thành phố cần tuyên truyền trong dân, giáo dục thế hệ trẻ, trong trường học, khơi dậy niềm tự hào, tự trọng, lòng tin, từ đó thấy rõ trách nhiệm đối với Hà Nội.

Tổng Bí thư nêu rõ, Trung ương có trách nhiệm quan tâm giúp đỡ Hà Nội, tạo điều kiện về cơ chế, bố trí cán bộ…; Đồng thời, thành phố cũng phải vận dụng và phát triển sáng tạo, từ sự chỉ đạo, giúp đỡ, có bước đi, cách làm phù hợp; Phối hợp với các địa phương khác. Mỗi địa phương đều có thế mạnh riêng, Hà Nội cần tăng cường hợp tác, tận dụng thế mạnh của các địa phương khác, với tinh thần Hà Nội vì cả nước và cả nước vì Hà Nội.

Cũng với những mong muốn Thủ đô phát huy kết quả truyền thống đã đạt được trong nhiều năm qua để phát huy mạnh mẽ trong thời gian tới, trong buổi trò chuyện với bà con Nhân dân phường Điện Biên (quận Ba Đình) trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ngày 17/11/2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Thứ nhất là, TP Hà Nội tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền đến mọi tầng lớp Nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tham gia xây dựng đời sống văn hóa, cuộc sống nghĩa tình, nhân ái; Khơi dậy niềm tự hào của người Hà Nội.

Thứ hai, Hà Nội phải đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước nhằm khích lệ, động viên những điển hình tiên tiến, những tập thể và cá nhân tiêu biểu, đặc biệt là tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và phong trào “Xây dựng người Hà Nội văn minh thanh lịch”. Văn minh, thanh lịch là rất quan trọng đối với thành phố Hà Nội, thể hiện truyền thống văn hóa 1000 năm văn hiến của người Hà Nội", Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Kỳ vọng, toả sáng những khát vọng vươn lên

 Cách đây 68 năm, ngày 10/10/1954, trong rừng cờ đỏ sao vàng, các cửa ô Hà Nội ngập tràn niềm vui chiến thắng đón chào đoàn quân tiến về giải phóng Thủ đô. Kể từ đó đến nay, dù đi qua không ít khó khăn, mỗi thành quả to lớn mà Hà Nội đạt được chính là hình ảnh sống động của sự đồng tâm nhất trí. Đặc biệt, trong 2 năm “chiến đấu với giặc” COVID-19, tinh thần đoàn kết, chung sức đồng lòng ấy một lần nữa lại trở thành nguồn sức mạnh to lớn để Hà Nội chiến thắng.

Đánh giá về công tác phòng, chống dịch Hà Nội, tại buổi làm việc với TP Hà Nội về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình phát triển kinh tế, xã hội, ngày 19/7/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ tin tưởng, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền và sự đồng lòng, quyết tâm của cán bộ, Nhân dân, Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện tốt “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, phục hồi phát triển kinh tế.

Một góc Hà Nội

Thủ tướng nhắn nhủ: “Ngoài coi trọng phát triển văn hóa, Hà Nội phải làm thật tốt nhiệm vụ huy động nguồn lực để phát triển, gồm cả nội lực và ngoại lực, nguồn lực tinh thần và vật chất; Tiếp tục quan tâm chăm lo, bảo đảm an sinh xã hội. Cùng với đó, thành phố là đẩy mạnh phân cấp, giao quyền cá thể hóa trách nhiệm; tạo điều kiện cho từng cơ quan, đơn vị chủ động, sáng tạo thực hiện nhiệm vụ; Kết hợp với tăng cường kiểm tra, giám sát để bảo đảm mọi nhiệm vụ, giải pháp được tổ chức thực hiện một cách hiệu quả cao nhất”.

Không chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ “kép”, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí luôn được quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của thành phố. Phát biểu tại cuộc làm việc, giữa Đoàn giám sát của Quốc hội với UBND TP Hà Nội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, điểm sáng của TP Hà Nội là thực hiện rất tốt, rất nỗ lực Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết 19-NQ/TW, Hội nghị lần thứ 6, Ban chấp hành Trung ương khóa XII, tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Thành phố đã có Ban chỉ đạo về vấn đề này, các đơn vị sự nghiệp công tiết kiệm cả về số lượng cán bộ cấp phòng; biên chế sự nghiệp của thành phố chưa dùng hết, nhờ đó, tỉ lệ chi thường xuyên của Hà Nội ở khoảng 49-51% là rất lý tưởng. Bên cạnh đó, Hà Nội chú trọng cắt giảm định mức, tiêu chuẩn, chế độ, qua đó tiết giảm được nhiều chi phí, từ vệ sinh môi trường, sửa chữa đê điều, chiếu sáng… Thành phố chủ động rà soát thường xuyên dự án treo, dự án chậm tiến độ. Tỉ lệ thu nội địa (chủ yếu từ thực lực nền kinh tế) của Hà Nội lớn.

Năm 2022, Quốc hội đã thông qua Dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô với 58,2 km qua địa phận Hà Nội. Vành đai mang tính "đối ngoại" này không chỉ giúp Hà Nội mở rộng không gian phát triển mà gia tăng kết nối liên vùng để các địa phương cùng bứt phá.

Phát huy tinh thần chủ động trong triển khai thực hiện dự án ý nghĩa này, ngay sau khi có Nghị quyết của Quốc hội, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức họp bàn để triển khai dự án, thành lập ban chỉ đạo của thành phố để triển khai xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô do Bí thư Thành ủy Hà Nội làm trưởng ban, phân công nhiệm cụ thể để đạt tiến độ, từ giải phóng mặt bằng, tái định cư, thực hiện quy hoạch hai bên tuyến đường bảo đảm phù hợp quy hoạch và khai thác được quỹ đất, kết nối giao thông…

Với vai trò cơ quan chủ quản, Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo xây dựng dự thảo “Kế hoạch phối hợp triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô” và “Quyết định thành lập Ban chỉ đạo Vùng triển khai dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng thủ đô”, các dự thảo này cũng đã được gửi lấy ý kiến 2 tỉnh Hưng Yên và Bắc Ninh.

Ngoài kế hoạch phối hợp chung với hai tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, TP Hà Nội cũng yêu cầu từng địa phương có kế hoạch để phân công cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị để hoàn thành sớm nhất các nhiệm vụ thuộc dự án quan trọng này.

Song song với việc mở rộng không gian phát triển với Dự án Vành đai 4- Vùng Thủ đô, Hà Nội cũng đang bước đầu triển khai Nghị quyết 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045 nhằm xây dựng TP Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.

Trách nhiệm và sứ mệnh của thế hệ hôm nay trước lịch sử hào hùng của cha ông, trước tương lai tươi sáng của Thăng Long-Hà Nội là phải phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, huy động mọi nguồn lực, tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức để xây dựng Thủ đô và đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Hà Nội, nơi hội tụ của văn hoá Tràng An và Xứ Đoài, là thành phố khởi nghiệp, đô thị xanh, hiện đại, nơi đáng sống để toả sáng những khát vọng vươn lên.

Lam Dương - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốchttps://tuoitrethudo.com.vn/chay-mai-mot-tinh-yeu-ha-noi-207637.html